Tình hình là thấy có quá nhiều “nhà giả tưởng” lớn tiếng dạy dỗ những người đứng đầu các quốc gia phải điều hành thế này, thế nọ, nhưng lại rất ngây thơ trong việc hiểu biết về chính trị, về nghệ thuật lãnh đạo và cả tầm năng lực tư duy. Đọc mấy bài báo, nghiên cứu được vài ba tài liệu này nọ, đã tưởng chừng như biết rõ, hiểu thấu.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng “không phải dạy đĩ vén váy”, với tâm niệm rằng, không phải chia sẻ này sẽ làm các bạn mất đi sự quan tâm về đời sống chính trị, mà chỉ đơn giản muốn các bạn tư duy tích cực hơn về đời sống xã hội và để cho chính mình một đời sống lạc quan hơn khi bớt “những cơn cao hứng bốc đồng”.
Thứ nhất: Đa phần chúng ta hay nói đến sự kiện để rồi phán xét, phải làm như thế này hay như thế nọ mới hợp lý. Chẳng hạn, như vấn đề dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra chẳng hạn, nhiều bạn gào lên phải biết này, biết nọ, phải thay đổi cách quản trị... thậm chí dậy dỗ cả chính quyền Trung Quốc phải này phải nọ.
Nhà chính trị họ rất khác, để ra một quyết định cho một sự kiện, với họ nó không chỉ ở sự kiện đó, nó là cả một tiến trình có quá khứ và có tương lai.
Họ phải cân nhắc cả quá khứ và tương lai khi quyết định sự kiện đó, làm chính trị là một tiến trình, phải quan tâm đến cả một tiến trình, chứ không chỉ một sự kiện.
Đó là điều khác biệt với đa số quần chúng, chỉ nhìn thấy sự kiện, không nhìn thấy cả một tiến trình
Thứ hai: Đa phần chúng ta chỉ nhìn thấy một điểm, một việc để rồi như tất tần tật chỉ có mỗi việc đó là quan trọng nhất, là duy nhất để quan tâm mà thôi.
Chẳng hạn, như vấn đề dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV gây ra chẳng hạn. Đa số quần chúng chỉ tập trung vào mỗi vấn đề đó, và thấy rằng dường như bầu trời chỉ có mỗi việc đó là đáng quan tâm, nhưng đối với những người đứng đầu quốc gia thì đó chưa phải là vấn đế quan trọng nhất, duy nhất, và khẩn cấp nhất. Như với Trung Quốc chẳng hạn, họ sẽ phải cân nhắc rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, liên quan đến công tác tình báo – phản gián để xác lập xem thực tế sự việc như thế nào, những vấn đề an ninh kinh tế - tài chính, những vấn đề điểm nóng khác trong nội địa và các vấn đề quốc tế...
Dịch bệnh có thể gây ra tác động tức thời, gây ra cái chết của vài trăm, vài nghìn người, nhưng có những thứ khác, nó còn an nguy đến sự tồn vong của quốc gia, đến sinh mệnh của hàng triệu, hàng trăm triệu người. Không thể lấy tư duy của con châu chấu để nói đến mùa thứ tư với nó.
Thứ ba: Sự bất đối xứng thông tin là một vấn đề quan trọng trong việc phán xét một quyết định. Chúng ta đa phần tiếp cận thông tin một cách rời rạc, đơn lẻ, thậm chí từ các nguồn thiếu tin cậy, thiếu chất lượng, lại qua một “bộ lọc, phân tích” hạn hẹp, sẽ không thể biết rõ, hiểu thấu vấn đề bằng những người đứng đầu Chính phủ khi họ có nguồn thông tin đầy đủ hơn, tiếp cận một cách hệ thống và có cả một bộ máy phân tích đẳng cấp nữa.
