Social Icons

Pages

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

KHÔNG NÊN CHIA SẺ NHỮNG “PHẾ PHẨM” VĂN CHƯƠNG (hay “Vài lời với nhà văn Phạm Ngọc Tiến”)

Thiên hạ biết đến nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi ông là tác giả lịch bản (hoặc đồng tác giả) của những bộ phim chính luận có sức sống mạnh mẽ như “Gió làng Kình” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Những trận gió người” của ông); như “Ma làng” (viết chung với nhà văn Nguyễn Hữu Phần); như “Đất và người” (cùng với nhà văn Khuất Quang Thụy chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tức Ma Văn Kháng); như “Chuyện làng Nhô” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều”. Và gần đây, ông còn nổi tiếng hơn với kịch bản phim truyện dài tập “Sinh tử” đang rất ăn khách trên VTV1 về đề tài chống tham nhũng.

Riêng tôi, tôi còn biết đến ông phần vì ông thuộc thế hệ đàn anh, đã kinh qua Kháng chiến chống Mỹ, lại là đồng hương tỉnh Hà Đông (cũ), phần vì những tác phẩm rất sinh động, giàu tính giáo dục, đậm chất nhân văn của ông như “Họ đã trở thành đàn ông” (NXB Quân đội Nhân dân, 1994, giải thưởng về đề tài chiến tranh cách mạng); như “Đợi mặt trời” (NXB Kim Đồng, 1995, giải A về đề tài thiếu niên-nhi đồng) .v.v… Quả là một nhà văn đầy sức sống và dũng cảm, dám động đến những vấn đề gai góc của xã hội và thu được những thành công rực rỡ của cả công chúng cũng như giới chuyên môn.

