Social Icons

Pages

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Sự thật về thông tin uống rượu 'chống' được COVID-19

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và đồ uốngTheo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), đồ uống có cồn không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm COVID-19 và nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khá nhiều thông tin 'truyền miệng' về những cách để 'chống lại' căn bệnh nguy hiểm này như uống rượu bia, tắm nước nóng, ăn nhiều gừng, tỏi, ớt, sả, chiếu đèn hồng ngoại cả ngày để diệt virus... Theo các chuyên gia y tế đây là những
thông tin phản khoa học, vô căn cứ, vừa không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, vừa có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Riêng với thông tin uống rượu bia 'chống' được COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo rõ ràng rằng đồ uống có cồn không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm COVID-19 và bạn nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Những người không uống được rượu bia không nên tập uống để ngăn ngừa COVID-19 vì biện pháp này không có tác dụng.
Bên cạnh việc không thể phòng chống COVID-19, uống rượu bia còn dẫn đến vô số những hệ lụy cho sức khỏe như:
Làm teo tế bào não
Chỉ 30 giây sau khi bạn uống chén rượu đầu tiên, chất cồn đã tác động đến não bộ. Nó làm tắc nghẽn con đường mà các hóa chất trong não sử dụng để gửi tín hiệu thần kinh. Kết quả là tâm trạng của bạn sẽ thay đổi, phản xạ bị chậm dần đi và bạn cũng mất khả năng giữ thăng bằng.
Rượu cũng tác động đến trí nhớ, bởi vậy, nhiều khi bạn không thể nhớ được mình đã làm những gì trong lúc say.
Gây bệnh gan
Gan là nơi xử lý tất cả chất cồn mà bạn uống vào người. Trong quá trình này, nó phải hứng chịu một đợt tấn công của rất nhiều độc tố.
Nếu tần suất uống rượu lớn, theo thời gian gan sẽ tích tụ nhiều chất béo gọi là gan nhiễm mỡ. Chất béo hạn chế lưu lượng máu đến các tế bào gan, khiến chúng bị suy và mất chức năng, trở thành mô sẹo. Các mô này không thể hoạt động được nữa và được gọi là xơ gan.
Làm tổn thương tuyến tụy, gây tiểu đường, ung thư
Thông thường, tụy là nơi sản xuất insulin, giúp điều hòa nồng độ đường trong máu và một loạt các hooc-môn khác giúp ruột tiêu hóa thức ăn.
Khi uống nhiều rượu, quá trình sản sinh các hooc-môn này sẽ bị gián đoạn hoặc làm chậm. Cùng với đó, các độc chất tích tụ vào tụy có thể gây viêm tụy, dần già dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn.
Một ngày nào đó, khi tuyến tụy bị mất chức năng, không thể tạo ra insulin, bạn sẽ bị mắc tiểu đường type 2. Rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Rối loạn nhịp tim
Một buổi nhậu có thể làm rối loạn tín hiệu điện, thứ đang giúp trái tim bạn đập đều đặn trong lồng ngực. Mặc dù các rối loạn này là tạm thời và sẽ hồi phục, nếu bạn uống rượu thường xuyên, nó có thể trở thành rối loạn vĩnh viễn.
Theo thời gian, uống rượu thường xuyên có thể làm hỏng trái tim của bạn. Các cơ tim co lại và căng ra giống như sợi dây cao su cũ. Kết quả là nó không còn thể bơm máu tới mọi bộ phận cơ thể bạn.
Gây suy yếu hệ thống miễn dịch
Một đêm nhậu có thể khiến bạn bị cảm cúm. Bởi rượu “đạp phanh” hệ thống miễn dịch của bạn. Nó làm giảm số lượng tế bào bạch cầu mà cơ thể tạo ra, để chống lại bệnh tật.
Sau khoảng 24 tiếng đồng hồ sau khi uống rượu, bạn nhiều khả năng sẽ bị lây bệnh. Những người uống rượu thường xuyên trong thời gian dài cũng vì thế mà hay bị viêm phổi hoặc lao.
Ảnh hưởng tiêu cực đến hooc-môn tình dục
Như đã nói, rượu ảnh hưởng và gây rối loạn hooc-môn, những hóa chất kiểm soát mọi thứ từ tốc độ tiêu hóa đến chức năng tình dục của bạn. Để giữ cho mọi thứ hoạt động bình thường, tất cả hooc-môn cần phải được cân bằng.
Nhưng uống rượu ném mọi thứ ra khỏi tầm kiểm soát. Ở phụ nữ, rối loạn hooc-môn có thể làm ngắn chu kỳ kinh nguyệt, gây ra các vấn đề khi mang thai. Ở nam giới, nó có thể khiến họ bị rối loạn cương dương, giảm nồng độ tinh trùng, co rút tinh hoàn thậm chí phát triển vú.
Theo các chuyên gia khi nồng độ cồn máu đạt đến 400mg/100ml bệnh nhân sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và có thể gây tử vong. Với nồng độ rượu trong máu trên 500mg/100ml thì gây tử vong cho hầu hết người bệnh.
Tử vong do ngộ độc rượu chủ yếu là do ức chế trung khu hô hấp ở hành não, khiến cho bệnh nhân thở chậm, thông khí kém, dẫn đến thiếu ô xy cho não và các cơ quan khác trong cơ thể. Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện.
Biểu hiện gồm: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, tê yếu chân tay hoặc tê yếu một bên mặt, nói ngọng khi đã tỉnh táo, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh. Các biểu hiện khác là da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh. Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường), nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, rối loạn cảm nhận về màu sắc, nôn nhiều... Khi phát hiện người bị ngộ độc rượu hoặc nghi ngờ cần gọi cấp cứu ngay.

3 nhận xét:

  1. Điều này hoàn toàn bịa đặt; không thể có chuyện uống rượu chống được covid 19.

    Trả lờiXóa
  2. Theo các chuyên gia y tế đây là những thông tin phản khoa học, vô căn cứ, vừa không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, vừa có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

    Trả lờiXóa
  3. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, đồ uống có cồn không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm COVID-19 và nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe.

    Trả lờiXóa