Social Icons

Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Bóc trần chiêu trò lợi dụng “dân chủ” thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá Đảng, Nhà nước ta

Tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch ra sức chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận bằng các quan điểm sai trái, thù địch; trong đó, tập trung đòi Việt Nam phải thực thi thứ “dân chủ” của họ. Đặc biệt, trong dịp chúng ta chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch lại càng chống phá quyết liệt hơn. Vậy đằng sau chiêu bài “dân chủ” mà các thế lực thù địch rêu rao là gì?
Đằng sau luận điệu đòi “dân chủ” ở Việt Nam hiện nay?
Cách đây 30 năm, trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô đứng trên bờ vực của sự đổ vỡ, ngày 18-12-1990, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ L.I.Gơn-bơ-giơ đã không úp mở, đặt ra bốn điều kiện về “dân chủ hóa” để họ viện trợ kinh tế cho các nước xã hội chủ nghĩa: 1- Tiến tới đa nguyên chính trị, chấm dứt sự độc quyền của Đảng Cộng sản; 2- Làm xuất hiện kinh tế thị trường, một khu vực kinh tế tư nhân quan trọng; 3- Tăng cường việc tôn trọng quyền con người ở các nước này; 4- Mỗi nước này có thái độ sẵn sàng xây dựng quan hệ hữu nghị với Mỹ. Tiếp đó, ngày 11-7-1995, trong tuyên bố Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Tổng thống B. Clin-tơn khẳng định, việc bình thường hóa và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam “sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam như đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây”. Nhất quán và tiếp tục theo đuổi lộ trình về thúc đẩy “dân chủ hóa”, “tự do hóa” trong chiến lược “diễn biến hoà bình” đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó Việt Nam là một trọng điểm, các thế lực thù địch triệt để sử dụng chiêu bài “dân chủ” để phá hoại sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, áp đặt “dân chủ”, “tự do” theo tiêu chí của phương Tây, âm mưu đưa Việt Nam từng bước theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch tung ra nhiều luận điệu đòi thực thi cái gọi là “dân chủ”, “tự do”. Trước hết, họ tung hô, cổ súy nhiều nhất, quyết liệt nhất là việc đòi Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để “có dân chủ và phát triển”. Họ cho rằng, “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”; “Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ thực sự”; “muốn thực sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện đa nguyên, đa đảng... Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “không chịu đổi mới về chính trị” và đưa ra quan niệm sai lầm khi đồng nhất giữa “đa nguyên, đa đảng” với “đổi mới chính trị” Họ quy kết hàm hồ rằng: “Độc tài, đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại” và đưa ra “lời khuyên” rằng, “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Các thế lực thù địch đòi Việt Nam phải xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bởi họ cho rằng, “sự độc đảng này được xác định trong Điều 4 Hiến pháp hiện hành khiến nhà cầm quyền không hề có cạnh tranh và không sợ bị thay thế”, do đó mà không có “dân chủ”.
Cùng với tập trung đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ quyền lãnh đạo cách mạng, các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài “dân chủ” với mưu toan xóa bỏ chế độ chính trị hiện hành, đưa đất nước theo mô hình dân chủ tư sản. Họ vu khống rằng, “thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là toàn trị”, “độc đoán”; “duy trì quyền lực chính trị bằng các công cụ, như cảnh sát, thực hiện bắt bớ, đàn áp những người không ủng hộ Nhà nước, ngăn cấm tự do thông tin, tự do hội họp, tự do báo chí, ngôn luận...”, vì thế mà không có “dân chủ”. Theo đó, các thế lực thù địch đòi “Việt Nam hiện nay phải chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”, mà “dân chủ” phải bảo đảm được ba yếu tố: Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; bầu cử tự do; tư pháp độc lập, trong đó yếu tố đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là quyết định nhất.
Không chỉ dừng lại ở những luận điệu xảo trá nêu trên, các thế lực thù địch còn thổi phồng những sai lầm, thiếu sót về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng trong quá khứ, đặc biệt là trên lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý - xã hội; đồng thời, ra sức lợi dụng khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật để nâng hiện tượng cá biệt thành bản chất, bôi đen chế độ, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới và minh chứng cho sự cần thiết “chấm dứt vai trò lịch sử của Đảng”, rằng như thế mới có “dân chủ” và “phát triển”. Trắng trợn hơn, các thế lực thù địch ra sức hậu thuẫn cho xây dựng các lực lượng phản động, như cái gọi là “Đảng Việt tân”, “Đảng Dân chủ tự do Thiên Chúa giáo”, “Đảng Dân chủ tự do Phật giáo”..., mưu toan hình thành lực lượng đối lập để từng bước thực thi thứ “dân chủ” của họ trong xã hội Việt Nam.
