Social Icons

Pages

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Cảm ơn Việt Nam ứng phó tốt với Cô rô na từ những ca nhập khẩu đầu tiên

Trong hình ảnh có thể có: hoaTrong khi có những người thể hiện sự lo lắng thái quá khi số ca nhiễm Cô rô na tăng lên, tôi nhớ đến lá thư cảm động của hai cha con bệnh nhân Li Ding và Li Zichao bị nhiễm vi rút Corona chủng mới từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) gửi cho tập thể thầy thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. Hồ Chí Minh) sau khi họ được chữa khỏi tại Việt Nam viết:
“Chúng tôi đã rời bệnh viện, nhưng tâm trí dường như vẫn còn ở lại bệnh viện, nơi cha con tôi không thể quên được những ấn tượng tươi đẹp và sâu sắc mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại… Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn nói lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam!… Dù đã rời về nước trong tiếc nuối. Sự tử tế của các bạn sẽ luôn ở lại trong tim chúng tôi”.

Họ đã đến, đã ở lại bệnh viện Việt Nam, đã tin tưởng và đã khỏi bệnh với những kỷ niệm đẹp về những người thầy thuốc Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng kiểm soát dịch bệnh, được WHO và dư luận thế giới đánh giá là đã sớm thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả, chữa trị khỏi cho 16 trường hợp đầu, chưa có ca nào tử vong và đang đang kiểm soát tốt tình hình.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) đánh giá Việt Nam đã phòng, chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch; đồng thời mong Việt Nam chia sẻ với cộng đồng quốc tế những bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.
Sau 21 ngày, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), nơi từng được xác định có nguy cơ trở thành tâm dịch của cả nước, được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. hiến thắng tại Sơn Lôi một lần nữa khẳng định hiệu quả của “bài học kinh nghiệm cách ly” ngay từ “thời kỳ vàng” và sự triển khai đồng bộ các biện pháp của Việt Nam.
“Đánh giặc dịch” trước hết là phải hiểu biết
“Đánh giặc dịch” là nhiệm vụ của toàn dân và cộng đồng. Cuộc chiến bảo vệ an toàn, an ninh chưa bao giờ có thể thắng nếu thiếu đi sức mạnh toàn dân, cộng đồng. Chính phủ, chính quyền dù tài giỏi đến đâu mà dân thiếu trách nhiệm hiểu biết, lơ là, thậm chí một vài người thiếu ý thức thì khó khăn “đánh giặc” sẽ bội phần.
Mỗi người có trách nhiệm phải hiểu biết trước dịch bệnh. Thực hiện tất cả khuyến cáo phòng, tránh nhiễm Cô rô na của Bộ Y tế, thường xuyên nâng cao sức đề kháng, đeo khẩu trang đúng cách đúng nơi (công sở, văn phòng, phương tiện giao thông…), rửa tay sát khuẩn thường xuyên, tinh thần lạc quan, góp sức “đánh giặc dịch”, khai báo y tế trung thực…
Dịch bệnh Cô rô na đã được dự đoán sẽ diễn biến phức tạp từ trước. Đến nay Cô rô na đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố của VN với số ca dương tính là 30 (tính đến ngày 9/3/2020) (dù Cô rô na có đến VN hơi muộn so với rất nhiều nước trên thế giới). Rõ ràng bất cứ loại virus gây dịch bệnh nào cũng không phải là một “loài thông minh”, và chúng không có bất cứ “kế hoạch tính toán” nào để lây lan, mức độ lây lan của chúng phụ thuộc vào chính sự ứng xử của con người trong dịch bệnh. Vậy chúng ta cần ứng xử như thế nào?
“Đánh giặc dịch” muốn thắng thì phải hiểu biết, hiểu biết để bình tĩnh, tự tin, tin tưởng, nhất là thực hiện 4 tránh:
(1) Tránh hoảng loạn. Dù dịch bệnh lây lan thế nào thì các bài học trên thế giới cho thấy, sự hoảng loạn của số đông có thể làm cho mối nguy cơ của dịch bệnh tăng theo cấp số nhân. Như việc mua vơ vét, tích trữ khẩu trang, dịch sát trùng, nhu yếu phẩm khiến cho những người có nhu cầu thực sự lại không thể tiếp cận được với phương tiện phòng dịch tối thiểu. Chưa kể chính quyền sẽ phải lo xử lý những hệ lụy của sự xáo trộn xã hội như nạn khan hiếm thực phẩm giả tạo, làm hạn chế việc tập trung nguồn lực cho việc ứng phó dịch.
