Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Được Trung ương Đảng và đồng chí Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy, vào lúc 17 giờ, ngày 22 tháng 12 năm 1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao bằng (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng hết sức súc tích. Đây là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối quân sự của Đảng ta như: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân; nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng; phương châm xây dựng 3 thứ quân; phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang; nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang… Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời trên nền tảng vững chắc là phong trào cách mạng toàn dân, từ một trong những nguồn vốn quân sự ban đầu của Đảng là các đội du kích, tự vệ Cao - Bắc - Lạng. Sự ra đời của Đội đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về hình thức tổ chức của Lực lượng vũ trang cách mạng. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chí Minh - Văn kiện mang tính chất cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng, đã đề cập tư tưởng chỉ đạo khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đó là: “chính trị trọng hơn quân sự”. Tư tưởng này được thể hiện xuyên suốt trong cả quá trình chuẩn bị, chỉ đạo và phương châm hoạt động của Đội sau ngày thành lập. Tư tưởng chỉ đạo chính trị trọng hơn quân sự thể hiện rõ trong việc đặt tên gọi cho Đội. Khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo: Các đội viên đã thống nhất đặt tên đội là “Đội Việt Nam Giải phóng quân”, Hồ Chí Minh đã chỉ thị thêm vào hai chữ “tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ “chính trị” lúc này còn “trọng hơn quân sự”. Trong chỉ thị thành lập, Người cũng khẳng định “Tên: ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”.
Hồ Chí Minh cho rằng, để xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh phải xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, từ lực lượng chính trị mà phát triển thành lực lượng quân sự. Từ đấu tranh chính trị mà chuyển thành đấu tranh quân sự. Người khẳng định vai trò nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh nhân dân là yếu tố cực kỳ quan trọng, mỗi khi được giáo dục giác ngộ toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc thì không thể có lực lượng nào ngăn cản được.
Như vậy, kể từ ngày 22 tháng 12 năm 1944, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22 tháng 12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng Toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa