Social Icons

Pages

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Thông tin bịa đặt – virus nguy hiểm không kém Covid-19!

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Sẽ chẳng có gì phải bàn thêm nếu như không có sự xuất hiện những thông tin bịa đặt tựa như một loại virus còn nguy hiểm hơn Covid-19 đang phát tác, gây nguy hại cho cộng đồng.
Các virus này gây ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội, tác động tiêu cực đến hiệu quả phòng, chống dịch của chúng ta. Không chỉ thế, một số tổ chức phản động, những kẻ cơ hội chính trị, cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để bôi nhọ hình ảnh của đội ngũ cán bộ, hình ảnh của doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó tìm cách hạ bệ cá nhân, kích động chống đối Đảng, Nhà nước. Những thứ virus nguy hiểm đó, những hành động đen tối đó cần phải nhận diện, ngăn chặn và diệt trừ.
Thông tin bịa đặt gây tác động xấu
Quốc gia nào cũng vậy, vào các thời điểm xảy ra dịch bệnh, thiên tai, tâm lý xã hội rất nhạy cảm. Chính vì thế, chỉ cần một thông tin bất lợi là rất dễ dẫn đến cảnh hoang mang, thậm chí hoảng loạn. Việc đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay khô, rồi việc tranh cướp mua mì tôm, thực phẩm, nước uống, giấy vệ sinh... để tích trữ phòng dịch Covid-19 xảy ra thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó. Cũng rất may, nhờ hàng loạt những bài viết có thông tin chính xác, ý kiến phân tích khoa học, thấu tình, đạt lý, những khuyến cáo tích cực được đăng tải trên báo chí, lan truyền trên mạng xã hội (MXH) thì trật tự mới được vãn hồi.

