Social Icons

Pages

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

“PHI CHÍNH TRỊ HÓA QUÂN ĐỘI” – “VỞ KỊCH CHÍNH TRỊ RẺ TIỀN VÀ CŨ RÍCH CỦA CÁC THẾ LỰC CHỐNG CỘNG”

Nhìn lại lịch sử nhân loại từ khi xuất hiện giai cấp và nhà nước, chúng ta nhận thấy vấn đề có tính quy luật: Mọi giai cấp khi đã trở thành giai cấp thống trị đều tổ chức ra quân đội của riêng mình. Lẽ dĩ nhiên, quân đội đó phải thường xuyên được giáo dục, giác ngộ và trung thành tuyệt đối với mục tiêu và lợi ích của giai cấp thống trị. Không ở đâu và không khi nào có một quân đội của nhiều giai cấp hoặc không mang bản chất của giai cấp nào. Quy luật phổ biến trên đây được thể hiện rõ ràng, rộng rãi trong tổ chức và hoạt động của mọi quân đội, dù là quân đội tư sản hay quân đội vô sản.
Hơn 200 năm về trước, Clausewitz nhà lý luận quân sự nổi tiếng của nước Phổ đã nói rằng: “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, trong khi quân đội ra đời để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Chính V.I. Lê-nin cũng đánh giá cao luận điểm này. Vì vậy, khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị” thì tất yếu phải thừa nhận: không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “trung lập về chính trị”, bởi bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, phản ảnh lập trường chính trị của các bên tham chiến và quân đội của các bên tham chiến đều được lực lượng chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó của cuộc chiến tranh. Do đó, nếu cho rằng: quân đội nhân dân Việt Nam phải đứng ngoài chính trị để nó thực sự là công cụ bảo vệ cho lợi ích của toàn dân dân tộc Việt Nam thì chắc hẳn quân đội các nước tư sản cũng cần phải được tổ chức và hoạt động như thế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc, các thế lực bên ngoài không thể tìm thấy ở đâu có một quân đội được “phi chính trị”. Thậm trí nhìn vào lịch sử ra đời và hoạt động của quân đội tư sản, chúng ta thấy rõ: Xây dựng quân đội về chính trị, làm cho nó trung thành với lợi ích và lý tưởng của giai cấp tư sản chính là công tác trọng yếu, yêu cầu sống còn để bảo vệ địa vị thống trị của giai cấp tư sản. Chính lãnh tụ cộng sản thiên tài VI. Lênin, người đã có những nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa đế quốc đã bóc trần đầy đủ nhất bản chất quân đội Nga - Sa Hoàng. Người chỉ rõ: “Quân đội là công cụ vững chắc nhất để duy trì chế độ cũ, là thành trì kiên cố nhất để bảo đảm cho kỷ luật tư sản và sự thống trị của tư bản, là nhà trường giáo dục một cách nô lệ và sự phụ thuộc của người lao động đối với tư bản”[1]. Quân đội tư sản bất chấp thành phần xã hội như thế nào đều là công cụ để duy trì quyền lực chính trị và kinh tế của giai cấp tư sản, là công cụ đàn áp nhân dân lao động trong nước và nhân dân các nước khác. Chính trị của quân đội tư sản được biểu hiện ở những vấn đề sau đây:
1. Quân đội tư sản ra đời nhằm bảo vệ chế độ chính trị tư sản, nhà nước tư bản. Đây là biểu hiện rõ nhất, sâu sắc nhất chính trị của quân đội tư sản. Với tính chất là công cụ bạo lực vũ trang của giai cấp tư sản, nhà nước tư bản, quân đội tư sản sẵn sàng tiêu diệt tất cả những lực lượng chính trị đối lập và đàn áp bằng bạo lực cuộc đấu tranh của nhân dân trong nước để bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản, nhà nước tư bản.