Nhưng gần đây, tôi thấy phiền lòng vì nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã chia sẻ một bài tản văn của một người mà ông giới thiệu là một người bạn quen trong công việc thiện nguyện. Người đó có nickname là “Tyty Nguyen”. Đoạn tản văn khá dài được nhà văn Phạm Ngọc Tiến đặt tựa đề “Khi sự thật lên tiếng” được cho là viết lại ký ức của người phụ nữ này trong những ngày đầu của cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.
Tôi xin không “chép” lại toàn bộ bài tản văn ấy vì đã có các bức ảnh chụp làm bằng chứng (ở cuối bài). Nhưng tôi phải xin phép nhà văn Phạm Ngọc Tiến mà nói thẳng rằng bài tản văn ấy không đáng được ông, một nhà văn chân chính chia sẻ. Đơn giản vì nó hoàn toàn là chuyện bịa đặt. mà hơn nữa, lại còn bịa đặt hết sức ngô nghê, với giọng văn và những đoạn mô tả bắt chước cách mô tả chiến tranh của nhà văn Konstantine Simonov của Liên Xô trong tiểu thuyết “Những người sống và những người chết”.
Và cũng bởi tôi chính là một trong các chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay tách thành Lào Cai và Yên Bái), là chiến sĩ Đồn biên phòng 125 Cửa khẩu Lào Cai và đã tham chiến tại đó trong 6 tháng đầu năm 1979 nên tôi biết rất rõ về tình hình chiến sự, về việc sơ tán dân khỏi vành đai biên giới về xuôi cũng như về các cuộc chiến đấu của bộ đội ta ở mặt trận Hoàng Liên Sơn chống quân Trung Quốc xâm lược.
Trước khi đọc tiếp, mới mọi người đọc bài viết của nickname “Tyty Nguyen” (do nhà văn Phạm Phọc Tiến copy lại) qua mấy tấm ảnh ở cuối bài.
1- Từ những tình tiết ngụy tạo:
Xem lại bài tản văn mà nhà văn Phạm Ngọc Tiến dẫn lại của Tyty Nguyen cho thấy tài liệu trên là ngụy tạo, phần lớn được viết theo trí tưởng tượng.
Thứ nhất:
Trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến trước Tết Nguyên đán Kỷ Mùi (1979), trên địa bàn tỉnh Hoàng Liên Sơn, một khu vực có nhiều tiềm năng về khoáng sản có một đoàn chuyên gia địa chất đang giúp Tổng cục Đia chất của ta khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản tại các khu vực có trầm tích khoáng chất quý như Sulfur, Phosphor, Ferrimagnetic (Sắt từ hay Đá nam châm)… và đương nhiên là cả Apatit-Dolomit (hay Metan phosphorit), một loại khoáng vật dùng để chế tạo phân lân phổ biến trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đoàn chuyên gia này chỉ có 9-10 người và tất cả đều là nam giới. Họ không hề đem theo gia đình sang Việt Nam. Vợ con họ vẫn ở Liên Xô.
Đây là đoàn chuyên gia khảo sát địa chất chứ không phải đoàn chuyên gia công nghiệp khai thác. Họ không chỉ làm việc ở mỏ Apatit Pom Hán mà còn làm việc cả ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), mỏ sắt Trại Cau (Thái Nguyên) và nhiều khu mỏ khác ở các vùng núi phía Bắc. Nơi ở của đoàn chuyên gia tại Hoàng Liên Sơn đóng tại thị xã (nay là thành phố) Yên Bái, thủ phủ của tỉnh Hoàng Liên Sơn khi đó chứ không đóng tại Lào Cao hay Cam Đường. Thỉnh thoảng, họ dùng xe UAZ hay GAZ-69 lên ga Pom Hán (cách thị trấn cam Đường khoảng 5 km) làm việc một vài ngày rồi lại về Yên Bái chứ không ở cố định tại đó.
Vì vậy, đoạn tản văn nói về chuyện các chuyên gia Liên Xô trú đóng lâu dài ở Lào Cai là bịa đặt và những dữ liệu về chuyện sơ tán khẩn cấp các chuyên gia Liên Xô cùng với vợ con họ và những tình tiết kèm theo cũng là hoàn toàn bịa đặt. Ngay từ khi tình hình biên giới Việt-Trung trong tháng cuối cùng của năm 1978 trở nên căng thằng, đã có những vụ khiêu khích và vài vụ chạm súng, các chuyên gia địa chất Liên Xô đã không còn lên Pom Hán nữa, Từ Tết Nguyên đán năm Kỷ Mùi (1979) họ đã trở về Hà Nội khoảng nửa tháng trước khi cuộc chiến nổ ra.
