Social Icons

Pages

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ - TINH THẦN TRONG 'CUỘC CHIẾN CHỐNG GIẶC COVID-19'

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, văn bảnTrong những ngày này, trước diễn biến phức tạp, khó lường và những tổn thất vô cùng lớn, nhất là sinh mạng con người do đại dịch Covid-19 gây ra trên phạm vi toàn cầu, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc về sự thành công lớn bước đầu của đất nước ta trong “cuộc chiến chống dịch”. Sự thành công đó đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng”, một “hình mẫu”, “tấm gương” về phòng, chống dịch bệnh trên thế giới.
Với con số cụ thể về số người nhiễm bệnh, không có ca tử vong được Bộ Y tế cập nhật minh bạch
từng giờ cho thấy, Việt Nam đã hạn chế đến mức thấp nhất có thể về sự lây lan của dịch bệnh. Nói về sự thành công vừa qua của Việt Nam, xin dẫn một số đánh giá của cộng đồng quốc tế cho khách quan. Hãng thông tấn Sputnik của Nga đánh giá cao những kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, cho rằng "Việt Nam đã nêu tấm gương trong phòng, chống dịch Covid-19". Còn trang scoopwhoop.com của Ấn Độ nhận định: “Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Đông Nam Á”. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ngày 31-3 đã ca ngợi Chính phủ Việt Nam “rất xuất sắc khi đương đầu với đại dịch Covid-19”.
Sự thành công lớn bước đầu trong “cuộc chiến chống đại dịch Covid-19” là tổng hợp sức mạnh của cả dân tộc ta, trong đó cần nhấn mạnh là sức mạnh nhân tố chính trị-tinh thần của cả đất nước đã được phát huy đúng mức và đúng lúc. Trước hết là quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta trong “cuộc chiến” đối với dịch Covid-19. Với sự mẫn cảm của tư duy chính trị, tầm chiến lược, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sớm nhận thức về hiểm họa, từ đó cảnh giác cao ngay khi có thông tin về dịch bệnh xuất hiện ở Trung Quốc. Ngày 23-1, nước ta xuất hiện ca nhiễm đầu tiên từ một người Trung Quốc đến từ “tâm dịch” Vũ Hán, ngay lập tức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: “Chống dịch như chống giặc”. Đặc biệt, sự quyết tâm chính trị thể hiện thông qua những chỉ đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp ngày 20-3 đánh giá về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 1, đã đưa ra những chỉ đạo chiến lược đối với cuộc chiến chống dịch Covid-19: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn”. Về giải pháp “cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động, bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất"; “tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng, sợ hãi đến mức không dám làm gì”; “cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Quyết tâm chính trị cao của Đảng được các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương nhanh chóng vào cuộc một cách quyết liệt. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch được thành lập do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban, tiếp đến là thành lập ban chỉ đạo ở các ngành, các địa phương đến cơ sở. Những chủ trương, kế hoạch, biện pháp chống dịch được hoạch định và triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả như truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân, minh bạch hóa thông tin dịch bệnh, khoanh vùng, cách ly, khử trùng, chữa trị người mắc bệnh, sử dụng đồ dùng bảo hộ, xét nghiệm, hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa”. Khi “cuộc chiến chống dịch Covid-19” bước vào giai đoạn 3, giai đoạn được đánh giá là có tính bước ngoặt, ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nội dung căn bản là thực hiện về cách ly xã hội. Đây là chỉ thị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, đồng thời giúp cho việc nhận diện nguồn lây để có biện pháp kịp thời dập dịch. Để nâng cao hiệu quả chống dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta còn chú trọng vào “cuộc chiến” chống thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện báo chí, truyền thông, nhất là mạng xã hội, coi thông tin xuyên tạc còn nguy hiểm hơn dịch bệnh nhiều lần. Bởi nó gây hoang mang dư luận, làm xáo trộn xã hội, triệt tiêu tính hiệu lực, hiệu quả của các chủ trương, biện pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước.
Quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta về chống dịch Covid-19 đã tạo được sự đồng lòng, đồng sức, đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội, thực sự là “ý Đảng-lòng dân”, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế đã khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, đã hình thành nên phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân, quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh “chống dịch như chống giặc”. Mỗi người dân không chỉ quan tâm bảo vệ sức khỏe bản thân mình, chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch, mà còn nêu cao ý thức cộng đồng, đoàn kết chung tay góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc để chiến thắng dịch bệnh. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mọi tầng lớp xã hội đều nhiệt tình hưởng ứng ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 qua tin nhắn điện thoại. Có doanh nhân ủng hộ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Nhiều văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao, các nhà hoạt động văn hóa, xã hội không chỉ bản thân mình đóng góp mà còn lập quỹ kêu gọi cộng đồng quyên góp được hàng trăm triệu đồng ủng hộ phòng, chống dịch. Không ít bà con nghèo đến ủng hộ mớ rau, quả trứng, cân gạo. Có cụ già đạp xe cả chục cây số đến ủng hộ 20.000 đồng. Rất xúc động khi có các cụ già 80, 90, thậm chí hơn 100 tuổi đã ủng hộ cả “vốn liếng” tích góp của đời mình cho quỹ phòng, chống dịch lên tới 2 tấn gạo. Sức mạnh chính trị-tinh thần được phát huy trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, nổi bật là ý chí quyết tâm cao của đội ngũ những người thầy thuốc, đứng ở tuyến đầu, cùng với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân-lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh “chống giặc Covid-19”. Đó là những người tiên phong, sẵn sàng xả thân thực hiện tốt mục tiêu theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Không có gì quý hơn tính mạng, chúng ta làm hết sức vì sức khỏe, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội”.
Sự thắng lợi quan trọng bước đầu mà chúng ta giành được chứng tỏ sức mạnh chính trị-tinh thần đã thực sự được phát huy, trở thành nhân tố ưu trội, giữ vai trò liên kết, chuyển hóa các nhân tố khác về kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự, an ninh, đối ngoại thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh “chống dịch như chống giặc" vừa qua.
Hiện tình hình dịch bệnh đã và đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm bởi sự lây lan diện rộng trên phạm vi toàn cầu và sự hủy diệt của nó. Đối với nước ta, cuộc chiến chống dịch Covid đã bước sang giai đoạn thứ 3, giai đoạn có ý nghĩa quyết định. Để chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19, đòi hỏi chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước, trong đó cần chú trọng phát huy hơn nữa sức mạnh chính trị-tinh thần, nhân tố ưu trội của đất nước chúng ta. Ưu thế đó không chỉ được thực tiễn chống dịch vừa qua kiểm nghiệm mà nó đã được khẳng định là một giá trị truyền thống nổi bật, góp phần bảo đảm cho dân tộc ta trường tồn, phát triển qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử.
Để phát huy sức mạnh chính trị-tinh thần đáp ứng yêu cầu chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19 trên đất nước ta, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đồng bộ đến các yếu tố chi phối, tác động đến phát huy sức mạnh nhân tố chính trị-tinh thần như sự quyết tâm chính trị cao; sự phù hợp của các quyết sách về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để đối phó với dịch bệnh… Trước hết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, mỗi người dân thực sự là một "chiến sĩ trên mặt trận chống dịch” để tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Đồng thời tiếp tục kiên định chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước “chống dịch như chống giặc”, với mục tiêu cao nhất là con người, vì tính mạng của mỗi người dân. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình diễn biến cụ thể của dịch bệnh, các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, các cấp bộ, ngành kịp thời có chủ trương, biện pháp linh hoạt, khoa học, hiệu quả để xử lý dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là về sức khỏe và tính mạng con người. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hiệu quả của Đảng, Nhà nước để tăng cường, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao của nhân dân đối với “cuộc chiến chống dịch”. Ngoài ra, cần chú trọng đấu tranh xử lý nghiêm theo pháp luật vấn nạn đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh với các động cơ khác nhau; đặc biệt là phải trừng trị nghiêm khắc những hành vi lợi dụng tình hình dịch để xuyên tạc, nhằm mục tiêu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng của Nhà nước, gây hoang mang, dao động, làm ly tán lòng dân của các thế lực thù địch chống phá đất nước hiện nay.

1 nhận xét:

  1. Khi dịch bệnh xảy ra tại Vũ hán, "giới văn minh phương tây” đã rất thờ ơ; ngược lại Việt Nam đã huy động cả một hệ thống chính trị, xã hội, an ninh, y tế, quân đội của Việt Nam hoạt động nhịp nhàng đồng bộ để đánh dịch, như đánh giặc; đó thực sự là một hệ thống chính trị của dân, do dân và vì dân.

    Trả lờiXóa