*CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH- LÀ CỐT LÕI ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khái quát: "Bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính-là cốt lõi đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đạo đức ấy của Bác là “tinh hoa của dân tộc”, là “lương tâm của thời đại”. Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác là điển hình của sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và lối sống, suốt đời vì nước vì dân". Cũng về điều này, đồng chí Trường Chinh trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, số 8, ngày 13-5-1951 viết: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đó là đại cương đạo đức của Hồ Chủ tịch, mà toàn dân ta, trước hết đồng chí chúng ta cần phải học tập và thực hành".
Chủ tịch Hồ Chí Minh là gương sáng, là hiện thân của đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”. Thực hành tiết kiệm; giữ liêm khiết, trong sạch trở thành phong cách riêng của Người ở mọi lúc, mọi nơi. Người sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác. Đời sống của Người thanh cao và giản dị, trọn đời vì nước, vì dân "giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khổ không thể lay chuyển, uy lực không thể khuất phục", bởi vì Người trước sau một lòng "trung với nước, hiếu với dân", là vì Người luôn nêu gương "chí công vô tư", cả đời gương mẫu thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
Tại sao cán bộ, nhân dân, mọi tầng lớp trong xã hội lại phải cần, kiệm, liêm, chính? Bác dạy rằng: Muốn giàu có thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình cho đến cả nước phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, kết quả sẽ là những thứ gì cũng sẽ đầy đủ, dư dật. Cần tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ là công tác gì. Kiệm tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình và của dân. Liêm tức là không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân. Chính tức là việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh. 4 điều này luôn phải đi liền với nhau và khái quát ở tầm cao là sự chí công vô tư. Suy rộng ra, đã là người cán bộ thì làm việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã... có khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau.
Những cán bộ nào không làm được như vậy, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi ích của tập thể, thấy vật chất muốn hưởng thụ, có công việc không dám xung phong, cán bộ đó ắt đã biến chất. Từ sự biến chất ấy sẽ đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, tham ô, lãng phí... và như vậy, chủ nghĩa cá nhân chính là kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của cần, kiệm, liêm, chính.
*NGƯỜI CÁN BỘ CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH THÌ TÀI NĂNG THÊM PHÁT TRIỂN
Có thể thấy rõ việc Bác dạy cán bộ, đảng viên và Bác gương mẫu thực hành cần, kiệm, liêm, chính là Bác muốn rèn luyện đạo đức cho mỗi người cán bộ. “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Mà cái gốc của người cán bộ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng" đã chỉ rõ: "Người cán bộ phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc". Nhìn rộng ra, người cán bộ có đức thì nhất định phải là người cán bộ cần, kiệm, liêm, chính; và người cán bộ cần, kiệm, liêm, chính là người cán bộ có đạo đức. Người cán bộ có đức sẽ làm cho tài năng thêm phát triển, bởi người thực sự có đức bao giờ cũng khiêm tốn, chịu khó học tập, phấn đấu nâng cao tài năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho.
Điều này phù hợp với định hướng của Đảng ta về công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Khi đề cập đến công tác cán bộ, theo nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Trong tình hình mới có nhiều thay đổi, công tác rèn luyện cán bộ của chúng ta còn nhiều sơ hở, liên quan tới cả cán bộ cấp cao, có cả cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, bộ trưởng... Để đào tạo được đội ngũ cán bộ chiến lược mẫu mực, cần cả "tâm" và "tầm". Tâm và tầm thực chất chính là đạo đức và tài năng. Càng là cán bộ cấp cao thì càng đòi hỏi cao hơn về hai yếu tố này. Bởi vì, người cán bộ cấp cao, cán bộ chiến lược điều cần nhất là sự trong sạch (trong sạch ắt phải là người cần, kiệm, liêm, chính), vì không trong sạch thì không thể nói được ai, chỉ đạo được cái gì. Còn tài năng chính là việc nhìn xa trông rộng. Cán bộ chiến lược khác người thường ở chỗ, người thường chỉ nhìn cái cụ thể, còn cán bộ chiến lược phải có hiểu biết rộng, từ đó đề ra những quyết sách mang tính chiến lược của quốc gia.