Sử dụng chiêu bài “dân chủ”, các thế lực thù địch ra sức cổ xúy những phần tử cơ hội về chính trị ở trong nước, các tổ chức nước ngoài thù địch với Việt Nam ra sức công kích Đảng và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, qua đó để “cấy” vào trong đời sống xã hội Việt Nam tư tưởng tự do, dân chủ tư sản, hòng tạo dựng mầm mống thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang quỹ đạo dân chủ tư sản. Họ luôn gắn vấn đề “dân chủ” với vấn đề “tôn giáo”, “dân tộc”, “nhân quyền”, vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trong thực hiện chính sách đối với các tôn giáo và các dân tộc thiểu số; trắng trợn xuyên tạc Việt Nam đàn áp tôn giáo và dân tộc thiểu số. Cũng bằng chiêu bài “dân chủ”, các thế lực thù địch ra sức chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mâu thuẫn, kích động hận thù giữa các dân tộc, các tôn giáo, tạo ra những bức xúc trong xã hội, hoài nghi trong dư luận, chia rẽ quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình khiếu kiện, các “điểm nóng”, nhất là vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) để phát tán các tài liệu tuyên truyền tư tưởng tự do, dân chủ tư sản, vu khống, công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ; từ đó, hướng vào đòi xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang xây dựng; gieo rắc tư tưởng dân chủ tư sản trong đời sống xã hội.
Như vậy, có thể thấy, các thế lực thù địch đã sử dụng chiêu bài “dân chủ” làm khâu đột phá trong chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá Việt Nam. Đằng sau tất cả những luận điệu tuyên truyền, hoạt động cả trực diện và không trực diện, đều hướng vào đòi thực thi thứ “dân chủ” ấy; trong đó, mục tiêu hàng đầu và mấu chốt của các thế lực thù địch là đòi thực hiện chế độ đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo, tiến tới loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi tiến trình phát triển của dân tộc. Đây chính là mưu đồ hết sức thâm độc, nham hiểm và trắng trợn của các thế lực thù địch.
Không thể chấp nhận cái gọi là “dân chủ” của các thế lực thù địch
Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn cho phép chúng ta khẳng định dứt khoát rằng, ở nước ta không cần và không thể chấp nhận thứ “dân chủ” mà các thế lực thù địch đang muốn áp đặt vào Việt Nam.
Trên phương diện lý luận, chúng ta đều biết, dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi có nhà nước và mỗi nền dân chủ phải gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật quy định. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh rằng, dân chủ xuất hiện và phát triển với tính chất là sản phẩm trực tiếp của đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội, giải phóng loài người. Trong xã hội có giai cấp, tuyệt đối không thể có thứ dân chủ chung chung, phi giai cấp. Dân chủ tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và trình độ dân trí trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Về điều này, C. Mác đã chỉ rõ: “Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”(1). Theo V.I. Lê-nin, điều cốt tử nhất khi bàn đến vấn đề dân chủ là phải trả lời được câu hỏi, dân chủ của ai, cho ai và vì ai? Tự do cho ai và vì ai? Bởi vì, trong xã hội có giai cấp, dân chủ, tự do đối với bọn bóc lột có nghĩa là để áp bức những người bị bóc lột.
Từ lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, nền dân chủ tư sản là một nấc thang đánh dấu sự phát triển đáng kể của dân chủ, nhưng toàn bộ thiết chế của nền dân chủ tư sản, từ việc tổ chức nhà nước đến các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện đều chỉ nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản, bảo vệ quyền sở hữu, lợi ích của giai cấp tư sản, truyền bá tư tưởng tư sản chống lại tư tưởng tự do, dân chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Theo V.I. Lê-nin, nền dân chủ tư sản là nền dân chủ của một thiểu số những kẻ giàu có, dân chủ của giai cấp tư sản, do giai cấp tư sản, vì giai cấp tư sản chứ không phải dân chủ cho đa số nhân dân lao động. Còn dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự thay thế dân chủ tư sản trong nấc thang phát triển cao hơn của xã hội loài người tuân theo quy luật khách quan. Đó là nền dân chủ “gấp triệu lần” dân chủ tư sản. Bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa thể hiện trên các phương diện chủ yếu: 1- Là nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, thể hiện ở việc bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân lao động; 2- Dân chủ xã hội chủ nghĩa thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do được bảo đảm về mặt pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; 3- Dân chủ xã hội chủ nghĩa có nội dung toàn diện, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ý thức - tư tưởng, trong đó nổi bật là sự tham gia một cách bình đẳng và ngày càng rộng rãi của những người lao động vào công việc quản lý nhà nước và xã hội thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Tiêu chí cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhân dân là chủ và làm chủ.
Xét từ bản chất của dân chủ tư sản - thứ “dân chủ” mà các thế lực thù địch đang muốn áp đặt vào Việt Nam và tính ưu việt của dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì việc lựa chọn tất yếu ở Việt Nam là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam hiện nay không cần và không chấp nhận dân chủ tư sản.
Trên phương diện thực tiễn, dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Chúng ta đã và đang hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quan điểm cho rằng, phải có đa đảng mới “có dân chủ và phát triển” là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với mất dân chủ, kém phát triển và kém dân chủ; dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng. Trên thế giới hiện nay, có không ít nước đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là những nước nghèo, kém phát triển nhất; ngược lại, có những nước chỉ có một đảng lãnh đạo, nhưng dân chủ được bảo đảm, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân sung túc. Điều đó minh chứng rằng, đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho dân chủ và sự phát triển. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn”(2).
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc ra sức hy sinh, phấn đấu cho nền dân chủ cao đẹp nhất mà loài người từ xưa đến nay khát khao vươn tới - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chín mươi năm qua, với tư cách một đảng mác-xít chân chính, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Cũng từ lịch sử nhân loại cho thấy một thực tế đau xót đối với cách mạng thế giới, đó là sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu vào những năm 1989 - 1991. Đặc biệt, ở Liên Xô, dưới tác động của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong đó có chiêu bài “dân chủ”, cùng sự phản bội của một số lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã dẫn tới hậu quả: Đại hội bất thường của các đại biểu nhân dân, ngày 15-3-1990 quyết định xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên Xô về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Bắt đầu từ điểm mốc này đã hình thành chế độ đa đảng ở Liên Xô với vô số tổ chức, đảng phái chính trị “mọc lên như nấm”, trở thành các lực lượng chính trị đối lập, cạnh tranh với Đảng Cộng sản Liên Xô, để rồi dẫn tới một kết cục bi thảm: Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo đất nước.
Các lập luận cổ vũ cho chế độ đa đảng ở Việt Nam thường lấy khuôn mẫu các nước tư bản phương Tây làm ví dụ minh chứng mà không hề quan tâm đến đặc điểm lịch sử - văn hóa, trình độ phát triển, tương quan lực lượng chính trị trong xã hội. Một số người do thiếu hiểu biết nên ít nhiều đã bị tiêm nhiễm bởi những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lầm tưởng cứ có nhiều đảng cạnh tranh thì sẽ dân chủ hơn, xã hội phát triển hơn. Hãy nhìn sang một số nước tư bản hiện nay, nhất là nước Mỹ với sự tồn tại của 112 đảng, nhưng chỉ có hai đảng (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa) thay nhau cầm quyền. Tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập, nhưng xét về bản chất chỉ là một đảng - đảng của giai cấp tư sản. Vì thế, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa nắm quyền thì cũng đều là đảng của giai cấp tư sản, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản; dân chủ ở Mỹ không phải thứ gì khác ngoài nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho thiểu số người giàu có trong xã hội. Điều này cũng dễ hiểu, tại sao ở Mỹ, bên cạnh một xã hội với thiểu số những người có cuộc sống xa hoa, hào nhoáng thì vẫn còn tồn tại một xã hội hoàn toàn đối lập, gồm hàng chục triệu người đang phải sống trong sự bất công, thất nghiệp, đói nghèo, bệnh tật và không được là chủ, làm chủ,... Chính người Mỹ - Giáo sư Trường Đại học In-đi-a-na, Pôn Mi-slơ (Paul Mishler) đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng này: Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học,... đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra; nước Mỹ tự xưng là đa đảng, nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản(3), cho dù là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ.
Như vậy, thực chất luận điệu cốt yếu nhất “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” để chuyển từ chế độ “toàn trị” sang “dân chủ”, để có “dân chủ và phát triển” là mang tính chất mị dân, phản động, hết sức nguy hiểm, bởi rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người có nhận thức hạn chế; từ đó, có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi, phân tâm trong xã hội; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những luận điệu này hướng vào xóa bỏ, gây nên những khó khăn nhất định trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đe dọa mất ổn định chính trị - xã hội gây mầm cho mâu thuẫn và xung đột xã hội chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Mục tiêu của các thế lực thù địch khi cổ xúy cho cái gọi là “dân chủ” là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ thành quả cách mạng, hướng lái đất nước theo nền dân chủ tư sản, tước đi quyền làm chủ của nhân dân đã giành được bằng xương máu của nhiều thế hệ. Để không xảy ra những hậu quả tai hại đó, thì ở Việt Nam hiện nay nhất thiết không cần và không thể chấp nhận cái gọi là “dân chủ” mà các thế lực thù địch thường xuyên rêu rao, kích động!

2 nhận xét:

  1. các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá đất nước, vì vậy chúng ta phải cảnh giác

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa