Social Icons

Pages

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG THÔNG TƯ SỐ 16/2020/TT-BQP CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

Ngày 21/2/2020, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Ngô Xuân lịch đã ký ban hành Thông tư số 16/2020/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng để thay thế cho Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016 của Bộ Quốc phòng và có hiệu lực từ ngày 08/4/2020.
1️⃣Một là: Bổ sung một điều “Các quy định chung” để giải thích một số từ ngữ cụ thể (Điều 3).
2️⃣Hai là: Ngoài 9 nguyên tắc xử lý kỷ luật quy định tại Thông tư 192/2016/TT-BQP thì Thông tư 16/2020/TT-BQP bổ sung thêm một nguyên tắc thứ mười quy định tại Điều 4 là: “Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm, thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang Cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị tòa án xét xử và tuyên phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì chỉ giải quyết chế độ, chính sách khi đã có quyết định thi hành án của Tòa án”.

3️⃣ Ba là, Thông tư 192/2016/TT-BQP quy định trong trường hợp “nghỉ việc riêng” thì chưa xem xét kỷ luật nhưng Thông tư 16/2020/TT-BQP đã bỏ quy định này. Bổ sung quy định khi miễn trách nhiệm kỷ luật với trường hợp mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm thì phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
4️⃣ Bốn là, Bổ sung quy định mới tại Điều 9: “Quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau: 1) Tự ý bỏ học; 2) Vi phạm kỷ luật đến mức không được tiếp tục đào tạo; 3) Đã tốt nghiệp nhưng không nhận nhiệm vụ hoặc bỏ việc khi chưa đủ thời gian công tác đến 5 năm đối với những đối tượng được đào tạo dưới 5 năm và đến 7 năm đối với những đối tượng được đào tạo từ 5 năm trở lên tính từ khi tốt nghiệp”.
5️⃣ Năm là, Hành vi vắng mặt trái phép được quy định cụ thể và chi tiết hơn là: “Vắng mặt ở đơn vị dưới 24 (hai bốn) giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ trở lên đến 3 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; dưới 24 (hai bốn) giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ trở lên đến 7 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo”.
6️⃣ Sáu là, Quy định rõ dấu hiệu của hành vi đào ngũ dẫn đến bị xử lý kỷ luật tại Điều 20; quy định này là cơ sở để cơ quan, đơn vị thực hiện việc kỷ luật quân nhân khi đào ngũ được thống nhất đồng thời là cơ sở để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự khi quân nhân tiếp tục vi phạm: “Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu quá 3 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 0 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ Luật hình sự thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm”.
7️⃣ Bảy là, Bổ sung quy định mới về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật nếu người vi phạm vắng mặt tại Điều 41: “Nếu người vi phạm vắng mặt, không tự kiểm điểm thì cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh tại gia đình, địa phương nơi người vi phạm cư trú và lập biên bản về sự vắng mặt của người vi phạm. Biên bản xác minh được công bố trước cơ quan, đơn vị và có giá trị như bản tự kiểm điểm của người vi phạm….Nếu người vi phạm vắng mặt thì căn cứ vào biên bản xác minh, hồ sơ vi phạm, hành vi vi phạm kỷ luật của người vi phạm, tập thể cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc họp phân tích, phê bình, tham gia ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật… Nếu người vi phạm vắng mặt thì người chỉ huy căn cứ vào biên bản xác minh, hồ sơ vi phạm, để kết luận về hành vi vi phạm, hình thức kỷ luật đối với người vi phạm”.
8️⃣ Tám là, Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật trong một số trường hợp đặc biệt tại Điều 42: “Trường hợp bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân thì chỉ huy đơn vị quản lý quân nhân bị xử lý từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải cử người đưa quân nhân bị kỷ luật, cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan bàn giao cho cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú (trừ trường hợp đào ngũ không trở lại đơn vị hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù).
Trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt thì đơn vị gửi văn bản thông báo hình thức xử lý và yêu cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị về UBND cấp phường, xã, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm vẫn không trở lại đơn vị thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”. Đây là điểm mới quan trọng để tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý hình sự về tội “Đào ngũ”.
9️⃣ Chín là, Bổ sung quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật tại Điều 43 theo hướng tăng thời hiệu xử lý kỷ luật từ 3 tháng lên 60 tháng; bổ sung các quy định về không áp dụng thời hiệu đối với hành vi: Vi phạm đến mức phải kỷ luật tước quân hàm sĩ quan và tước danh hiệu quân nhân; vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp và quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng.
1️⃣0️⃣ Mười là, Bổ sung nội dung mới: Nếu người vi phạm kỷ luật có liên quan đến vụ việc, vụ án đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thì trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử; đơn vị tạm dừng việc xem xét xử lý kỷ luật. Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định…
*️⃣ Điểm mới cuối cùng, kết cấu lại các hình thức kỷ luật tại các điều luật từ thấp đến cao; sửa đổi, bổ sung thêm một số hình thức kỷ luật mới tại một số điều luật. Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền xử lý kỷ luật; thời hạn công nhận tiến bộ.
* Để tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm kỷ luật; chỉ huy các cấp phải tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt nghị quyết của tổ chức đảng, các văn bản hướng dẫn của cơ quan, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ chính quy trong ngày; thực hiện nghiêm các quy định về giữ gìn, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật trong các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là trong diễn tập. Khi có cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật, chỉ huy đơn vị phải tìm hiểu cụ thể, làm rõ nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm, xử lý theo đúng Thông tư 16/2020/TT-BQP. Có như vậy mới đảm bảo khách quan, phù hợp với mức độ vi phạm của quân nhân, tránh được hiện tượng quy chụp, xử lý tuỳ tiện, thiếu cơ sở; phải kịp thời báo cáo chỉ huy cấp trên và cơ quan để có biện pháp giải quyết dứt điểm; góp phần xây dựng đơn vị VMTD đi vào chiều sâu vững chắc./.

3 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã cung cấp thông tin rất bổ ích.

    Trả lờiXóa
  2. Những điều chỉnh trong thông tư mới sẽ giúp cho giúp cho các cơ quan, đơn vị triển khai xử lý các vụ vi phạm kỷ luật được dễ dàng hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Đây là những điều chỉnh rất quan trọng để các cơ quan, đơn vị dễ thực hiện xử lý kỷ luật các quân nhân có sai phạm

    Trả lờiXóa