Social Icons

Pages

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Là người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nguyên tắc chủ yếu để xây dựng quân đội có sức mạnh vô địch là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng về mọi mặt đối Quân đội nhân dân Việt Nam; bảo đảm cho quân đội thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
NHỮNG CHỈ DẪN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI
Học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội chỉ ra rằng, giai cấp vô sản muốn giành chính quyền, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản thì phải tổ chức ra một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự,...; trong đó, chính trị - tinh thần là một yếu tố có ý nghĩa quyết định. Khi bàn về vấn đề này, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(1). Để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Hồng quân, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga chủ trương thành lập hệ thống chính ủy, chính trị viên bên cạnh người chỉ huy và các tổ chức đảng trong Hồng quân. Đại hội VIII Đảng Bôn-sê-vích Nga (tháng 3-1919) xác định: “Công tác huấn luyện quân sự và giáo dục Hồng quân được tiến hành trên cơ sở đoàn kết giai cấp và giáo dục xã hội chủ nghĩa. Do đó, cần phải có những chính ủy là các đảng viên cộng sản đáng tin cậy và quên mình được đặt bên cạnh những người chỉ huy quân sự, và thành lập các chi bộ cộng sản trong từng đơn vị nhằm thiết lập mối liên hệ về tư tưởng trong nội bộ và một kỷ luật tự giác”(2). Bởi lẽ, “Các chính ủy trong quân đội không chỉ là các đại diện trực tiếp của chính quyền Xô-viết, mà trước hết, là người mang tinh thần của Đảng, kỷ luật của Đảng, tính kiên nghị và lòng dũng cảm của Đảng vào trong cuộc đấu tranh để thực hiện những mục tiêu đã được đề ra”(3), họ vừa là bí thư đảng, vừa là thủ trưởng đơn vị và hai cương vị này có mối quan hệ biện chứng, thống nhất hữu cơ với nhau. Là bí thư đảng, chính ủy đại diện và là hiện thân của Đảng trong đơn vị, trực tiếp giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa đơn vị với Đảng. Là thủ trưởng, chính ủy là người đại diện chính quyền, thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý về chính trị, tư tưởng; giám sát, kiểm tra việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng trong hoạt động của đơn vị. Chức danh về chính quyền là sự “thể chế hóa” vai trò lãnh đạo trên thực tế đối với đơn vị của bí thư đảng. Có thể khẳng định: “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất, thì ở đấy nói chung, trong số chuyên gia quân sự ít thấy có khuynh hướng phản bội hơn cả; ở đấy có rất ít cơ hội cho họ thực hiện ý định của họ; ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ gìn được trật tự tốt hơn, và tinh thần của họ cũng cao hơn; ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”(4).
Trung thành với học thuyết Mác - Lê-nin về tổ chức lãnh đạo, xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, vận dụng vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta, từ rất sớm trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng” của Đảng (tháng 2-1930) do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trực tiếp khởi thảo đã khẳng định quan điểm bạo lực cách mạng, Đảng tổ chức và lãnh đạo quân đội công nông để giành và giữ chính quyền: “B. Về phương diện chính trị: a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. c) Dựng ra Chính phủ công nông binh. d) Tổ chức ra quân đội công nông”(5). Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Sau chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần, Đội đã phát triển thành đại đội, có 3 trung đội, mỗi trung đội có chính trị viên và ban công tác chính trị ở đại đội được thành lập, do chính trị viên đại đội phụ trách. Đến đây, bộ máy tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của Đảng trong quân đội được hình thành, gồm: cán bộ chính trị, cơ quan chính trị, chi bộ đảng, cán bộ chỉ huy. Nhờ đó, các hoạt động chính trị, tư tưởng của Đảng đối với bộ đội được tiến hành chặt chẽ, dân chủ, thông suốt và thống nhất. Tháng 4-1946, Đảng ta quyết định thành lập Trung ương Quân ủy - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong Quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 71/SL-CP, ngày 22-5-1946, về việc Quân đội của nước Việt Nam là Quân đội quốc gia, xác định: bố trí chính trị viên từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn, ở khu có chính trị ủy viên. Cán bộ chính trị ở mỗi cấp cùng với chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt trong đơn vị,... những việc có tính chất chính trị thì chính trị viên chịu trách nhiệm, chỉ huy phải thỏa thuận với chính trị viên,... Trong đó, trước sau như một, Đảng ta luôn coi trọng và khẳng định dứt khoát quyền lãnh đạo quân đội công nông, không phân quyền lãnh đạo đó cho một giai cấp, một tổ chức, một đảng phái nào khác, bởi vì “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(6).