Ví dụ như đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, chúng ta không thể nắm được thông tin như ông Tập Cận Bình có được. Họ đã ngồi đến vị trí đó thì chắc chắn tầm vóc của họ hơn hẳn tất cả chúng ta, thông tin họ có được sẽ rất khác ta và nó là sự bất đối xứng với ta, và khi ra quyết định, ông ta sẽ phải có nhiều điều cân nhắc mà chúng ta không thể hiểu nổi, biết đến, thậm chí một thứ đơn giản thôi, đó là áp lực khi ra quyết định, điều mà không ngồi ở vị trí đó, chúng ta không thể hiểu và cảm giác được.
Tôi đã có một bài học sâu sắc, khi đi làm những ngày đầu tiên, thuộc loại cán bộ trưởng thành sớm, có trình độ cao, được giao vào nhiều vị trí quan trọng dù còn rất trẻ, sự hăng máu và ảo tưởng sức mạnh đã khiến tôi có rất nhiều sự vội vã trong phán xét về một số quyết định của người đứng đầu tổ chức lúc đó. Nhưng sau này, khi trở thành người đứng đầu tổ chức, phải chịu trách nhiệm trước sự sống còn của tổ chức, tôi mới thấm hiểu được sự thiếu chín chắn của mình lúc đó, có rất nhiều thông tin tôi không biết, rất nhiều áp lực tôi không hiểu và cả tầm nhìn của người đứng thấp, đứng cao rất khác nhau.
Cuối cùng: Thế giới này không đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy, nhất là trong kinh tế - chính trị, đặc biệt ở tầm vĩ mô và siêu vĩ mô. Có nhiều chuyện nhìn vậy mà không phải vậy, nên khi không đủ trình độ để biết rõ, hiểu thấu thì thay vì phán xét vội vã, hãy dành điều đó cho việc “đặt câu hỏi” và suy nghĩ, phân tích để tìm hiểu vấn đề sâu hơn.
Có hai thế giới cùng tồn tại song song, một thế giới định hình mọi sự, và một thế giới mà chúng ta đang sống, thế giới bị định hình bởi thế giới kia. Nhà lãnh đạo ở quốc gia nào cũng vậy, họ là người chơi cờ trên bàn cờ quốc gia của mình, nhưng lại sẽ là những con cờ trên bàn cờ quốc tế. Ai cũng vừa là người chơi cờ, vừa là quân cờ. Không tự dưng ai đó trở thành lãnh đạo, nhất là lãnh đạo quốc gia được, nó là cả một tiến trình, mà tiến trình đó sẽ quy định những điều kiện ra quyết định của nhà lãnh đạo, khi ngồi vào vị trí lãnh đạo, họ sẽ có thêm những quy định mới nữa. Không phải muốn làm gì thì làm được, không phải muốn sao thì muốn được, họ phải chịu rất nhiều ràng buộc lẫn nhau.
Do vậy, đằng sau mỗi quyết định đều có những lý do của nó. Đừng vội phán xét. Cũng giống như ai cũng có thể nhận xét về một bức tranh, nhưng bảo vẽ lại hay sửa chữa cái lỗi vừa phán xét đó thì đa phần không làm được, thậm chí khi làm thì lại chỉ làm hỏng bức tranh hơn nữa mà thôi.
Lúa chín lúa cúi đầu, người hiểu biết sẽ thấy chân trời thật rộng lớn và có quá nhiều thứ chúng ta còn chưa biết để đáng học hỏi.
Thay vì phán xét một cách vội vã, hãy phán xét một cách có hiểu biết. Không vì bạn không phán xét hay có sự cẩn trọng trong phán xét mà người khác đánh giá bạn tệ đi, nhưng khi phán xét mà nó không đâu vào đâu thì bạn tệ thật!
Tôi chỉ xin phép chia sẻ một vài suy nghĩ đơn giản, hạn hẹp trong tầm hiểu biết của mình, hy vọng nó hữu ích cho đời.
Các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá Việt Nam, chúng ta phải cảnh giác
Trả lờiXóa