Là người đã công tác và chiến đấu ở Lào Cai những năm đó, tôi khẳng định rằng không hề có chuyên gia Liên Xô tại khu vực Lào Cai và Cam Đường.
Thứ hai:
Tác giả “Tyty Nguyen” viết về việc 7 năm học ở Liên Xô không một lần được về Việt Nam nhưng ở đoạn cuối lại viết rằng sau đó quay lại Liên Xô học để lấy bằng tiến sĩ là phi lý. Bới hệ đào tạo đại học ở Liên Xô dành cho lưu học sinh Việt Nam khi đó chỉ có 5 năm, gồm 1 năm học tiesng Nga và 4 năm học chuyên môn. Nếu tác giả học về ngôn ngữ Nga thì toàn bộ 5 năm đó là 5 năm chuyên ngành ngôn ngữ Nga. Nếu có năng lực, lưu học sinh đó sẽ được tuyển chọn để tiếp tục học lớp nghiên cứu sinh (kandidad) để lấy bằng Phó tiến sĩ. Hơn nữa, việc lấy một Phó tiến sĩ ngôn ngữ học làm phiên dịch chuyên ngành mỏ-địa chất xem ra cũng là một sự bất hợp lý nữa.
Thứ ba:
Tác giả “Tyny Nguyen” viết rằng: “Đoàn khảo sát này phủ trùm Việt nam-Lào-Campuchia”. Chi tiết này là bịa đặt bởi chính quyền Campchia Dân chủ (Mỹ và phương Tây gọi là “Khme Đỏ”) đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Liên Xô từ giữa năm 1978 và các bên đã rút đoàn ngoại giao của mình về nước. Tháng 12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc phản công đánh đuổi quân Khmer Đỏ, và đến ngày 7-1-1979 (31 ngày trước Chiến tranh biên giới phía Bắc) mới giải phóng thủ đô Phnompeng và tiếp tục truy kích tàn quân của chúng và phải mất nửa năm nữa mới đẩy lui chúng sang vùng giáp biên giới Thái Lan. Vì vậy, các chuyên gia Liên Xô không thể nào hoạt động ở Campuchia trong khi chiến sự ở đó vẫn đang diễn ra ác liệt không kém so với chiến sự ở biên giới phía Bắc Việt Nam đầu năm 1979.
2- Sự mô tả méo mó không thể chấp nhận..
Tác giả “Tyty Nguyen” viết: “Lệnh cho các gia đình chuyên gia vơ tư trang đủ dùng,còn lại đổ xăng đầy bình và xăng dự trữ cùng đồ ăn uống nhanh chóng lên xe nổ máy chạy”
Đọc đoạn văn này, người ta dễ tưởng tượng hơn đến cảnh các sỹ quan ngụy Sài Gòn thuộc Quân đoàn 2 (Quân khu II) tháo chạy khỏi Tây Nguyên hồi tháng 3-1975 trước những đòn tấn công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đơn giản là nó không hề mô tả một sự thật là ngay từ trước Têt Nguyên đán Kỷ Mùi (1979), phân nửa người dân trong vành đai biên giới đã được sơ tán về phía sau 10 km chứ đừng nói tới chuyên gia nước ngoài, nhất lại là chuyên gia Liên Xô vốn được ta bảo vệ rất chu đáo.
Hơn nữa, chi tiết “đổ xăng đầy bình” lại càng có vẻ rất “hiện đại” và sinh động nhưng thực ra lại là hoàn toàn bịa đặt. Ở thời điểm năm 1979 cũng như tới tận năm 1982 sau này, xăng dầu ở tỉnh Hoàng Liên Sơn do “Công ty xăng dầu Hoàng Liên Sơn” quản lý và bán phân phối theo sổ phiếu mua xăng. Các cơ quan nhà nước, quân đội và công an đều có các kho xăng dự trữ của mình để dùng dần. Xăng dầu được cấp phát và kiểm soát nghiêm ngặt bởi đó là thứ hàng chiến lược. Việc buôn bán xăng dầu của tư nhân hoàn toàn bị cấm. Ở các kho xăng, thủ kho chỉ được phép mở kho cấp xăng khi có lệnh bằng giấy trắng mực đen của cấp lãnh đạo có thẩm quyền. Thế nhưng tác giả lại mô tả việc “đổ xăng đầy bình” dễ dàng như việc bơm xăng từ các cây xăng ngày nay vào xe vậy. Thật khôi hài !
Tác giả Tyty Nguyen viết: “Bảo thủ quĩ Nga vét hết tiền mặt có được”, nhưng sau đó lại viết: “Đến đoạn dân chạy còn thưa thớt, tôi cho xe dừng lại phát tiền cho 10 thanh niên”. Trời đất ạ ! Trong lúc chạy loạn rối tinh lên như thế thì tiền nong phỏng có ích gì ? Lúc bom rơi đạn nổ như thế thì có hàng quán nào còn hoạt động ? Còn ai dám cả gan mở cửa hàng để bán cho cái gì đâu mà mua, mà dùng đến tiền ? Và thủ quỹ được cho là có tên Kolia giữ tiền đồng Việt Nam hay tiền Ruble của Liên Xô ? Nếu là tiền Liên Xô đem cho mấy thanh niên kia thì họ có thể dùng được không ? Còn nếu là tiền Việt Nam thì sao thủ quỹ lại là người Liên Xô giữ nhỉ ?
Thế nên những chi tiết này cũng hoàn toàn bịa đặt mà lại là một sự bịa đặt đến ngô nghê của một người khi đó không hề có mặt tại tuyến đầu mà chỉ ngồi ở hậu phương nghe thiên hạ kháo chuyện rồi cóp nhặt và lắp ghép lại.
Trước đó, tác giả Tyty Nguyen có viết rằng không có điện thoại cho nên phải đến từng nhà đập cửa bảo các bạn Nga dậy, nhưng sau đó lại viết: “Hà nội gọi,bảo cứ ở lại Cam đường,”họ” không vào đâu” (từ “họ” ở đây ám chỉ quân Trung Quốc).
Thật là kỳ khôi ! Trước đó, bảo không có điện thoại. Nhưng sau đấy trên đường đi lại bảo là “Hà Nội gọi”. Vậy thì Hà Nội gọi bằng cái gì ? Gọi bằng máy vô tuyến à ?
Xin thưa, hồi đó máy điện đài vô tuyến là của hiếm và là hàng cấm. Chỉ có Quân đội, Công an và Cơ quan dảng, Nhà nước cấp tỉnh trở lên mới được trang bị. Cả cái đồn Công an biên phòng 125 của chúng tôi cạnh cầu Hồ Liều chỉ được trang bị 2 chiếc máy liên lạc vô tuyến tầm ngắn công suất 2 wat. Một chiếc trang bị cho Ban chỉ huy và chính trị viên của đồn. Một chiếc dự phòng. Mọi thông tin liên lạn đều phải qua bộ phận mật mã. Vậy thì Hà Nội gọi lên bằng cái gì ?
Thế nên chi tiết này cũng hoàn toàn bịa đặt !
Tác giả “Tyty Nguyen” viết tiếp: “Lại nghe thông báo giặc đã tràn vào phố Lu tàn phá một hồi rồi rút về Cam đường”.
Chi tiết này cũng là bịa đặt nốt !
Trước hết là vì hồi đó, chúng ta chưa xây cây “cầu chung sắt-bộ” Phố Lu như bây giờ. Đường sắt từ Hà Nội đi Lào Cai phải qua các ga Phố Lu, Lạng, Thái Niên, Làng Giàng rồi đến Lào Cai. Mỗi cung đường trên dưới 10 km. Đưỡng bộ từ Phố Lu đi Lào Cai hồi đó gọi là đường Hữu Nghị 7 (nay là Quốc lộ 70) vốn là con đường thiên lý có từ trước thời Pháp thuộc nối Yên Bái với Lào Cai và sang Côn Minh (Trung Quốc). Vì thị xã Cam Đường nằm ở tả ngạn Sông Hồng, còn Phố Lu nằm ở hữu ngạn sông Hồng nên khi đó, muốn từ Cam Đường sang Phố Lu phải dùng phà. Chiếc phà duy nhất ở đây đã được ta sơ tán về Cầu Nhô trước đó nên quân Trung Quốc qua Cam Đường không thể vượt sông sang Phố Lu. Còn trên đường bộ, quân Trung Quốc bị ta chặn đứng tại ngã ba Bản Phiệt nên cũng không thể về đến Phố Lu.
Ngày 20-2-1979, chiếc cầu đường sắt Làng Giàng nối ga Làng Giàng với ga Pom Hán (Cam Đường, dùng để chở quặng Apatit về xuôi) đã bị ta đánh sập để ngăn quân Trung Quốc tràn xuống. Hai cánh quân Trung Quốc ở tả ngạn và hữu ngạn sống Hồng trên mặt trận Lào Cai bị chia cắt. Mãi đến ngày 4-3-1979 (trước khi Trung Quốc bắt đầu rút quân 1 ngày), chỉ duy nhất có một toán quân sơn cước Trung Quốc khoảng hơn 100 tên dùng bè mảng vượt sông Hồng sang Phố Lu nhưng chỉ bám được bờ sông và trụ lại không quá ba tiếng đồng hồ, Sau khi bị bộ đội địa phương huyện Bảo Thắng và một bộ phận của Trung đoàn Công an Nhân dân vũ trang 16 tiêu diệt quá nửa, toán quân địch phải rút sang tả ngạn sông Hồng và dùng pháo, cối bắn phá khu vực Phố Lu đến cuối ngày hôm sau.
