Social Icons

Pages

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

Bác bỏ ý kiến kêu gọi VN phải liên minh quân sự để bảo vệ Tổ quốc

Sách trắng Quốc phòng VN 2019, được công bố ngày 25-11-2019 đã công khai toàn bộ những vấn đề cơ bản nhất của quốc phòng VN; trong đó, xác định: “VN chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc dùng lãnh thổ VN để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Chính sách này được nhiều nước và dư luận quốc tế ủng hộ, đánh giá cao; phản ánh tinh thần trách nhiệm của VN góp phần vào củng cố hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, một số bài viết trên MXH, báo điện tử nước ngoài,… cho rằng, VN thực hiện chính sách “4 không” là nguy cấp, đồng thời ra sức hô hào, kêu gọi VN “phải thực hành liên minh quân sự để bảo vệ Tổ quốc”. Những bài viết này, đều xuất phát từ những chủ thể và chủ bút luôn có thái độ, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở VN.
Không thuần túy là kêu gọi liên minh quân sự ngay lập tức cho VN, mà ẩn ý của họ nhắm tới là kích động dư luận xã hội phủ nhận, lên án và gây áp lực với Đảng, Nhà nước và Quân đội ta, nhằm tạo ra những bất ổn, tiêu cực về quốc phòng, an ninh, gây mất ổn định chính trị, phá vỡ nền hòa bình của VN; và mục tiêu là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ CNXH ở VN. Đó mới là mục đích “thực” của họ. Vì vậy, cần phải kiên quyết phê phán, bác bỏ ý kiến sai trái này, với cơ sở lý luận, thực tiễn sau:
1. Tính hai mặt của liên minh quân sự. “Liên minh quân sự là sự liên kết hoạt động quân sự giữa hai hoặc nhiều nước hay tập đoàn chính trị trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích,… Tùy thuộc vào mục đích chính trị, liên minh quân sự có thể là tiến bộ hay phản động, tự vệ hay xâm lược” . Theo đó có thể thấy: (1). Liên minh quân sự tất yếu không chỉ hỗ trợ và ràng buộc nhau về quân sự mà còn cả chính trị và kinh tế; (2). Liên minh quân sự phải dựa trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích, trước hết là phải chấp nhận các điều kiện có đi, có lại về chính trị, kinh tế, nhiều khi là cả chủ quyền quốc gia; (3). Tùy theo mục đích chính trị, kinh tế, “lợi lộc” đến đâu mà các nước liên minh trước sau sẽ bộc lộ bản chất tiến bộ - phản động, tự vệ - xâm lược, chính nghĩa - phi nghĩa, vụ lợi - cùng có lợi.
Như vậy, liên minh quân sự có hai dạng, tích cực và tiêu cực, tùy theo mục đích, bản chất chính trị, kinh tế của các bên tham gia liên minh. Nếu liên minh đó là chính nghĩa, trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, thì nó sẽ phát huy tác dụng trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của các bên tham gia, đóng góp chung cho sự tiến bộ của nhân loại. Ngược lại, liên minh đó là phản động, phi nghĩa, thì càng làm gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa các nước, các khối quân sự; là nguyên cớ để các nước có mưu đồ xấu, các khối quân sự chạy đua vũ trang, đẩy mạnh hoạt động, tăng cường hiện diện quân sự, đẩy thế giới, khu vực và đất nước đến “miệng hố chiến tranh”. Thậm chí, các tập đoàn tài phiệt, tập đoàn quân sự hùng mạnh hay các thế lực phản động thỏa hiệp với nhau, thực hiện chính sách hai mặt đối với các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu bị lôi kéo, ép buộc vào liên minh, buộc các quốc gia, dân tộc phải từ bỏ một phần hoặc hy sinh những lợi ích căn bản của mình, đặc biệt là quyền dân tộc tự quyết, độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia để phục vụ cho mục đích của họ.
Thực tiễn lịch sử thế giới gần đây cho thấy, các cuộc chiến tranh và xung đột khắp Nam Âu đến Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi mấy thập niên qua, nhất là nội chiến ở Xy-ri, xung đột ở U-crai-na,… đều chỉ ra rằng: đằng sau những hành động và việc làm tưởng như vô tư đó là cả một mưu đồ tham vọng về lợi ích chiến lược của các cường quốc, mà hậu quả để lại cho nhân dân các nước đó không chỉ là phá hỏng không gian kinh tế - xã hội, kéo lùi sự phát triển của đất nước, mà còn là cảnh “nồi da nấu thịt”, chia cắt, tàn phá đất nước; chế độ và nhà nước có chủ quyền bị thủ tiêu hoặc luôn đối mặt với các nguy cơ bất ổn. Điều này cho thấy, giữ vững độc lập, tự chủ là bài học xương máu trong quan hệ quốc tế của mỗi quốc gia, dân tộc. Các nước tham gia liên minh quân sự đều có lợi ích riêng của mình, không ai cho không ai cái gì, vì vậy, các quốc gia phải cân nhắc cái được và cái mất để quyết định. Vì vậy, VN chủ trương không liên minh quân sự là hoàn toàn phù hợp và sáng suốt; là điều kiện quan trọng để giữ vững môi trường hòa bình phát triển đất nước.
2. VN chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Những người kêu gọi “VN phải liên minh quân sự” thường chê bai, gièm pha về sức mạnh quân sự VN hiện nay là “quá yếu”, “lạc hậu”; chính sách quốc phòng là “dâng đất, bán biển”, là “chính sách quy phục nước lớn…”, v.v. Đây là ý kiến hoàn toàn sai lầm, phiến diện, chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, “biết một mà không biết hai”. Một triết lý hiển nhiên ai cũng hiểu là bất cứ nước nào khi tiến hành chiến tranh thì đều phải cần đến vũ khí trang bị, phương tiện quân sự cần thiết, càng hiện đại càng tốt. Nhưng, nếu chỉ dựa vào vũ khí thì VN không thể nào đánh bại được mọi kẻ thù xâm lược. Lịch sử đã chứng minh, VN chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược bởi chúng ta có một thứ “vũ khí” vô cùng quan trọng, đó là nhân tố chính trị - tinh thần to lớn, lòng yêu nước nồng nàn, “chúng chí thành thành”, “toàn dân là lính” của toàn dân tộc. Chính cái “bảo bối” này mới là cái thực lực quyết định và nhân lên sức mạnh của mọi thứ vũ khí khác.
Sách trắng Quốc phòng VN 2019, khẳng định, VN xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước XHCN; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời khẳng định, chính sách Quốc phòng của VN mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược, chứ không phải là “quy phục láng giềng” như kẻ nào đó rêu rao! Mặt khác, thực tiễn còn cho thấy nhiều hơn những gì mà Sách trắng đưa ra, đó là: (1). Tiềm lực quân sự, quốc phòng VN hiện nay đã lớn mạnh hơn bao giờ hết, bởi VN đã là một quốc gia độc lập, thống nhất, có một Đảng chân chính, duy nhất lãnh đạo, có một Nhà nước vững mạnh, có gần một trăm triệu người dân “muôn người như một”; (2). VN được đánh giá có một nền kinh tế năng động, phát triển trong khu vực năng động, phát triển nhất và đang thu được nhiều thành tựu to lớn, hiệu quả; (3). VN đã và đang chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân: “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, với một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; lấy tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; (4). VN có một thế trận quốc phòng vững chắc là: “thế trận quốc phòng toàn dân”, mà “thế trận lòng dân” là cốt lõi, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội, đối ngoại; có nghệ thuật quân sự độc đáo, phong phú, được đúc rút từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; (5). VN có địa - quân sự thuận lợi cho phòng thủ và tiến công, được thiết lập vững chắc, liên hoàn giữa các khu vực; (6). VN đã, đang phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, làm chủ khoa học, công nghệ cao, vũ khí trang bị hiện đại, bảo đảm phòng, chống hiệu quả và giành thắng lợi trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao; (7). VN có quan hệ quốc tế với 194 nước trên thế giới, trong đó, có quan hệ với tất cả các nước lớn; được hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng đánh giá cao và ủng hộ chính sách quốc phòng đúng đắn của VN hiện nay. Đó là cơ sở khẳng định VN có đủ khả năng để thực hiện đường lối độc lập, tự chủ trong bảo vệ Tổ quốc, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cở sở luật pháp quốc tế, mà không cần thực hiện liên minh quân sự. Còn những người luôn kêu gọi thực hiện liên minh quân sự là những người đã rơi vào và tuyệt đối hóa “vũ khí luận”, muốn ỷ lại, dựa dẫm vào nước khác, vũ khí của người khác, mà đánh mất tinh thần tự tôn dân tộc.
Mặc dù nhất quán thực hiện chính sách “4 không”; song, Sách trắng quốc phòng VN 2019 xác định: “Tùy theo tình hình cụ thể, VN sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế” . Qua đó cho thấy, chính sách quốc phòng của VN không chỉ đúng mà còn linh hoạt, mềm dẻo, hợp lý, hợp thời, nhằm phát huy sức mạnh của mọi nguồn lực để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

3 nhận xét:

  1. Trên thế giới này, không tổ chức, cá nhân nào có tư cách đòi hỏi Việt Nam phải theo ý muốn của họ; Việt Nam có lập trường, quan điểm riêng của mình. Các nhà dân chủ giả tạo không có đóng góp gì cho đất nước Việt Nam thì đừng có đòi hỏi.

    Trả lờiXóa
  2. Trước những lập luận sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chúng ta cần bình tĩnh xem xét các vấn đề, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để tiếp nhận và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa
  3. Bọn phản động thường dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật và chống đối Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy chúng ta phải tích cực đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của chúng.

    Trả lờiXóa