Điều đáng nói ở đây là tâm lý hoang mang của người dân được bắt nguồn từ những thông tin sai sự thật, bị thổi phồng trên MXH và ngay cả trên một số ấn phẩm của một vài cơ quan báo chí. Một số cá nhân muốn thể hiện mình trên MXH nên đua nhau cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh với tần suất sử dụng từ ngữ tiêu cực dày đặc, một số muốn câu view đánh bóng tên tuổi hoặc phục vụ mục đích bán hàng online nên bịa đặt nhiều thông tin về dịch bệnh.
Một số tờ báo chỉ chạy đua về tốc độ đưa tin và độ nóng của thông tin để câu view mà thiếu sự thận trọng trong kiểm chứng thông tin, thiếu cân nhắc về từ ngữ cũng như cách thức đưa tin, không chú trọng đưa những thông tin chính thống về phương pháp phòng ngừa dịch bệnh hay trấn an tâm lý bạn đọc, mà chỉ muốn đưa những thông tin giật gân về dịch bệnh để hút người đọc. Có thể thấy ngay, những thông tin thiếu trách nhiệm đã gây ra những tác động tiêu cực tới cộng đồng.
Mới đây, trên MXH lan tràn hình ảnh của một cô gái đi dự khai trương chuỗi cửa hàng của thương hiệu thời trang Uniqlo kèm lời đồn thổi đó chính là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam, gây nguy cơ lây nhiễm bệnh diện rộng. Sau đó, dù Bộ Y tế đã giải thích rõ, bệnh nhân số 17 nhập viện từ ngày 5-3-2020 nên không thể dự lễ khai trương diễn ra sau đó 1 ngày, nhưng dư luận có vẻ vẫn không tin. Và thông tin bịa đặt này đã làm bệnh nhân số 17 bị mang tiếng oan, phải chịu những lời lẽ cay nghiệt, xỉ vả của cộng đồng mạng, gia đình cô gái cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đến ngày 10-3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Đống Đa đã triệu tập K.P.T. (36 tuổi) để làm rõ việc đăng tải thông tin sai sự thật liên quan dịch Covid-19. Theo xác định của cơ quan công an, ngày 7-3, bà T. tung tin nữ bệnh nhân N.H.N. (người thứ 17 ở Việt Nam mắc Covid-19) trước khi được cách ly đã dự sự kiện khai trương của Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa và vui chơi tại một quán bar ở phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm. Cơ quan chức năng xác định thông tin trên là bịa đặt. T. cũng đã thừa nhận những thông tin mình đăng là thất thiệt và cam kết không tái phạm.
Hay trường hợp cô gái trẻ tử vong vì bệnh tim, nhưng lại bị cộng đồng mạng đồn thổi rằng cái chết có liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Những dòng chữ vô cảm, vô trách nhiệm trên Facebook về trường hợp tử vong này như: “Ai có chắc có bị Covid-19 hay không?”... đã khiến người thân, bạn bè của cô gái nghi kỵ, không dám đến dự đám tang và đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Gia đình cô gái cũng phải chịu sự kỳ thị, làm đảo lộn cuộc sống.
Trên MXH mấy ngày qua cũng lan tràn thông tin bịa đặt về một số người đã bị lây bệnh Covid-19 do ngồi cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân số 17, kèm theo đó là thông tin và hình ảnh về hoạt động của họ. Thậm chí có thông tin khẳng định chắc nịch việc một quan chức đã dính Covid-19 nhưng vẫn có mặt ở lễ tang của người thân với khoảng 1.000 người đến viếng, và đã lây truyền virus theo cấp số nhân. Những kẻ bất lương còn cố tình đánh tráo hình ảnh để kích động dư luận. Đó là câu chuyện liên quan đến một bệnh nhân khác: Trên mạng lan truyền hình ảnh một cô gái trẻ đẹp, ăn mặc khá mát mẻ và một bé gái độ 4-5 tuổi được cho là “bồ nhí” và “con riêng” của bệnh nhân. Thế nhưng, sự thật đó là một bức ảnh lấy từ một bộ phim!
Tiết lộ thông tin về đời tư bệnh nhân là vi phạm pháp luật
Một xu hướng nguy hiểm đang xuất hiện trên MXH và thậm chí trên cả một số tờ báo bới móc thông tin cá nhân và đời tư của các bệnh nhân Covid-19 để rồi từ đó lên án, chửi bới, dè bỉu, xiên xẹo, nâng quan điểm. Thậm chí từ những thông tin chưa được xác thực liên quan đến đời tư của một bệnh nhân, quay sang quy kết, phê phán Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Cần phải thấy rằng, việc bới móc, công bố thông tin đời tư, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân là vi phạm pháp luật. Điều 8 “Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư” của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009 quy định rõ bệnh nhân được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Thông tin chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Như vậy, cùng với Bộ luật Dân sự cũng có quy định về quyền được bảo vệ về bí mật đời tư, hình ảnh... của con người thì Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009 còn bảo vệ quyền được giữ bí mật thông tin về hồ sơ bệnh án của con người. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được cung cấp cho bên thứ ba trong một số trường hợp nhất định và được pháp luật quy định rõ. Ngoài các trường hợp quy định thì việc công bố, tiết lộ thông tin về hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là vi phạm pháp luật.
