Tối 11.3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của vi-rút corona gây ra là “đại dịch toàn cầu”, trong bối cảnh dịch bệnh đã lan đến 122 quốc gia và lãnh thổ, gây nhiễm bệnh hơn 126.000 người và 4.616 ca tử vong.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO khẳng định Covid-19 là đại dịch đầu tiên do vi-rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. Tổ chức này sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự lây lan của Covid-19.
"Chúng tôi quan tâm sâu sắc cả về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động, đồng thời cả mức độ không hành động đáng báo động," ông nói khi đề cập đến sự hành động thiếu quyết liệt của lãnh đạo các quốc gia. Người đứng đầu WHO cho biết
đã kêu gọi mỗi ngày để các quốc gia có hành động khẩn cấp và tích cực.
WHO định nghĩa một đại dịch là "sự lây lan trên toàn thế giới của một loại bệnh mới". Việc định nghĩa này "không có bất kỳ tiêu chí cứng nhắc nào về mức độ đại dịch đạt đến hoặc không đạt đến" và cũng "không có tiêu chí về số trường hợp nhiễm bệnh hoặc trường hợp tử vong".
Trước đó, ngày 30.1, WHO đã xếp căn bệnh viêm phổi cấp do vi-rút corona chủng mới là một “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu”.
Lần cuối cùng WHO tuyên bố đại dịch là ở đợt bùng phát dịch cúm H1N1 năm 2009, đã gây lây nhiễm cho gần một phần tư dân số thế giới. Tuy nhiên quyết định đó đã nhận nhiều chỉ trích vì tạo ra sự hoảng loạn không cần thiết. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đều do vi-rút corona gây ra và đều không được xem là “đại dịch toàn cầu”.
Dịch bệnh Covid-19 đến nay đã lây lan đến 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Worldometer cập nhật đến 8h sáng nay 12.3, khiến hơn 126.000 người nhiễm bệnh với 4.616 người tử vong.
8 ổ dịch lớn nhất ghi nhận có trên 1.000 ca nhiễm bệnh nằm tại các quốc gia, gồm Trung Quốc đại lục (nơi bùng phát dịch bệnh), Ý, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ.
Hiện tại, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu, với ổ dịch lớn nhất tại khu vực ở Ý. Trong vòng ngày qua, Ý đã có thêm 196 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 827, là mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh được phát hiện ở nước này vào ngày 21.2. Cơ quan bảo vệ công dân Ý ghi nhận 12.462 ca nhiễm bệnh, tăng thêm 2.313 ca trong vòng một ngày qua.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm qua cũng đã bổ sung thêm các quy định hạn chế mới khi số ca tử vong tăng kỷ lục trong ngày. Theo đó, tất cả các nhà hàng sẽ đóng cửa trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc. Các dịch vụ khác như cửa hàng làm tóc, chăm sóc sắc đẹp, các quán bar, nhà hàng đều phải đóng cửa. Các căng-tin công ty có thể mở cửa nếu đảm bảo giữ khoảng cách ít nhất một mét giữa các khách hàng.
Vi-rút corona chủng mới cũng được ghi nhận tiếp tục lây lan nhanh ở Mỹ, khiến hơn 1.300 người mắc bệnh, đưa Mỹ vào danh sách 8 quốc gia có hơn 1.000 người nhiễm bệnh. Đồng thời dịch bệnh cũng xuất hiện ở các quốc gia mới gồm Bolivia, Honduras và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Indonesia, Bulgaria và Thụy Điển đã ghi nhận các trường hợp tử vong đầu tiên.
Trước tình hình đó, chính phủ Việt Nam đã quyết định tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân 8 nước gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha từ 0h hôm nay 12.3. Việt Nam trước đó đã tạm dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc từ 29.2 và công dân Ý từ 3.3 khi các quốc gia này bùng phát dịch bệnh.
Đáng chú ý, thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng cho biết tại nước Ý đã xác định đồng thời có 4 biến chủng của vi-rút SARS-CoV-2, khác với chủng của vi-rút đã được xác định tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Đồng thời các cơ quan y tế Việt Nam ghi nhận bệnh nhân thứ 17 từ Ý về Việt Nam và bệnh nhân số 20 lây nhiễm từ bệnh nhân thứ 17 có biểu hiện viêm phổi rõ nét, biểu hiện bệnh cũng được đánh giá nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh.
Các thành viên Ban chỉ đạo hôm qua cũng đã cân nhắc đến việc có nên tổ chức cách ly tập trung những người đến từ châu Âu hay không. Theo đó, Việt Nam chỉ cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh, là những người đã đi qua vùng dịch, ổ dịch, có tiếp xúc gần với người đã đi qua vùng dịch…, nên bộ Y tế và bộ Ngoại giao được giao thống nhất các địa điểm được xem là vùng dịch, ổ dịch để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Các nước cần tăng cường các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh
Trả lờiXóa