Như vậy có thể thấy, tư tưởng của Bác về cần, kiệm, liêm, chính không chỉ dừng ở những chi tiết cụ thể, mà từ những điều cụ thể ấy, nó bao hàm ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều, đó là tương lai, là sinh mệnh của đất nước. Điều ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhân văn và tính thời sự, có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân.
Cần, kiệm, liêm, chính thời nào cũng vậy, đó là sự chăm chỉ, khoa học, có tính toán cẩn thận để sao cho tiết kiệm sức người, sức của, tiết kiệm thời gian... mà năng suất lao động, hiệu quả cao. Đi ngược lại là lãng phí vật tư, thời gian, tiền bạc của nhân dân, của đất nước mà công việc không hoàn thành, làm nghèo đất nước, kìm hãm sự phát triển của xã hội và gây bất bình trong nhân dân. Còn về liêm, chính, Bác dạy rằng, cán bộ đương nhiên là có quyền, nếu có quyền mà lợi dụng để tham ô, đục khoét thì làm sao mà lãnh đạo cơ quan, làm sao mà nói để dân tin được. Cán bộ thời nào cũng thế, nếu không giữ được mình trong sạch, sa vào hưởng thụ, tham lam là có tội với nước, với dân. Vì thế, với người cán bộ của Đảng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận, nghĩa vụ, trước hết là nghĩa vụ của mỗi công dân; không chỉ tạo nên giá trị chân chính cho mỗi người mà còn hun đúc nên giá trị cao quý cho cả một dân tộc, một quốc gia.
Ngày nay, cần, kiệm, liêm, chính được phát triển lên tầm cao mới, đi vào đời sống thực tiễn sẽ có vai trò, tác dụng và ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo nên thương hiệu một quốc gia. Có thể lấy ví dụ về những thương hiệu quốc tế về cần, kiệm, liêm, chính, như: Nước Đức được mệnh danh là đất nước của những công dân cần cù, khoa học, chính xác; Singapore nổi tiếng với nền hành chính sạch, quan chức liêm khiết; Nhật Bản nổi tiếng với sự tiết kiệm, sáng tạo... Nhìn ra thế giới mới thấy những lời Bác dạy vẹn nguyên tính thời sự: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
*CHỈ CÓ TRONG SẠCH THÌ ĐẢNG MỚI VỮNG MẠNH
Trong bối cảnh đất nước và quốc tế hiện nay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính càng đặc biệt đúng trong công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trước nguy cơ không ít cán bộ sa vào ăn chơi, hưởng thụ quá sức lao động, quan liêu, tham nhũng... Và để thỏa mãn những ham muốn thấp hèn của bản thân, họ đã tìm mọi cách để đục khoét ngân sách nhà nước. Những đại án nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đang để lại hậu quả mà phải mất rất nhiều năm để khắc phục, nhưng nỗi đau về niềm tin mà nhân dân dành cho Đảng thì phải rất lâu, rất khó để lấy lại.
Xác định rõ nguy cơ này, từ Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đến Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Trong bối cảnh có biến động rất đáng lo ngại về mặt đạo đức, lối sống và nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên, mới thấy thấm thía hết ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn lao trong việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực tiễn đã chỉ ra, một xã hội muốn phát triển tất yếu phải chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời phải giáo dục mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Việc tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết. Như lời Bác dạy, cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính quan trọng của con người, giống như trời có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông; đất có 4 phương đông-tây-nam-bắc... Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người. Điều này được Bác nhắc lại trong bản Di chúc bất hủ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...”.
Giai đoạn phát triển nào của đất nước cũng cần phải cần, kiệm, liêm chính; tư tưởng đó đã được Bác Hồ đúc kết và truyền lại cho thế hệ sau này; chúng ta phải học tập và làm theo
Trả lờiXóaMột xã hội muốn phát triển tất yếu phải chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời phải giáo dục mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trả lờiXóa