Câu chuyện về bệnh nhân số 17 của Việt Nam là tiếng chuông cảnh tỉnh với ai còn chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh. Điều quan trọng là chúng ta cần rút ra bài học chung về trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong cộng đồng, nhất là thời điểm hiện nay khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới nhiều khó khăn, phức tạp. Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta có đủ khả năng chiến thắng “giặc dịch”.
(2) Tránh like, share dễ dãi, thiếu kiểm chứng. “Đánh giặc dịch” phỉ bằng trách nhiệm, việc làm hết sức đơn giản, như không đưa lên mạng thông tin chưa được kiểm chứng. Kiên quyết không like, share những thông tin gây kích động, hoang mang. Ai cũng cần cập nhật kiến thức phòng dịch, tránh dịch, ứng phó với dịch, thông tin tình hình dịch bệnh để nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Như vậy mới tự tin, bản lĩnh chung sức ngăn chặn “giặc dịch”.
(3) Tránh khai báo không trung thực hoặc khai gian. Một bài học “xương máu” tại Hàn Quốc, sau lời từ chối hợp tác với cơ quan chức năng để tiến hành cách ly của “ca số 31”, gần 60% số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này có liên quan tới bệnh nhân thuộc giáo phái Tân Thiên Địa; còn lây lan cho hàng nghìn ca bệnh khác, “châm ngòi” cho dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc.
Ở Việt Nam, đêm 6/3 đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ, một thời điểm căng thẳng của người dân Hà Nội trước thông tin về cô gái 26 tuổi ở Trúc Bạch, đi từ vùng có dịch nhập cảnh về Việt Nam nhưng không tự giác khai báo, cách ly, được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Khó mà thống kê hết những thiệt hại về kinh tế và công sức của hàng vạn ngàn người do việc thiếu ý thức của một người như trường hợp này, chắc chắn gây sự xáo trộn xã hội và thêm nhiều người mắc COVID-19 từ hành vi “gieo rắc virus” này.
(4) Tránh trốn tránh cách ly. Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Chính phủ đã đúng khi rất chú trọng thực hiện nghiêm công tác phát hiện sớm, cách ly và giải quyết triệt để ổ dịch. Bước sang giai đoạn chống dịch mới với dự báo phức tạp, khó khăn, việc tuân thủ nghiêm công tác cách ly vẫn được đặt lên hàng đầu. Đây được coi là nhiệm vụ đóng vai trò then chốt trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” hiện nay.
Khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu…, người dân cần lập tức gọi đến đường dây nóng (19009095/19003228) để được hướng dẫn, hợp tác khai báo với cơ quan chức năng để thực hiện cách ly; đồng thời ủng hộ và thực hiện nghiêm nhiệm vụ cách ly để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội.
Quyết tâm chữa khỏi các ca bệnh dịch và đẩy lùi thói xấu
Chúng ta đã chữa khỏi 16 ca phát hiện trước, trong đó có hai cha con người Trung Quốc nói trên. Thói xấu bịa đặt tin giả, tin sai lệch sự thật có khi là cố ý có khi là vô tình nhưng đều gây hậu quả tai hại, nên cần phải xử lý thật nghiêm người vi phạm để ngăn ngừa, răn đe. Sáng 9/3, trên mạng lại lan truyền tin bịa đặt hoang tin rằng chỉ mất khoảng 4-6 ngày để số ca mắc Cô rô na của VN lên mức 100-500 ca với chủ nhân mạo danh PGS.TS. Trần Xuân Bách!.
Xét cho cùng, cứ mỗi khi xuất hiện một loại vi rút nguy hiểm mới, chúng ta sẽ không chỉ phải chiến đấu với chúng, mà đồng thời chúng ta cũng phải chiến đấu với chính sự vị kỷ của con người, chiến đấu với những kẻ “giậu đổ bìm leo”, bịa đặt hoang tin như ví dụ nêu trên. Bởi vì nếu mỗi người đều đặt lợi ích cho bản thân lên trên hết, thì sự nguy hiểm chắc chắn sẽ không chừa một ai…
Hiểu rõ việc cách ly để nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, khó khăn khi cách ly là điều cần làm tích cực để nó là nghĩa cử tốt đẹp trong công tác chống dịch. Nhiều điều tốt thành thói quen tốt, nhiều thói quen tốt, văn hóa xã hội và uy tín một cộng đồng được nâng lên tầm mới…/.

1 nhận xét:

  1. Những người nước ngoài bị bệnh dịch đều có những ấn tượng rất tốt đẹp về đất nước Việt Nam

    Trả lờiXóa