Có một điều mà ai cũng có thể thấy rõ là tính nhân văn khi phải bảo vệ thông tin đời tư, ngăn chặn hành vi khủng bố về tinh thần đối với bệnh nhân khi họ đang nằm trên giường bệnh và các y, bác sĩ đang hết lòng, hết sức điều trị. Trong thời điểm người bệnh đang phải chống chọi với dịch bệnh nguy hiểm, họ cần có sức mạnh tinh thần rất lớn để vượt qua. Những lời đồn thổi vô căn cứ, những thị phi và lời nói cay nghiệt có thể khiến người bệnh khủng hoảng tâm lý. Người bệnh có thể không chết vì virus, mà chết vì sự cay nghiệt của cộng đồng. Nói lời cay nghiệt nhằm vào những cá nhân cụ thể khi chưa có bằng chứng rõ ràng hoặc trong thời điểm họ đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thực chất cũng là những hành vi lệch chuẩn đạo đức.
Chống fake news - trí tuệ và lương tâm
Mấy ngày gần đây, trên Facebook đã xuất hiện trang chống fake news dịch Covid-19, thu hút hàng nghìn thành viên. Chưa thể khẳng định những thông tin đưa trên này có chính xác không, nhưng điều đó đã cho thấy một sự thật là cộng đồng đang rất bức xúc trước những thông tin thiếu chính xác.
Trên trang Facebook của mình, nhà báo Trương Anh Ngọc đã than thở rằng: “Những tin tức theo kiểu "nghe nói là", "ở chỗ này căng lắm", "toang rồi", "ở chỗ này có người này như này, ở phố kia có người như thế kia"... mà không có bất cứ sự kiểm chứng và nguồn chính thống nào xác nhận, từ các trang Facebook tung lên, hoặc để câu view, hoặc để gieo rắc nỗi sợ hãi, thậm chí để bán hàng đã là một thứ virus có sức tàn phá ghê gớm đối với tinh thần của mỗi người chúng ta, biến chúng ta thành một dạng virus bi quan, chán nản, hoảng sợ lây lan sang thêm những người khác nữa”. Từ đó, nhà báo Trương Anh Ngọc tha thiết kêu gọi mọi người không cổ vũ cho việc chia sẻ lên không gian mạng các thông tin gây hoang mang dư luận, và chỉ chia sẻ các nguồn tin chính thống, như từ Bộ Y tế và các cơ quan thông tin có uy tín của Việt Nam. Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, fake news cũng là một thứ dịch bệnh và khẩn thiết kêu gọi cả những người có ảnh hưởng trong xã hội, các diễn viên, nghệ sĩ, các cầu thủ nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt cùng tham gia công tác chống loại dịch bệnh này.
Nhà báo Tạ Bích Loan, Giám đốc kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam thì cho rằng: “Virus Corona đang phát huy một tính năng, đó là phép thử. Phép thử của sự ích kỷ, ai ích kỷ lộ rõ ngay. Phép thử của lối sống, ai sống thế nào sẽ lộ rõ luôn. Phép thử của sự tò mò, thêu dệt, kỳ thị, đổ lỗi... lộ ra hết trong những ngày này. Nhưng đó cũng là phép thử của lòng tốt, của sáng kiến, của trách nhiệm, của tinh thần vì cộng đồng. Phép thử của sự kiên cường, lạc quan và bền bỉ, của lòng tin và tinh thần đồng đội. Đó là thứ thuốc hiệu quả kháng Corona hay bất cứ dịch bệnh nào trên trái đất này”.
Tổ chức Y tế Thế giới, dư luận quốc tế phải thừa nhận rằng, Việt Nam đang thực hiện rất hiệu quả, được coi là một hình mẫu tốt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong khi tại nhiều nước phát triển trên thế giới đang rất khó khăn trước sức tấn công của dịch bệnh này, khiến hàng nghìn người chết, thì cho tới 21 giờ ngày 12-3, Việt Nam mới ghi nhận 44 người bị nhiễm Covid-19, 16 người đã được chữa khỏi, chưa có ai tử vong. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi việc chăm sóc sức khỏe nhân dân là số 1, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy, việc quan trọng nhất trước mắt là cứu chữa cho bệnh nhân thoát khỏi bệnh dịch, mang lại sự an toàn không chỉ cho người bệnh, mà còn cho toàn xã hội.
Bởi thế, việc cần làm ngay của mỗi công dân Việt Nam là cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuyệt đối tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Trong thời đại “bão” thông tin này, mỗi người cần tạo ra cho mình một bộ lọc chuẩn, hiểu biết nhiều hơn, tỉnh táo nhiều hơn...Làm được như vậy là chúng ta đã góp phần tích tích cực vào việc nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, không để lại những hậu quả xấu.

1 nhận xét:

  1. Những virut chuyên xuyên tạc và tung tin sai lệch về dịch bệnh còn nguy hiểm hơn covid 19

    Trả lờiXóa