“Nhóm lợi ích” đã tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, lĩnh vực, gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước và xã hội. Kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” trở thành nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đây là công việc khó khăn, phức tạp vì liên quan đến những người có chức, có quyền, có tiền. Do vậy, cần có quan điểm, phương châm đúng đắn nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay.
Thực trạng "nhóm lợi ích" ở Việt Nam
“Nhóm lợi ích” là một hiện tượng khách quan, tồn tại tất yếu trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội. Đó là tập hợp các cá nhân có chung một hay nhiều lợi ích hoạt động theo một cơ chế nhất định nhằm đạt được hoặc gia tăng lợi ích chung của họ. Thực tế, vừa có “nhóm lợi ích” tích cực, vừa có “nhóm lợi ích” tiêu cực. “Nhóm lợi ích” tích cực là những “nhóm lợi ích” chính đáng, hợp lý, hợp pháp, tiến bộ, có tác dụng tích cực, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ngược lại, “nhóm lợi ích” tiêu cực là “nhóm lợi ích” không chính đáng, phi pháp, có tác dụng phá hoại, kìm hãm sự phát triển của xã hội (1).
Trước đổi mới, các “nhóm lợi ích” ở nước ta vẫn tồn tại nhưng hình thái biểu hiện, ảnh hưởng, tác động lên đời sống xã hội không rõ ràng, mạnh mẽ (2). Sau đổi mới, “nhóm lợi ích” ở Việt Nam có điều kiện, môi trường thuận lợi để hình thành, phát triển cả về số lượng, quy mô, tính chất, gây ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đến việc hoạch định và thực thi chính sách nói riêng. Kinh tế càng phát triển, xã hội càng phân hóa, đa dạng, quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội được mở rộng thì “nhóm lợi ích” xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng, tác động của chúng đến xã hội càng lớn. Chúng xuất hiện ở mọi ngành, lĩnh vực, địa phương, ở mọi quy mô, cấp độ, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính - ngân hàng, khai thác tài nguyên với những vụ án tham nhũng hay kinh tế nghiêm trọng liên quan đến nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp, tướng lĩnh đã nhúng chàm.
Qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực cho thấy, “nhóm lợi ích” đã tác động đến tất cả các khâu, công đoạn, quy trình của quá trình thực thi chính sách. Nhìn tổng thể, nước ta chưa có sự lũng đoạn của “nhóm lợi ích” nhưng đã có biểu hiện, tác động của “nhóm lợi ích” lên quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Trong phạm vi nhỏ hơn, ở một số tỉnh, bộ, ngành đã có sự lũng đoạn của “nhóm lợi ích”. Và sự chi phối, lũng đoạn về kinh tế sớm hay muộn cũng dẫn đến sự chi phối công tác tổ chức - cán bộ và lũng đoạn về chính trị trên các phạm vi khác nhau (3).
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và XII của Đảng, cùng nhiều hội nghị Trung ương gần đây đã đề cập đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có “nhóm lợi ích” với các biểu hiện cụ thể như cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung dưỡng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; lợi dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc người thân, phe nhóm mình. Đặc biệt, đã xuất hiện kiểu quan hệ giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp…
Tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), ngày 10-10-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”. Tiếp đó, tại phiên bế mạc Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 29-2-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “lợi ích nhóm” đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, đôi bên cùng có lợi, chung nhau làm ăn vì lợi ích cục bộ. Nhưng bây giờ nhiều khi không chỉ là quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “đường dây”, “sự ăn cánh” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung” (4).
Ngày 8-1-2018, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Công tác quản lý tài sản công vẫn đang còn nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các “nhóm lợi ích” “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Do vậy, phải “chặt đứt nhóm lợi ích thao túng hưởng lợi trên tài sản công quốc gia” (5).
Tiếp đó, tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngày 21-11-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra nguyên nhân kìm hãm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn là do lợi ích nhóm, tham nhũng, tư lợi cá nhân; đặc biệt là tình trạng “sân trước”, “sân sau”. Thủ tướng cho biết: “Không những 1 sân trước mà 4, 5 sâu sau. Có ông (doanh nghiệp nhà nước) 14 - 15 cái sân sau” (6) .
Dưới tác động của “nhóm lợi ích”, chính sách bị biến dạng, méo mó. Tài sản, ngân sách nhà nước bị thất thoát, lãng phí. Cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm nảy sinh những mâu thuẫn trong Đảng và xã hội. Đặc biệt, niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước bị giảm sút, tạo cơ hội cho những phần tử chống đối, phản động nổi dậy chống phá, xuyên tạc tình hình đất nước. Đây là những nguy cơ to lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Và những định hướng đúng đắn của Đảng
Dự báo trong thời gian tới, “nhóm lợi ích” tiêu cực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách ở tất cả các ngành, lĩnh vực, mọi quy mô, cấp độ. Hoạt động của nhóm sẽ ngày càng tinh vi, khó phát hiện với những âm mưu, thủ đoạn mới, được che chắn, ngụy trang một cách kín đáo. Đặc biệt, đã xuất hiện sự câu kết giữa “nhóm lợi ích” ở trong nước với “nhóm lợi ích” ở nước ngoài. Đây là xu hướng mới và sẽ mạnh lên trong thời gian tới. Do vậy, kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” đang là nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước ta.
Đảng chưa có nghị quyết chuyên đề về kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích”. Tuy nhiên, qua một số nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, về hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…, có thể khái quát một số quan điểm, định hướng, tinh thần chung của Đảng trong việc kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích”:
Một là, kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước, sự thành bại của công cuộc đổi mới; góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Hiện nay, “nhóm lợi ích” đã hình thành, ăn sâu, tác động mạnh đến mọi ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội ở mọi quy mô, cấp độ, đặc biệt trong việc hoạch định, thực thi chính sách. “Nhóm lợi ích” cấu kết chặt chẽ với nhau, hoạt động ngầm, tinh vi nhằm tham nhũng, trục lợi, đục khoét tài sản của Nhà nước. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thực tế xã hội cho thấy có nguy cơ đáng lo ngại là tham nhũng, tiêu cực có hiện tượng chuyển dần sang “c
hủ nghĩa tư bản thân hữu” do hoạt động của “lợi ích nhóm” gây nên(7). Do vậy, đấu tranh kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến những người có chức, có quyền, có tiền, lại không có chiến tuyến rõ ràng. Nhóm hoạt động rất tinh vi, ngấm ngầm, được tổ chức chặt chẽ, thường nhân danh lợi ích của tập thể, cộng đồng, nhân dân, ngụy trang, ẩn giấu dưới những lời nói, việc làm có tính chất nhân văn, nhân đạo, nên rất khó nhận biết, phát hiện. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), ngày 9-12-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta”.
Ba là, phải có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì. “Nhóm lợi ích” đã ăn sâu trong suy nghĩ, tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp. Thực tế, nó hiện hữu ở mọi cấp, mọi ngành, liên quan đến những người có chức, có quyền. Do vậy, muốn kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả “nhóm lợi ích” cần có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, làm một cách kiên quyết, kiên trì, bài bản, khoa học, không thể nóng vội, chủ quan. Cần có giải pháp tình thế, kiên quyết, kịp thời, tạo chuyển biến rõ rệt, đồng thời có biện pháp dài hạn về phòng, chống tận gốc. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, ngày 26-3-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta phải có dũng khí, dám ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm và cũng không bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng.
Bốn là, kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” phải sử dụng đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, phải dựa vào dân, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đó là các giải pháp về chính trị - tư tưởng, tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về công tác tổ chức - cán bộ; về phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí - truyền thông… Các nhóm giải pháp cần tiến hành đồng bộ, kiên quyết, kiên trì, làm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; đồng thời lựa chọn những giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với từng thời điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
Năm là, rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” nói chung, kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” trong hoạch định và thực thi chính sách công nói riêng; khẩn trương nghiên cứu, ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực; xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng “xin - cho”, “duyệt - cấp”, độc quyền; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, điều hành ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, khai thác tài nguyên, tài chính - ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Lợi ích phải dành cho cả dân tộc, chứ không dành cho một nhóm người
Trả lờiXóa