Nhất quán tinh thần đó, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), ngày 25-1-1953, sau khi khái quát tình hình thế giới và trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một trong mười nhiệm vụ cấp bách về chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội”(7). Cụ thể hóa, thể chế hóa và luật hóa quan điểm trên của Đảng, trong Báo cáo trước Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Khoá I, kỳ họp thứ ba, ngày 1-12-1953, một lần nữa được Người nhấn mạnh về sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội: “Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt”(8).
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những xuất phát từ nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam, mà còn xuất phát từ yêu cầu xây dựng quân đội có sức mạnh vô địch để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, cả nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Chính vì vậy, trong Bài nói về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của quân đội tại Hội nghị cao cấp toàn quân, ngày 20-3-1958, sau khi khen ngợi những thành tích của quân đội và đánh giá tình hình thế giới, tình hình trong nước sau 3 năm đất nước hòa bình, Người giải thích rất cặn kẽ: “Nhiệm vụ trước mắt của quân đội ta là gì? Một là, chúng ta phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ đó bao gồm việc xây dựng quân đội thường trực và xây dựng lực lượng hậu bị. Hai là, tích cực tham gia sản xuất để góp phần xây dựng kinh tế, xây dựng và củng cố hậu phương. Hai nhiệm vụ ấy đều rất quan trọng, nhất trí và kết hợp chặt chẽ với nhau vì đều nhằm làm cho quân đội ta ngày càng mạnh và miền Bắc ngày càng vững chắc. Đảng và Chính phủ giao cho quân đội hai nhiệm vụ đó và quân đội ta phải cố gắng hoàn thành cho thắng lợi. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đó thì phải làm những gì? Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”(9).
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; là sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới những kinh nghiệm quý báu về xây dựng quân đội của các triều đại phong kiến trong công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về xây dựng quân đội của các dân tộc tiến bộ trên thế giới, nhất là xây dựng Hồng quân Công nông trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc ở Liên Xô theo quan điểm của V.I. Lê-nin; đồng thời là vấn đề có tính quy luật, cũng là kinh nghiệm lịch sử được thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta trong hơn bảy mươi lăm năm qua khẳng định. Về vấn đề này, trong tác phẩm Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Người đã đúc rút ra kinh nghiệm quý báu: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực”(10). Đối với quân đội, Người huấn thị và tin tưởng: “Quân đội ta phải ra sức học tập chính trị và kỹ thuật, xây dựng thành một lực lượng ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với chí khí anh dũng của đội quân tất thắng, toàn Đảng ta đã đoàn kết hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, tiến lên lãnh đạo nhân dân lao động nước ta giành những thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà”(11). Theo đó, Đảng lãnh đạo quân đội là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam; là nguyên tắc cơ bản hàng đầu bảo đảm cho quân đội ta thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; là quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội, Đảng ta luôn kiên định nguyên tắc: lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam; Đảng không chia quyền, nhường quyền lãnh đạo đó cho bất kỳ đảng phái, tổ chức hoặc cá nhân nào. Lãnh đạo tuyệt đối quân đội là nguyên tắc bất di bất dịch, là trách nhiệm chính trị của Đảng trước giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Đảng trực tiếp lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam không thông qua một khâu trung gian nào. Sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện bằng hệ thống cơ chế, tổ chức đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Đảng lãnh đạo toàn diện, về mọi mặt, mọi nhiệm vụ, mọi lĩnh vực hoạt động, mọi mặt công tác, mọi tổ chức, mọi đơn vị quân đội, ở đâu có tổ chức và hoạt động của quân đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng.
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội thể hiện ở những nội dung cơ bản: Định ra đường lối, nhiệm vụ quân sự (bao gồm đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân); lãnh đạo nghiên cứu xây dựng và phát triển nền khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam; lãnh đạo xây dựng, phát triển trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức nuôi dưỡng bộ đội; lãnh đạo tiến hành công tác cán bộ trong quân đội; lãnh đạo tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội không chỉ là một nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, mà còn là nhân tố quyết định mọi sự trưởng thành, thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bước vào thời kỳ mới, Nghị quyết số 51/NQ-TW, ngày 20-7-2005, của Bộ Chính trị về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác định những nguyên tắc cơ bản trong cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội:
Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là nguyên tắc chủ đạo, chi phối các nguyên tắc khác. Nguyên tắc này xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải lãnh đạo chặt chẽ quân đội trong mọi tình huống, nắm chắc tình hình mọi mặt, quyết định các vấn đề thuộc về đường lối, chủ trương, nhiệm vụ, biện pháp lớn đối với sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của quân đội. Trên cơ sở đường lối, nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định rõ mục tiêu chiến đấu của quân đội, đường lối, tư tưởng quân sự, đường lối nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên tắc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên, chế độ công tác đảng, công tác chính trị, các tổ chức quần chúng trong quân đội,... trực tiếp lãnh đạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Trong hoạt động thực tiễn của quân đội, việc quán triệt và thực hiện nguyên tắc này thể hiện trên hai mặt: Một là, Quân ủy Trung ương phải cụ thể hóa sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với quân đội thành những nghị quyết, chỉ thị phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ quân đội trong từng giai đoạn, để các đơn vị quán triệt và chấp hành. Hai là, các tổ chức đảng, các đơn vị cấp dưới, người lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ, đảng viên trong quân đội phải chấp hành sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước hết và trực tiếp là thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương.
Thứ hai, hệ thống tổ chức đảng trong quân đội được tổ chức từ Quân ủy Trung ương đến cơ sở, hoạt động theo Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định để lãnh đạo mọi mặt trong quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các cấp ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương đến cơ sở, cấp ủy cấp nào do đại hội đảng bộ cấp đó bầu; trường hợp đặc biệt do cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định.
Thứ ba, cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng trong quân đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách theo chức trách, nhiệm vụ. Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản, chỉ đạo mọi hoạt động, sinh hoạt nội bộ và phong cách việc của Đảng ta được cụ thể hoá vào hoạt động của các tổ chức đảng trong quân đội.
Thứ tư, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư và trực tiếp, thường xuyên là của Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Ở mỗi cấp có chính ủy (hoặc chính trị viên) là người chủ trì về chính trị và cơ quan chính trị đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị của đơn vị, hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, cơ quan chính trị, chính ủy (chính trị viên) cấp trên và sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cùng cấp. Đây là nguyên tắc chỉ đạo việc tổ chức và hoạt động của Tổng cục Chính trị, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đảng lãnh đạo quân đội không chỉ thông qua hệ thống tổ chức đảng mà còn thông qua hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên.
Thứ năm, trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc, toàn diện, xuyên suốt của các tổ chức đảng, trong quân đội thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên.
Năm nguyên tắc cơ bản trên là một thể thống nhất có quan hệ chặt chẽ với nhau; do đó, quá trình nhận thức và thực hiện phải quán triệt và thực hiện đầy đủ, có như vậy mới góp phần hoàn chỉnh cơ chế và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn giữ đúng định hướng chính trị của Đảng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân, là lực lượng chính trị - công cụ bạo lực để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đang đứng trước cả thời cơ, vận hội lớn, xen lẫn những nguy cơ, thách thức gay gắt. Trong đó, các thế lực thù địch đang tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với thủ đoạn “phi chính trị hóa quân đội” nhằm thực hiện âm mưu thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và quân đội,... Trong bối cảnh đó, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội ta luôn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới lại càng trở nên bức thiết. Do đó, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới cần quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Trong đó, một mặt, cần tập trung nghiên cứu có hệ thống, toàn diện và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tất yếu, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; mặt khác, vừa khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, vừa tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển và vận dụng tư tưởng đó cho phù hợp với tình hình mới. Trong mọi hoàn cảnh, phải kiên quyết bảo vệ tính khoa học, cách mạng và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội nói riêng.
Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tăng cường bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội; làm cho mọi quân nhân quán triệt ngày càng sâu sắc hơn chủ trương, đường lối, quan điểm và tư duy mới của Đảng về sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam, không những tổ chức ra Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn lãnh đạo, rèn luyện và xây dựng quân đội thực sự là đội quân cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân; có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội nhân dân; qua đó, Đảng nắm chắc quân đội, lãnh đạo quân đội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ba là, tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao để lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào quân đội cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; củng cố và phát triển mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân. Chủ động, nhạy bén đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, “phi chính trị hoá quân đội”. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt, các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 747-CT/QUTW, ngày 23-7- 2019, của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó chính là tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng bộ Quân đội trong thực hiện lời căn dặn của Bác: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm Đại hội thành công thật tốt đẹp”(12).
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội gắn với tăng cường vai trò, hiệu lực tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng quân đội nhân dân. Đây là giải pháp quan trọng và cũng là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay. Cơ chế lãnh đạo là cách thức tổ chức và các chế độ quy định để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Cơ chế đó cần được thường xuyên bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong từng thời kỳ. Đảng định ra đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức bộ máy quản lý, điều hành của Nhà nước; lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng quân đội thành luật pháp, kế hoạch tổng thể về xây dựng quân đội và tổ chức chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện trong phạm vi cả nước, ở các cấp, các ngành và địa phương. Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng quân đội trong Hiến pháp và các luật, pháp lệnh, nghị định... tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Bản chất của luận điệu đòi “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch không có gì khác hơn là làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, xa rời mục tiêu lý tưởng chiến đấu, bị tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng, bị vô hiệu hóa. Thực tiễn những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, các thế lực thù địch đã từng thành công với âm mưu, thủ đoạn này ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Đặc biệt, trong không khí phấn khởi, tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch lại điên cuồng đòi Đảng ta từ bỏ sự lãnh đạo đối với quân đội nhiều “như nấm độc mọc sau mưa”. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục để đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân thấy rõ sự nguy hiểm của âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên chẳng những là làm theo lời Bác Hồ dạy mà còn nhằm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới. Qua đó, bảo đảm cho quân đội thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới để xứng đáng với lời dạy của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(13)./.
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 41, tr.14
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 38, tr. 513
(3) M.N. Ti-mô-phê-ê-trép: Chế độ một trưởng trong các lực lượng vũ trang Xô-viết, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1982, tr. 13
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 39, tr. 66
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr.1
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 14, tr. 435
(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 8, tr. 29, 352
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 365
(10), (11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 12, tr. 420, 420, 545
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 14, tr. 435

3 nhận xét:

  1. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng trở thành nhân tố quyết định đối với sự trưởng thành, phát triển của quân đội ta. Thực tế Quân đội đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và xây dựng Quân đội ngày càng hùng mạnh.

    Trả lờiXóa
  2. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn là ngọn cờ dẫn dắt, lãnh đạo đất nước ta trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN, vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

    Trả lờiXóa
  3. Quân đội là lực lượng nòng cốt để bảo vệ sự bình yên của đất nước; do đó phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

    Trả lờiXóa