Social Icons

Pages

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

NHỮNG BỨC ĐIỆN LỊCH SỬ TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN NĂM 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta; không những ghi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là nét nổi bật và đặc sắc nhất của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng đã tạo ra bước ngoặt mới; Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc”.
Thời cơ chiến lược đã đến, đúng 18 giờ 00 ngày 27-3-1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở.... và vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”.
Ngày 7-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.
Quyết chiến và toàn thắng”. Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương chỉ thị: “Nắm chắc thời cơ chiến lược mới tranh thủ thời gian cao độ nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”.
Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh và quyết định: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Sài Gòn - Gia Định là hướng tiến công chiến lược chủ yếu và cũng là mục tiêu chiến lược cuối cùng của ta.
Để chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn-Gia Định, Trong Điện gửi Trung ương Cục miền Nam, 15 giờ 30 ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị chỉ thị. “…Sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”.
Ngày 26-4-1975, Bộ Chính trị họp yêu cầu chuẩn bị mọi mặt từ Bộ Thống soái tối cao đến Bộ tư lệnh và các đơn vị ở chiến trường trọng điểm. Năm mục tiêu quan trọng đã được Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Tổng thống ngụy quyền, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Sau khi kiểm tra lại lần cuối việc chuẩn bị cho trận đánh quyết định, cuộc họp kết thúc trong không khí náo nức, phấn khởi, quyết tâm, sẵn sàng đón tin chiến thắng.
Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Đến 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính Trị đã gửi bức điện khen ngợi: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn – Gia Định thân mến. Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn – Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng. Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc”.
Vậy là hai chiến dịch có hai cách đánh khác nhau. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm của ta là: “Đánh chắc, tiến chắc”, thì trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, phương châm chỉ đạo là: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Dù là hai cách đánh khác nhau nhưng đều đi đến thắng lợi cuối cùng đánh đổ hai thực dân đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đó là minh chứng cho truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; quyết không cam chịu làm nô lệ; quyết đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc.
45 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng và niềm tự hào về Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

4 nhận xét:

  1. Bức điện số 157-HÐKTK của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho các đơn vị với mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” Đây là mệnh lệnh lịch sử cho ngày toàn thắng.

    Trả lờiXóa
  2. Mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua bức điện số 157-HĐKTK đã mang về thắng lợi hoàn toàn cho dân tộc việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. Chiến thắng 30/4/1975 đã mang lại giá trị, ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại cho nhân dân Việt Nam; mọi người dân Việt Nam luôn tự hào về những thành quả đạt được của Đảng, của các thế hệ đi trước.

    Trả lờiXóa
  4. Sáng 7/4/1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi Điện số 157-HÐKTK cho các đơn vị mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” Đây là mệnh lệnh lịch sử cho ngày toàn thắng.

    Trả lờiXóa