2. Quân đội tư sản là công cụ vũ trang để giải quyết các nhiệm vụ chính trị đối ngoại của giai cấp tư sản, nhà nước tư bản bằng thủ đoạn bạo lực. Quân đội tư sản là công cụ quan trọng của giai cấp tư sản, nhà nước tư bản thực hiện đường lối chính trị xâm lược, nô dịch, thống trị các quốc gia dân tộc khác, giành quyền thống trị thế giới. Vấn đề này được thể hiện rõ nhất trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước dùng sức mạnh quân sự bóp chế nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và tranh giành quyền thống trị thế giới. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO); Liên minh quân sự giữa Mỹ và một số nước trên thế giới và khu vực; quân đội Mỹ có mặt ở khắp nơi trên thế giới là một minh chứng biểu hiện cho việc quân đội tư sản là công cụ vũ trang để thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang của giai cấp tư sản, nhà nước tư bản.
3. Chính trị của quân đội tư sản được biểu hiện ở thành phần của đội ngũ sĩ quan. Sắc luật của nhà nước tư bản đều có quy định miễn gọi nhập ngũ những ai không có đầy đủ yêu cầu về chính trị, không bảo đảm về chính trị. Trong quân đội tư sản việc lựa chọn thành phần sĩ quan về mặt giai cấp và về mặt chính trị cũng được đặc biệt coi trọng. Năm 1962, trong sỹ quan quân đội Tây Đức có 6% là xuất thân từ quý tộc, 80% xuất thân từ tư sản,12% xuất thân từ viên chức và chỉ có 2% xuất thân từ công nông[2].
4. Chính trị của quân đội tư sản được biểu hiện ở việc giáo dục, huấn luyện binh lính theo hệ tư tưởng chính trị của giai cấp tư sản. Trong quân đội của nhà nước tư bản đều có một hệ thống đài phát thanh, truyền hình, một số lượng lớn sách báo chống cộng được xuất bản ca tụng chủ nghĩa tư bản và bôi nhọ nói xấu chủ nghĩa xã hội. Trong lời thề của binh sĩ quân đội Mỹ được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1962 có câu: “Tôi trịnh trọng xin thế sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ, chống lại mọi kẻ thù bên trong và bên ngoài...”
Theo điều lệnh quân đội Mỹ, sĩ quan chỉ huy chịu trách nhiệm về giáo dục tư tưởng và tinh thần binh sĩ. Quân đội Mỹ duy trì cả một bộ máy tuyên truyền to lớn gọi là “cơ quan thông tin và giáo dục quân đội” để tiến hành công tác tư tưởng. Trong các quân chủng của quân đội Mỹ đều cơ quan thông tin. Ngoài việc lãnh đạo công tác tuyên truyền, cổ động, cơ quan này còn chuẩn bị và xuất bản những sách giáo khoa về tư tưởng, những tài liệu phát thanh, báo chí, phát hành những phim ảnh ca tụng chủ nghĩa tư bản. Trong quân đội Cộng hòa Liên bang Đức còn thành lập các nhà trường lãnh đạo nội bộ nhằm đào tạo những sĩ quan, hạ sĩ quan làm công tác “giáo dục” binh sĩ.
Chính trị của quân đội tư sản được biểu hiện ở việc giai cấp tư sản, nhà nước tư bản không ngừng cải tiến và tăng cường vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội, làm cho quân đội ấy trở thành công cụ mạnh mẽ hơn để giữ quyền thống trị giai cấp ở trong nước và thực hiện đường lối chính trị cường quyền xâm lược trên trường quốc tế.
Vậy hà cớ gì, các thế lực bên ngoài lớn tiếng hô hào, kêu gào đòi “phi chính trị hóa LLVT” khi mà chính họ đều tán dương nguyên tắc đạo đức vốn phổ biến trong triết lý phương Đông cũng như triết lý phương Tây “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Đây rõ ràng không phải là “sự ngây thơ về chính trị” mà là một thủ đoạn nham hiểm, là trò “ảo thuật chính trị” được khéo che đạy bởi những lý thuyết viển vông về cái gọi “phi chính trị hóa quân đội”. Vậy nên, muốn khuyên người khác tin theo và làm theo thì bản thân mình hãy làm trước, đừng xúi dục, lừa lọc người khác, là thói đạo đức giả hiệu và rẻ tiền của những kẻ “Sen đầm quốc tế”.
