Social Icons

Pages

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

NGĂN CHẶN SỰ LÂY LAN VIRUS ÍCH KỶ

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứngTrường hợp bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam từ nước ngoài về khai báo gian dối để trốn cách ly y tế, từ đó đã làm lây nhiễm bệnh Covid-19 ra cộng đồng đang gây phẫn nộ trong dư luận.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự gồng mình của cả hệ thống chính trị, của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm nói trên lây lan ở nước ta, có nguy cơ đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì ý thức quá thấp kém của một cá nhân.
Đáng buồn hơn, khi thông tin về ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội được lan truyền trên mạng xã hội thì rất nhiều người đã chạy ngay ra các siêu thị gom hết lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm về tích trữ trong gia đình.
Lượng người ở các siêu thị đông nghịt, chen vai thích cánh, mua hết những gì có thể mua. Cùng với đó, không ít người sinh sống tại một số khu vực được đồn thổi trên mạng rằng có liên quan đến dịch bệnh đã ngay lập tức kéo đi sơ tán ở nơi khác. Họ hành động như thể ngày mai là tận thế, vơ vét hàng hóa để dùng dần và chạy đi tìm nơi trú ẩn.
Có thể thấy, bệnh nhân số 17 tại Việt Nam-một cá nhân ích kỷ, vô trách nhiệm-không chỉ đang làm lây lan trong cộng đồng con virus nguy hiểm của căn bệnh Covid-19 mà còn đang làm lây lan con virus nguy hiểm hơn-virus ích kỷ, thiếu trách nhiệm. Việc chỉ nghĩ tới bản thân mình khiến con người ta hành động một cách mù quáng: Đổ dồn đi mua tích trữ hàng là không cần thiết, trong khi đó có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch; đi sơ tán theo kiểu trốn tránh cũng là hành động thiếu trách nhiệm, nếu như nơi ta ở là điểm cần phải được cách ly.
Nhân loại còn nhớ rất rõ và khâm phục hình ảnh của người dân Nhật Bản khi đất nước lâm vào thảm cảnh động đất và sóng thần năm 2011. Ở những vùng bị thiên tai tàn phá, người Nhật vẫn rất kiên nhẫn xếp hàng để nhận cứu trợ theo đúng tiêu chuẩn. Ở các siêu thị không hề có cảnh tranh mua, mà người ta vẫn mua với số lượng như mọi ngày, theo đúng nhu cầu. Tại sao người Nhật thời điểm đó không mua nhiều hơn? Vì họ nghĩ mình phải nhường hàng hóa cho những người còn khó khăn hơn mình, nhất là người dân ở những vùng bị thiên tai quét sạch.
Một quốc gia vững vàng phải được xây dựng bằng bàn tay, khối óc và trái tim yêu nước của những công dân vững vàng! Đất nước ta đã trải qua biết bao biến cố lịch sử, bao lần thiên tai, địch họa, những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Thế mà, chúng ta vẫn vượt qua, vẫn là một Việt Nam đầy tự hào, vững bước đi lên, để bạn bè thế giới phải nể phục. Bí quyết vượt khó của dân tộc Việt Nam chính là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì nhiệm vụ chung của dân tộc, nên trong chiến tranh mới có khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”.
Dịch bệnh Covid-19 là một thử thách mà đất nước chúng ta phải trải qua. Từ đầu dịch tới nay, chúng ta đã phòng, chống dịch bệnh rất tốt. Do đó, để có thể tiếp tục ngăn ngừa tốt dịch bệnh này, thực hiện tốt phương châm “chống dịch như chống giặc” thì "mỗi người dân phải là một chiến sĩ". Chúng ta phải tuyên truyền nhau thực hiện tốt các biện pháp chống dịch của chính quyền các cấp, hướng dẫn của cơ quan y tế. Người dân chỉ nên tiếp nhận thông tin từ nguồn chính thống, tránh nghe tin đồn thổi ở trên mạng để rồi hành động thiếu suy nghĩ chín chắn. Đặc biệt là người dân chỉ nên mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm ở mức đủ dùng, tránh việc mua tích trữ thái quá, thậm chí đầu cơ hàng hóa, gây ra tình trạng khan hiếm. Trong tình huống càng khó khăn thì chúng ta lại càng phải nêu cao trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, giữ kỷ cương quốc gia. Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn con virus ích kỷ. Có như vậy, dịch bệnh mới bị đẩy lùi, mới không gây ra những tác hại khó lường.

1 nhận xét:

  1. Các trường hợp gian dối trong khai báo y tế gây lây lan dịch bệnh phải bị xử lý nghiêm khắc

    Trả lờiXóa