- Việc doanh nhân Bình Thuận khai báo thiếu trung thực về số người đã tiếp xúc khiến công cuộc cách ly chống dịch trở nên khó khăn.
Trong những ngày qua, cộng đồng mạng đang có nhiều sự bất bình với lời khai báo những ca tiếp xúc sau mắc bệnh Covid-19 của nữ doanh nhân ở Bình Thuận. Cụ thể, trong thông báo ban đầu của UBND Bình Thuận, nữ doanh nhân này khai khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bà Trang đi ôtô riêng về thẳng nhà và không ghé đâu. Trong bảy ngày từ khi về nước đến lúc nhập viện hôm 9/3, nữ doanh nhân ở nhà, rất ít ra công ty. Bà chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty.
Ban đầu, bà Trang khai với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận chỉ tiếp xúc với 17 người, gồm: chồng, hai con trai, con dâu, cháu ngoại, mẹ ruột, cô ruột, người giúp việc, tài xế, kế toán, 5 nhân viên bán hàng, hai nữ doanh nhân Bình Thuận (đi cùng chuyến bay QR974 ). Sau đó, bà khai lại, lên 21 người.
Sau nhiều lần lấy lời khai y tế, tỉnh Bình Thuận lại xác định thêm một số trường hợp khác, tổng cộng đã có 31 người từng tiếp xúc gần với bà này và 100 người thuộc diện F2. Tuy nhiên, đây vẫn chưa thể là con số cuối cùng và tỉnh Bình Thuận đã phải yêu cầu cả lực lượng công an vào cuộc để truy tìm những người đã tiếp với nữ doanh nhân này theo diện F1 để khoanh vùng cách ly, tránh dịch bệnh lây lan.
Vậy là sau doanh nhân ở Quảng Trị dùng chiêu “đánh tráo” người cách ly thì cộng đồng lại tiếp tục bức xúc với nữ doanh nhân Bình Thuận vì kiên quyết không khai đầy đủ những người đã tiếp xúc từ khi trở về nước. Thật sự không thể hiểu nổi, bệnh nhân này đang nghĩ gì?
Bà đang đùa giỡn với tính mạng và sức khỏe của mình và của người khác, những người đã lỡ tiếp xúc với bà, họ rất có thể bị lây lan virus mà không được cách ly, và từ đó, bệnh tật sẽ lây lan rộng ra cộng đồng. Tại sao lại có những suy nghĩ ích kỷ và thái độ thiếu hợp tác như thế, ở một người được coi là “doanh nhân thành đạt”?
Và trong gia đình bà, không chỉ có bà mà cô con dâu lây virus từ bà, cũng không chịu hợp tác để đi cách ly, và các cơ quan chức năng cũng phải nhờ cấp trên của cô này khuyên nhủ, tác động mới đưa được cô đi cách ly. Có lẽ là nề nếp thói nhà?
Có lẽ phải có những chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp như thế này. Chỉ vì sự khai báo gian dối, thiếu trung thực của nữ bệnh nhân số 34 mà rất có thể trong những ngày tới đây, dịch bệnh ở Bình Thuận sẽ còn diễn biến rất phức tạp, số ca lây lan sẽ còn tăng bởi cơ quan chức năng khó khoanh vùng, cách ly. Nếu không xử phạt nặng, rồi đây sẽ còn những người khai báo gian như nữ doanh nhân này, bởi họ sợ phải chịu trách nhiệm về nguồn lây nhiễm.
Trong khi người dân cả nước đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ dịch bệnh, trẻ em không được tới trường, mọi ngành nghề kinh doanh đều bị ảnh hưởng, kinh tế thiệt hại vì những chi phí khổng lồ cho việc cách ly, chữa trị bệnh nhân thì thật phẫn nộ khi có những cá nhân hành xử thiếu trách nhiệm như nữ doanh nhân này.
Sau khi bệnh nhân số 34 khỏi bệnh, chắc chắn phải có những chế tài xử lý nghiêm vì hành vi khai báo thiếu trung thực của người này. Bởi đó chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát trong cộng đồng.
Những hành vi khai không trung thực như thế này rất nguy hiểm; vì dịch bệnh lây lan rất nhanh
Trả lờiXóa