Ngày 16-7-1920, báo Nhân đạo của đảng Xã hội Pháp đã đăng Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đọc Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc sung sướng vô cùng. “Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Luận cương của Lênin là niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho Người trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Từ đây, cách mạng Việt Nam đi theo con đường của Người đã chọn - con đường cách mạng giải phóng dân tộc gắn với giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh mẽ đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Đây là bước ngoặt lịch sử vĩ đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc ta. Có Đảng lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân mà nòng cốt là liên minh công - nông đã làm nên cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Những thắng lợi đầu tiên sau ngày thành lập Đảng có ý nghĩ vô cùng to lớn, tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng, tạo đà và kinh nghiệm để nhân dân ta tiếp tục tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Mùa Xuân năm 1941, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác quyết định trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941). Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới một cách khách quan và khoa học, Người quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Sau Hội nghị Trung ương 8, khí thế cách mạng trào dâng khắp mọi miền Tổ quốc. Cuối năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay được thành lập, đây là bước ngoặt lớn trong tiến trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng. Giữa tháng 8-1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Bác triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến 15-8-1945, tại Tân Trào (Tuyên Quang) để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, đất nước ta lại bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây và chống phá quyết liệt. Trước sức mạnh của kẻ thù, “vận nước như ngàn cân treo sợi tóc”, thay mặt Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 9 năm kháng chiến trường kỳ với ý chí, niềm tin của cả dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến thành sức mạnh to lớn, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Gèneve, rút hết quân về nước, hòa bình được lập lại, miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH.
Ngay sau cuộc trường chinh chống thực dân Pháp vừa kết thúc, dân tộc ta lại phải đương đầu với đế quốc Mỹ xâm lược. Thay chân Pháp, đế quốc Mỹ lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với âm mưu “đắp con đê ngăn làn sóng đỏ” đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước sức mạnh vượt trội của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa kêu gọi cả nước đứng lên chống Mỹ xâm lược, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Lời kêu gọi của Người đã cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để miền Bắc vững bước đi lên xây dựng CNXH làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những năm tháng cuối cuộc đời, trước lúc đi xa, Người đã trao niềm tin cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bằng những lời dặn dò tâm huyết qua bản Di chúc lịch sử. Người dặn Đảng ta, nhân dân ta: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng XHCN; là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh của những tinh hoa văn hóa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Thực tế diễn biến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm sau đó đã diễn ra đúng như nhận định của Người. Và mùa Xuân năm 1975, bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch mang tên Người - “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn mơ ước của Người.
Trung thành vô hạn với mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn, ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta đã vận dụng linh hoạt những quan điểm tư tưởng xây dựng đất nước trong điều kiện mới, từng bước đưa đất nước phát triển đi lên. Mơ ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” đang từng bước trở thành hiện thực.
Hồ Chí Minh không những để lại một sự nghiệp chính trị vẻ vang mà còn để lại một tấm gương sáng ngời về những phẩm chất và năng lực một nhà chính trị, một nhà cách mạng tượng trưng cho những gì cao quý, đẹp đẽ nhất về trí tuệ, tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Ở Hồ Chí Minh đã hội tụ phẩm chất và năng lực hiếm có của một kiểu lãnh tụ của nhân dân.
Trả lờiXóaTư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam
Trả lờiXóa