Những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận, tôn vinh vai trò và những thành tích của người phụ nữ Việt Nam. trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đã có nhiều thế hệ và rất nhiều tấm gương phụ nữ sáng ngời về lòng trung thành với tổ quốc, về đức hi sinh, về tinh thần quả cảm.
Trải qua chiều dài lịch sử, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam đã được ghi nhận như một truyền thống quý báu của dân tộc. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh’, truyền thống đó được mở đầu từ thời sơ khai dựng nước và giữ nước. Huyền thoại về những người phụ nữ kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam về Hai Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều người phụ nữ trung kiên với lòng yêu nước và tinh thần bất khuất trong công cuộc chống giặc ngoại xâm đã được khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Cố tổng bí thư Lê Duẩn cũng đã nói “Trên thế giới không có nơi nào phụ nữ như Việt Nam, không phải bây giờ mà nghìn năm trước đây cũng vậy, chưa có một nước nào mà người xây dựng đầu tiên, đem nền độc lập đầu tiên cho nhà nước là phụ nữ”. Sự cai trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất kéo dài hơn hai thế kỷ khiến đất nước Âu Lạc chìm trong tối tăm. Những luật lệ hà khắc tàn độc, những chính sách hán hóa, nô dịch tàn nhẫn nhưng chưa bao giờ nhân dân Âu Lạc cam chịu khuất phục. Hận giặc áp bức nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa được khắp nơi ủng hộ tạo thành sức mạnh như vũ bão, chỉ trong một thời gian ngắn Hai Bà Trưng đã đánh chiếm được toàn bộ lãnh thổ. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước hoàn toàn độc lập, Hai bà lên làm vua đóng đô ở Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được coi là cuộc khởi nghĩa đầu tiên và duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam do người phụ nữ lãnh đạo tạo nên một vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ. Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên mở đầu cho truyền thống bất khuất kiên cường của người Phụ nữ Việt Nam.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà chính tại nơi đánh dấu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhân dân lại lập bàn thờ bà Nguyễn Thị Định trong đền thờ Hai Bà Trưng như một nhân thần mới, một sự nối tiếp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cái tên Nguyễn Thị Định đã được bạn bè thế giới biết đến không chỉ bởi bà là người đi đầu cho đội quân tóc dài, góp phần to lớn vào thắng lợi của phong trào đồng khởi trong khắp miền nam mà còn ngưỡng mộ bà là nữ tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, người đã sáng tạo nên chiến pháp ba mũi giáp công, quân sự, chính trị, binh địch vận trong chiến đấu cũng là một biểu tượng của người phụ nữ anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh. Tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tháng 10 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói Miền nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ, họ rất mưu trí và dũng cảm, họ làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là đội quân tóc dài. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Không chỉ có vậy trong cuộc kháng chiến dành độc lập tự do cho dân tộc còn biết bao nhiêu người con gái, người phụ nữ, những chiến sĩ cách mạng thầm lặng đánh đổi tuổi thanh xuân để chiến đấu. Chiến tranh và sự tàn khốc của nó dường như vô nghĩa trước tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Dù ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ vị trí nào, bất cứ thời điểm nào người phụ nữ cũng đóng góp một vai trò to lớn sẵn sàng cống hiến và hi sinh khi tổ quốc cần. Bởi thế mà trong cuộc chiến tranh chống đế quốc, cùng đội quan tóc dài ở miền nam, dọc dải Trường Sơn còn có một lực lượng nữ đặc biệt mang tên “thanh niên xung phong’, họ là những co gái đang ở độ tuổi mười sáu, đôi mươi vì tiếng gọi của tổ quốc đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, chính họ đã góp phần viết nên những trang sử vàng của dân tộc trong thế kỷ 20. Theo ước tính, có tới hơn một triệu lượt phụ nữ tham gia vào xây dựng và bảo vệ tuyến đường này, họ làm việc ở các vị trí khác nhau như lái xe, hậu cần, dân công hoả tuyến, công binh… nhưng cùng có chung nhiệm vụ là thông suốt cho tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền nam. Mở đường, khuân vác là những công việc nặng, nhưng trên tuyến vận tải huyền thoại hình ảnh những người phụ nữ tay đập búa, vai vác đá táng hòm đạn đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Sẻ núi, vượt sông, xuyên rừng, lấp hố đó là những công việc thường ngày của những nữ thanh niên xung phong.
Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những đau thương khốc liệt của cuộc chiến tranh, để bảo vệ nền độc lập thống nhất đất nước. Trong những năm tháng khốc liệt ấy biết bao thế hệ đã băng mình vào chiến trường để chiến đấu và đã ngã xuống. Tổ quốc không chỉ nghiêng mình ghi ơn các anh các chị mà cả những người mẹ ở hậu phương, những người đã nén tình riêng để động viên chồng con xả thân vì nghĩa lớn. Bên cạnh những vinh quang là sự mất mát, là những vết thương lòng khó lành theo các mẹ suốt cả cuộc đời – những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người phụ nữ vĩ đại của dân tộc, họ là biểu chưng cho sức mạnh, cho tình yêu đất nước và đức hi sinh cao cả. Vì tổ quốc các mẹ đã phải chấp nhận hi sinh nhưng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất cha, không có xót xa nào hơn nỗi đau mất chồng và cũng chẳng thể so sánh được sự tuyệt vọng khi đứa con mình dứt ruột đẻ ra lại vĩnh viễn tiếp tục lìa xa.
Tám chữ vàng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho người phụ nữ đã trở thành danh hiệu và niềm tự hào chung của người phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là phẩm chất cốt lõi của người phụ nữ Việt Nam đã khắc sâu vào lòng tự hào của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam.
Phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào của dân tộc, từ thủa sơ khai dựng nước đến các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn toả sáng gắn liền với những trang sử vàng của dân tộc.
Người phụ nữ Việt nam anh hùng trong chiến đấu, đảm đang trong thời bình
Trả lờiXóa