Vì vậy, chi tiết quân Trung Quốc tràn vào Phố Lu cũng là chi tiết bịa đặt. Chưa có một tên lính Trung Quốc nào đặt chân được vào thị trấn Phố Lu khi đó.
Và cuối cùng, vị giám đốc Mỏ Apatit Lào Cai khi đó là ông Trần Ngọc Lạt chứ không phải người có tên là Ngữ.
3- Sự thật hay là “phế phẩm văn chương” ?
Những chi tiết kể trên cho thấy hầu hết những thông tin trong bài viết nói trên là rất thiếu chính xác. Nhiều thông tin sai sự thật. Nói tóm lại, nó có vẻ như một câu chuyện của một người ở hậu phương, ở dưới xuôi nghe ngóng những người ở chiến tuyến trở về nói chuyện rồi cóp nhặt lại mà thành. Những người ít biết về dư địa chí, về hoàn cảnh đất nước thời đó rất dễ bị đánh lừa !
Nhưng tôi rất ngạc nhiên là vì sao một nhà văn nổi tiếng và dày dạn kinh nghiệm như anh Phạm Ngọc Tiến lại dễ dàng tin vào câu chuyện này đến như vậy ! Hơn nữa, anh lại còn đặt cho nó cái tít “Khi sự thật lên tiếng” nữa chứ !
Sự thật nào ở đây ạ ?
Toàn bộ nguyên nhân, diễn biến, kết quả của các cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989 đã được phản ánh vào Lịch sử Quân sự Việt Nam, vào sách giáo khoa từ phổ thông đến đại học và trong rất nhiều ký sự, hồi ký của những người lính, những người dân biên giới khi đó, những người thạt sự có mặt và tham gia vào các trận đánh ấy.
Và chúng tôi, những người lính bảo vệ biên giới khi đó đã bước vào chiến tranh với tâm thế bình tĩnh, tự tin, kiến quyết, dũng cảm, mưu trí đánh lui quân xâm lược chỉ trong vòng 30 ngày. Những người dân biên giới đã sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu, chăm lo từng bữa ăn, từng chỗ ngủ nghỉ cho chúng tôi sau mỗi trận đánh. Rồi tải đạn, tải thương, băng bó cứu chữa cho thương binh và cho cả tù binh Trung Quốc nữa. Họ đâu có tháo chạy tán loạn như quân ngụy Sài Gòn bỏ chạy khỏi Tây Nguyên tháng 3-1975 và như trong câu chuyện bịa đặt mà “Tyty Nguyen” mô tả ?
Nhân đây, tôi cũng buộc phải nói thêm một sự thật là nickname “Tyty Nguyen” đã có những status xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đăng tải công văn ngụy tạo, mạo danh Tổng cục Hải quan Việt Nam trả lời Đại sứ quán Trung Quốc để lấy cớ cho những bình luận kỳ thị đối với việc Việt Nam viện trợ giúp Trung Quốc chống dịch COVID-19.
Còn về cuộc Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1984) thì hầu hết các nhân chứng sống cho biết Quân đội và Nhân dân Việt Nam bước vào trận với tâm thế bình tĩnh, quả cảm chứ không phải bị bất ngờ mà tháo chạy như vịt.

3 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch điên cuồng chống phá Việt Nam trên mọi phương diện; vì vậy chúng ta phải đề cao cảnh giác để không bị kích động, lôi kéo.

    Trả lờiXóa
  2. Tất cả mọi sự kiện nổi bật đều bị bọn phản động lại xuyên tạc, bịa đặt; gây tâm lý hoài nghi, gây mất ổn định về an ninh chính trị. Vì vậy, chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước các luận điệu sai trái của kẻ thù để không bị mắc bẫy của chúng.

    Trả lờiXóa
  3. Bọn phản động lợi dụng các sự kiện, vụ việc nhạy cảm để xuyên tạc, bóp méo sự thật, bôi nhọ uy tín các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta; từ đó kêu gọi biểu tình, chống đối chính quyền. Vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác.

    Trả lờiXóa