🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳
Trong bút danh C.B được Báo Nhân dân, số 367 đăng ngày 4 tháng 3 năm 1955, nói về vấn đề sức khỏe, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối liên hệ giữa đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên với sức khỏe của nhân dân. Người coi trong đó đạo đức, lối sống là nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, nhất là khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta mới giành thắng lợi, miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức khó khăn, nền kinh tế lạc hậu, đội ngũ cán bộ chủ yếu chưa được đào tạo căn bản. Vì vậy, để đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thống nhất nước nhà, bảo đảm cho nhân dân có sức khỏe tốt, có cuộc sống tốt đẹp, cần chú trọng trong công tác đào tạo và xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quan tâm đến sức khỏe của nhân dân; cán bộ, đảng viên cần ra sức rèn luyện, phấn đấu, tránh những thói hư, tật xấu; nhân dân hăng say rèn luyện sức khỏe nâng cao tuổi thọ… Qua đó, cùng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Trong những bài viết, bài nói chuyện về vấn đề tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở, yêu cầu “người yêu nước phải thi đua thực hành tiết kiệm và đi đôi với việc thực hành tiết kiệm phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu vì ruộng đất, máy móc không tự nó làm ra của cải mà phải do sức lao động của người sáng tạo nên nó. Vì vậy nếu làm ra bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu thì không lại hoàn không, “sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống” và “tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán những việc gây ra sự lãng phí, tổn thất về thời gian, sức lao động, vật tư, tiền của của nhân dân và Nhà nước. Người cho đó là kẻ thù của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vạch ra nguồn gốc, nguyên nhân của việc gây lãng phí, đó là bệnh quan liêu và “hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo”, “hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công”... vì thế phải kiên quyết chống bệnh lãng phí, chống việc hội họp lu bù, chống việc làm ẩu các sản phẩm làm ra không sử dụng được, chống việc liên hoan, ăn uống bừa bãi... Người cho hoang phí cũng là một tội ác vì nó góp phần gây nên những tiêu cực trong xã hội. Muốn làm tốt việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hành trước và biến nó thành phong trào quần chúng rộng rãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề thực hành tiết kiệm, về chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu không chỉ được Người đề cập, nêu ra ở những bài nói, bài viết của mình, mà bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính. Ngay từ khi còn nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang trong mình những đức tính tốt đẹp của miền quê Nghệ An giàu truyền thống cách mạng, đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần hiếu học, đức tính cần cù, chịu khó trong lao động và đặc biệt là tính tiết kiệm. Những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, Người đã phải lao động vất vả bằng nhiều nghề khác nhau để kiếm sống và hoạt động cách mạng, vì thế hơn ai hết, Người rất hiểu giá trị của lao động. Khi đã là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống rất giản dị, tiết kiệm. Người ghét lối sống cầu kỳ, xa hoa. Sự giản dị, tiết kiệm của Người được thể hiện trong cách ứng xử từ lời nói đến việc làm, từ cách ăn, mặc, ở và những sinh hoạt hàng ngày. Tác phong bình dị ấy mang lại một sự gần gũi, một ấn tượng khó quên với những ai đã được gặp Người dù chỉ một lần.
Bữa ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không cao lương, mỹ vị, mà như các món ăn của các gia đình Việt Nam thường dùng: bát canh, quả cà, khúc cá kho hoặc miếng thịt kho. Người ăn vừa đủ và không bao giờ để thức ăn thừa. Năm 1957, về thăm quê, khi ăn cơm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Người để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình. Những người phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kể lại rằng, với thái độ tôn trọng và để tiết kiệm thời gian cho người phục vụ, khi xong bữa ăn Bác Hồ thường tự tay thu dọn bát đũa gọn gàng để người phục vụ chỉ việc bê đi. Khi dùng cơm không bao giờ Bác Hồ để rơi một hạt. Đồng chí Phạm Văn Đồng cho biết: Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ trọng lao động của con người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hòa ở một con người.
Quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc hàng ngày chỉ bình thường, tựa như quần áo của một lão nông. Khi tiếp khách, Người mặc bộ quần áo kaki. Tới khi bộ quần áo kaki của Người đã cũ, được đề nghị thay bộ mới, Người bảo: “Nhiều đồng bao ta nếu có được bộ quần áo thế này cũng là tốt lắm. Thế thì việc gì tôi phải thay”. Trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một chiếc tủ đựng tư trang gồm có: Bộ quần áo dạ màu đen mà Người đã mặc một số lần khi đi thăm nước Pháp 1946 và thăm một số nước xã hội chủ nghĩa anh em thời kỳ 1955 – 1958, một vài bộ quần áo lụa màu gụ, tấm áo bông, áo len và đôi dép cao su, đôi guốc mộc Người thường đi hàng ngày.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong ngôi nhà sàn. Khi trở về thủ đô, Người cũng ở trong ngôi nhà nhỏ của một người thợ điện, sau đó chuyển đến ở nhà sàn, chứ không ở ngôi nhà to, sang trọng của toàn quyền Đông Dương, mà dành nơi ấy làm chỗ tiếp khách quốc tế và trong nước của Đảng và Chính phủ. Sự khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng văn hóa, nơi ở và làm việc của Người đã trở thành huyền thoại, nơi mà những du khách đến thăm đều để lại những dòng cảm tưởng sâu sắc, nhất là khách nước ngoài. Như nhà thơ Cuba Phêlich Pitarôdrighết đã viết: “phải nói đó là tinh thần chí công vô tư. Người chỉ sử dụng cho mình những gì tối cần thiết, chứ không phải là bất cứ cái gì cần thiết, chiếc giường, tủ quần áo, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách. Những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc. Chỉ có thế thôi, không gì hơn nữa”. Hay như học giả Siphổnôm Vichavôrasan của Thái Lan nhận xét: “Về cá tính, Người chỉ nói ít và chỉ nói những điều cô đọng, là người nhân hậu và khiêm tốn, giản dị... Người chỉ mặc bộ quần áo kaki và chiếc mũ vải kaki, nhiều lần có người đề nghị biếu quần áo sang trọng hơn để Người dùng, thì Người đã nhẹ nhàng từ chối rất khéo rằng: “Dân ta đang nghèo, đang khó khăn nhiều lắm, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi".
Sự tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở tác phong, lối sống mà nó còn được thể hiện trong tác phong làm việc có kế hoạch và khoa học để tiết kiệm thời gian và trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ. Là Chủ tịch nước nhưng những tháng năm sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, đi theo Người chỉ một tổ công tác 8 người và một số rất ít các đồng chí phục vụ kiêm tất cả các công việc. Cách mạng thành công, về Thủ đô, bộ máy giúp việc cho Bác tại Văn phòng ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Những khi đi công tác xa, Người thường tạo điều kiện để các đồng chí phục vụ được về thăm gia đình. Trong cuộc sống, lúc nào, ở đâu Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu tấm gương sáng ngời về tiết kiệm cho nhân dân. Trước lúc đi xa Người vẫn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Người vẫn muốn mọi người thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí.
Để phòng chống căn bệnh “xa xỉ” thì phải chống lối sống vô độ, xa hoa lãng phí, ăn chơi trác táng, cục bộ, ích kỷ, vụ lợi, ham quyền lực, ham của cải làm giàu bất chính, sống hưởng thụ, không chăm chỉ làm việc. Đối với đồng chí, đồng đội, không được kèn cựa, địa vị, gây mất đoàn kết; đối với nhân dân thì không được quan liêu, sách nhiễu, xa rời hoặc dân chủ giả tạo; không mải lo lợi ích cá nhân, gia đình mà quên hết lợi ích của Đảng, của dân; cơ hội, thực dụng, vụ lợi, tham nhũng, nói không đi với làm, làm trái với chủ trương, chỉ thị nghị quyết của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu, mơ hồ hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… Đồng thời, phải “cần kiệm”, tức là phải cần cù, siêng năng với tinh thần tự lực; không xa hoa, lãng phí; xây dựng một lối sống chuẩn mực và đạo đức cách mạng trong sáng. Có như vậy mới tránh được những thói hư tật xấu, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra những đòi hỏi rất cao đối với phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên
phải tiếp tục làm tốt những nội dung về xây dựng đạo đức, lối sống của Hồ Chí Minh, xác định cho mình động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, không vụ lợi cá nhân chủ nghĩa mà học tập, rèn luyện là vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cống hiến cho xã hội, chống “đỗ lỗi” cho hoàn cảnh khách quan nhằm biện minh cho sự suy giảm tính tiền phong gương mẫu về đạo đức, lối sống; khắc phục, loại trừ những thói hư tật xấu, nhất là những biểu hiện xa xỉ, phung phí tiền của nhân dân, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa; thường xuyên củng cố ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên.
Tất cả mọi lời dạy của Bác Hồ còn giữ nguyên giá trị, chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt.
Trả lờiXóa