Social Icons

Pages

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Hồ Chí Minh và tầm nhìn vượt thời gian trong bức thư ngắn

Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku tổ chức ngày 19 tháng 4 năm 1946. Hơn 1.000 đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng Nam Trung Bộ tập trung về ngôi nhà sàn trong khu vực Ủy ban hành chính tỉnh Pleiku tham dự. Thư Bác gửi Đại hội được đọc trang trọng trong phiên khai mạc đã gây niềm xúc động lớn lao trong các đại biểu.
Nhìn lại thời điểm ra đời của bức thư, có thể thấy tầm nhìn vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM).
Các nhà sử học gọi đó là thời điểm “trứng nước”, “ngàn cân treo sợi tóc” của nhà nước cách mạng Việt Nam non trẻ với bao khó khăn, thách thức, bộn bề bộn bề công việc, trong đó, khẩn trương, cấp bách nhất là diệt “giặc đói”, “giặc dốt”; đối phó với thù trong, giặc ngoài là bọn phản động trong nước và thực dân Pháp đang ráo riết thực hiện dã tâm làm sụp đổ nhà nước cách mạng non trẻ và trở lại nô dịch nước ta một lần nữa.
Trong bối cảnh cam go đó, Chủ tịch HCM vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam.
Sự quan tâm đó xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, tình cảm sâu nặng của HCM – người luôn đặt mục tiêu cao nhất của cuộc đời mình là độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào.
Thứ hai, HCM, với kinh nghiệm dày dạn, thực tiễn phong phú của một nhà cách mạng chuyên nghiệp và sự hiểu biết sâu sắc truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc luôn nhận thức rõ vai trò cực kỳ quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và thống nhất đất nước.
Đồng thời, Người cũng hiểu rõ vị trí chiến lược của địa bàn Tây Nguyên. Vị trí chiến lược đó càng quan trọng hơn trong thời điểm Thực dân Pháp ngày càng tăng cường gây hấn, khiêu khích ta ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ; bọn phản động trong nước ra sức kích động, lợi dụng sự cả tin của đồng bào các dân tộc thiểu số để chia rẽ tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam, phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại sự thống nhất Tổ quốc.
Gửi thư cho đồng bào trong cương vị là Chủ tịch nước, nhưng trong thư, Hồ Chí Minh dùng từ “chúng ta”. Nghĩa là Người đặt mình ngang hàng, bình đẳng một cách chân thành với đối tượng tiếp nhận thư là đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam (Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau/ Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta/ Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta).
Tần xuất từ “chúng ta” là 13 lần trong một bức thư ngắn 291 chữ, bắt đầu từ khổ thứ tư đến khổ thứ chín trong bức thư nói lên rằng, HCM, về mặt tư tưởng luôn nhận thức rõ và hết sức coi trọng bình đẳng giữa các dân tộc. Người hiểu, đó là cơ sở, là tiền đề để các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam tập hợp thành khối đại đoàn kết, thống nhất.
Đó đồng thời cũng là sự khẳng định lại một lần nữa tinh thần bình đẳng mà người đã long trọng đọc và cam kết trước toàn thể quốc dân đồng bào ngày 2/9, trong Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Cùng trong những dòng chữ đó, người thấu hiểu và vạch trần tim đen kẻ thù “xui giục để chia rẽ” và nhấn mạnh, kêu gọi đồng bào ta cảnh giác.
Cũng vì thế, từ tháng 3-1946, theo chỉ đạo của Chủ tịch HCM, Ban vận động quốc dân thiểu số Tây Nam Trung Bộ đã được thành lập (tiếp đó, tháng 6-1946, Phân ban quốc dân thiểu số miền Nam Trung Bộ ra đời), góp phần quan trọng vào công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam ủng hộ, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ...
Như vậy, có thể khẳng định, việc Chủ tịch HCM gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku xa xôi vào ngày 19-4-1946, một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư tưởng nhất quán, sự bén của Người về vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số, về vấn đề dân tộc cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân trong một thời điểm cực kỳ quan trọng, khó khăn của cách mạng.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chĩ Minh

    Trả lờiXóa
  2. Bác Hồ luôn đặt mục tiêu cao nhất của cuộc đời mình là độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào.

    Trả lờiXóa