Nếu đặt một giả thuyết: “Phi chính trị hóa quân đội” là phát kiến mới cần được thử nghiệm nhằm hướng tới xây dựng một “quân đội của toàn dân” như những gì các thế lực chống cộng rêu rao thì hãy nhìn vào kết quả của những thử nghiệm của họ ở Liên Xô trước đây. Liên Xô vốn là quốc gia XHCN hùng mạnh nhất, là chỗ dựa, là thành trì của hòa bình thế giới. “Quân đội Xô Viết”– một đội quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại bậc nhất thế giới lúc bây giờ, với số lượng quân thường trực có thời điểm lên tới 3,6 triệu người (1991), sở hữu nhiều loại vũ khí tối tân, thậm trí sở hữu cả vũ khí hạt nhân. Nhưng sau màn kịch mà diễn viên chính là những phần tử thoái hóa, biến chất được khoác lên mình những vỏ ngôn từ: Nào là “cải cách”, “cải tổ”, với Gorbachop là diễn viên chính đã nhanh chóng thúc đẩy quá trình “chuyển màu chế độ”, đưa Liên Xô đến bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn. Đứng trước nguy cơ đổ vỡ, chỗ dựa cuối cùng và quan trọng nhất để bảo vệ Đảng và Nhà nước Liên bang đó là “Quân đội Xô Viết”. Nhưng kết cục quân đội gần 4 triệu quân đã bị “vô hiệu hóa” hoàn toàn, vì đã bị “phi chính trị hóa” từ trước. Chính vì thế khi cần nổ súng, quân đội đã không biết phải bảo vệ ai, trong khi trong tay vẫn còn nguyên mọi thứ vũ khí. Các thế lực chống cộng quốc tế thì hả hê cụm ly chúc mừng nhau vì đã đạo diễn sự sụp đổ của quốc gia hùng mạnh với gần 100 năm tuổi mà không tốn 1 viên đạn.
Đối với quân đội nhân dân Việt Nam, ngay từ lời tuyên bố thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị “Tên đội là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”. Đây là quân điểm quân sự cốt lõi định hướng cho sự ra đời, trưởng thành và chiến thắng của quân đội. Những chiến thắng lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu mà dân tộc Việt Nam có được trước những kẻ thù hung bạo và hùng mạnh nhất là Pháp, Mỹ… cũng bắt nguồn từ tư tưởng chỉ đạo đó. Xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở là bài học lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước thời đại Hồ Chí Minh. Nhân dân Việt Nam yêu mến quân đội, tin tưởng, tự nguyện giao phó trọng trách giữ nước cho quân đội cũng là vì quân đội ta “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Như vậy, sự sai lầm của những kẻ đang rêu rao đòi “phi chính trị hóa quân đội” chính là thủ đoạn chính trị nham hiểm nhằm tách rời sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quân đội nhân dân Việt Nam. Việc nghiên cứu, chỉ ra những mưu đồ nham hiểm và đen tối đó không chỉ đơn thuần là để bảo vệ tính đúng đắn của chân lý khách quan mà còn là sự cảnh báo, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân Việt Nam, để đừng bao giờ rơi vào sai lầm của lịch sử: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc. Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”./.
[1] V.I.Lênin. Toàn tập,t.28, Nxb Tiến Bộ, M,1977,tr.364.
[2] Học thuyết Mác – Lênin về chiến tranh và quân đội, Nxb QĐND, Hà Nội, 1975,tr.301,302

1 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch có âm mưu "phi chính trị hóa Quân đội" nhằm tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng CSVN, làm cho Quân đội biến chất. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

    Trả lờiXóa