Social Icons

Pages

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Hãy đến đây đón Giáng sinh để cảm nhận về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Giáng sinh năm 2019 đang đến rất gần. Không khí ngày lễ Giáng sinh đã có thể cảm nhận thấy ở mọi nơi tại VN. Ở khắp các con phố, từ các cửa hàng đến khách sạn có thể nghe thấy những bài hát mừng Giáng sinh. Đã từ lâu cái tên ông già Noel đã trở nên thân quen không chỉ với những người theo đạo Thiên Chúa, mà còn đối với người dân VN nói chung, đặc biệt là đối với trẻ em.
Đặc biệt, vào những ngày này có thể thấy rất nhiều người nước ngoài, cũng như du khách quốc tế tại khu vực Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà tại TP.HCM và rất nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Ông Hansen, một người Đan Mạch, quyết định dành kỳ nghỉ đông năm nay ở VN như một món quà Giáng sinh đặc biệt cho hai cô con gái nhỏ. Alex, một thanh niên đến từ miền Nam nước Pháp, chia sẻ : “Tôi cảm nhận rõ không khí Noel tại đây. Rất nhiều đèn, hang đá lớn nhỏ được trang trí khắp nơi. Không khí Giáng sinh khá giống như khi tôi ở Pháp”. Một khách du lịch người Malaysia nói, không khí trước Giáng sinh ở VN nhộn nhịp và đẹp hơn nhiều so với ở nước anh và nhiều nước khác trong khu vực. Không khí đón Giáng sinh tại VN khiến rất nhiều du khách nước ngoài bất ngờ và thích thú.

VN là một quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo cùng tồn tại lâu đời trong lịch sử của dân tộc. Ước tính khoảng 95% dân số VN có đời sống tín ngưỡng, trong đó có trên 26 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước). Ở VN có khoảng 7 triệu người theo đạo Thiên Chúa, đứng thứ hai sau Phật giáo. Lịch sử hình thành và phát triển Thiên Chúa giáo ở VN có nhiều thăng trầm, biến động. Từ một tôn giáo ban đầu hoàn toàn xa lạ với xã hội VN, đến nay đạo Thiên chúa giáo đã phát triển trở thành tôn giáo lớn ở VN, với nhiều hoạt động đa dạng và có những ảnh hưởng trong đời sống văn hóa-xã hội VN, có những đóng góp không nhỏ trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước.
Không phải quan hệ giữa chính quyền và những người theo đạo Thiên Chúa ở VN không có những lúc trắc trở, bất đồng. Thậm chí có những giai đoạn, những người có lý lịch theo Thiên Chúa giáo gặp phải những bất lợi nhất định trong công việc, nhưng đó là một thực tế vẫn xảy ra trong quá trình vận động, phát triển của mỗi dân tộc ở một số thời điểm nhất định của lịch sử. Tuy nhiên, một số đối tượng thù địch, cơ hội luôn luôn tìm cách xuyên tạc rằng, VN không có tự do tôn giáo; Nhà nước VN hạn chế, đàn áp tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt. Ngay cả một số chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế cũng có những nhận định thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở VN dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của VN. Mỗi khi VN bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước ở từng thời kỳ cụ thể, thì họ lại kích động chiến dịch xuyên tạc, vu cáo Nhà nước VN hạn chế tự do tôn giáo, đòi phải bãi bỏ những văn bản pháp luật đó. Họ đòi tôn giáo phải độc lập và không chịu sự quản lý của Nhà nước.
Thực tiễn tình hình tôn giáo trên thế giới cho thấy: Quản lý nhà nước với hoạt động tôn giáo là một yêu cầu khách quan của mọi quốc gia. Hoạt động tôn giáo không chỉ đơn thuần là nhu cầu tinh thần của các tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Chẳng hạn như việc xây dựng nơi thờ tự không chỉ đơn thuần là việc củng cố, phát triển cơ sở vật chất của giáo hội, mà còn liên quan đến những quy định của Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng. Mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và mọi công dân liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Tôn giáo và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể đứng ngoài pháp luật của quốc gia đó. Pháp luật VN tôn trọng quyền tự do tôn giáo, nhưng nghiêm cấm và xử lý nghiêm bất kỳ ai lợi dụng tôn giáo để xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
Không chỉ ở VN, mà các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Tại các nước phát triển, tôn giáo cũng luôn phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước. Luật của nhiều nước quy định rõ rằng: việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng; cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo. Tại Nhật Bản, năm 1995, sau sự kiện giáo phái Chân lý AUM khủng bố trong hệ thống đường tàu điện ngầm ở Tô-ky-ô bằng chất độc sa-rin, Nghị viện Nhật Bản đã bổ sung, sửa đổi một đạo luật về tôn giáo theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với các hoạt động tôn giáo…
Không phải không có những người hiểu không chính xác về tình hình tôn giáo ở VN do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông quốc tế và MXH, nhưng những ai đã từng đến VN, nhất là trong những dịp lễ Giáng Sinh, lễ Phật Đản hay tham dự các hoạt động tín ngưỡng ở VN, đều có thể thấy rõ những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc về tự do tôn giáo ở VN của một số thế lực thù địch, cơ hội với VN là sai sự thật và lạc lõng đến mức nào. Có thể nói, chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở VN lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Hãy đến VN để cảm nhận không khí Giáng sinh, để xem người dân trong nước và người nước ngoài ở VN chuẩn bị đón Giáng sinh thế nào và để cảm nhận chính xác về tự do tôn giáo ở VN./.

1 nhận xét:

  1. Thực tiễn những gì đã diễn ra cho thấy: không có nước nào trên thế giới coi trọng và làm tốt dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo như ở Việt Nam

    Trả lờiXóa