Những nhiệm kỳ gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức cho cấp ủy viên các cấp trước khi tham gia cấp ủy khóa mới.
Nói vậy, không phải gần đây Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới quan tâm đến việc làm này, mà đó là cách tổ chức có tính bài bản và hệ thống. Chủ động lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới là việc hết sức hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bởi, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng căn dặn. Đặc biệt, khi xã hội phát triển, đất nước mở cửa, hội nhập với đời sống quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, thì đội ngũ cán bộ của Đảng không chỉ đòi hỏi có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, mà phải có kiến thức, có trí tuệ. Đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, nhưng kiến thức chính là phương tiện, hành trang để người cán bộ mang đến hạnh phúc, ấm no cho nhân dân; để đất nước ngày càng cường thịnh.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, những năm qua Quân ủy Trung ương và cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Quân đội luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nói chung, cấp ủy viên các cấp nói riêng. Bằng nhiều cách thức tổ chức linh hoạt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế, từng cấp ủy chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cho cấp ủy viên một cách hiệu quả nhất. Cái thuận là trong Đảng bộ Quân đội, cán bộ chủ chốt các cấp đều tham gia cấp ủy cùng cấp. Theo đó, bồi dưỡng kiến thức cho cấp ủy viên cũng chính là bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ. Nội dung bồi dưỡng được cấp ủy các cấp xác định toàn diện, cả về kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ và phương cách xử lý các tình huống trong công việc, cuộc sống.
Điều hết sức đáng mừng, những năm gần đây, đội ngũ cán bộ các cấp trong quân đội luôn ý thức rất cao và có quyết tâm lớn trong việc học tập, nâng cao trình độ, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ ở từng cơ quan, đơn vị. Những nghiên cứu, tìm tòi của cán bộ góp phần rất quan trọng để bộ đội làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật, khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất; đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng chuyện học tập, nâng cao trình độ không chỉ phụ thuộc vào việc tổ chức các lớp của từng cơ quan, đơn vị, mà phần lớn phụ thuộc vào sự chủ động, tích cực và kiên trì của mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên. Theo đó, từng người cần thấy rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình để chủ động học tập, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm vận dụng hiệu quả vào thực tiễn hoạt động. Đặc biệt, không chỉ chú trọng việc tích lũy kiến thức, mà mỗi cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, phẩm chất trong sáng. Kiến thức và đạo đức là hai trụ đỡ để mỗi người tiến bước vững chắc trên hành trình cuộc sống của mình, nhưng đạo đức là gốc, là vấn đề căn cốt, là nhân cách của mỗi người, nhất là đối với cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Học tập, nâng cao kiến thức là điều hết sức cần thiết, nhưng việc học ấy phải để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Và muốn làm được việc đó, mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên phải dựa trên nền tảng đạo đức cách mạng. Có như vậy kiến thức của mỗi người mới được vận dụng hiệu quả và thực sự hữu ích trong cuộc sống, thúc đẩy xã hội phát triển.
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa