Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và thời cuộc cụ thể của cách mạng mỗi nước, xu thế phát triển của thời đại mà tính chất, mức độ và biểu hiện của các loại cơ hội thể hiện khác nhau, nhưng xét về tổng thể đều phương hại không nhỏ đến cách mạng vô sản và sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội của mỗi nước.
Ở Việt Nam, theo nhận thức của chúng tôi, các phần tử cơ hội, cơ hội chính trị chưa đủ lớn mạnh để trở thành trào lưu như một chủ nghĩa, nhưng sự xuất hiện cơ hội chính trị đang có xu hướng bùng phát và lan tỏa nhanh như hiện nay, rất cần phải được nhận diện đúng và có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ xin tiếp cận một số khía cạnh của cơ hội chính trị và những hệ lụy khôn lường của cơ hội chính trị ở nước ta.
Cơ hội chính trị - họ là ai?
Lâu nay, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thông thường tham nhũng được xác định là những người có chức có quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của các tổ chức và cá nhân để trục lợi phi pháp.
Với ý nghĩa ấy, người ta thường quy kết tham nhũng là căn bệnh của quan chức, nhưng thực tế cho thấy, tham nhũng không chỉ giới hạn ở những phần tử thoái hóa, biến chất trong nội bộ các tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội thuộc hệ thống chính trị, mà còn bao gồm cả những vị có chức sắc trong các tổ chức hội đoàn, đoàn thể bên ngoài hệ thống chính trị xã hội, nếu có các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của tổ chức và cá nhân khác.
Hiện nay, ở nước ta khi nói đến cơ hội chính trị và các phần tử cơ hội chính trị, thông thường cũng giới hạn cơ hội chính trị là tất cả những ai có quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ít nhiều có những đóng góp và công lao nhất định đối với cách mạng, nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng vì những điều kiện hoàn cảnh lịch sử khác nhau, lợi ích cá nhân của bản thân họ không được đáp ứng, họ tỏ ra bất mãn, bi quan, dao động, xuất hiện tư tưởng, quan điểm mơ hồ, lệch chuẩn.
Thậm chí nảy sinh cả tư tưởng chống đối, hoặc làm trái với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, ủng hộ và cổ xúy cho những quan điểm sai trái thù địch, ngấm ngầm hoặc công khai tiếp tay cho các tổ chức chính trị phản động nhằm thỏa mãn cái tôi ích kỷ và tham vọng của cá nhân...
Tiếp cận và nhìn nhận về cơ hội chính trị như nêu trên tuy rất đúng, trúng nhưng chưa đầy đủ, chưa bao quát được những biểu hiện rất đa dạng và các khuynh hướng phát triển của các phần tử cơ hội chính trị hiện nay.
Vì vậy, theo chúng tôi, nếu cơ hội là phạm trù rộng dùng để chỉ tất cả những kẻ vì bản thân mình mà tìm mọi cách thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh sống nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, bất chấp lợi ích của cộng đồng, của xã hội, lấy việc suy tôn lợi ích cá nhân làm lý tưởng và lẽ sống thì cơ hội chính trị phải là khái niệm dùng để chỉ tất cả những ai dù có hay không có địa vị nhưng sống xu thời, vụ lợi, nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, không có chính kiến, quan điểm rạch ròi, hoang mang dao động, dễ thỏa hiệp sẵn sàng thay đổi, luôn luôn biết cách khai thác và triệt để lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích cá nhân, bất chấp các hậu quả đối với xã hội.
Vì vậy đối tượng cơ hội chính trị không chỉ giới hạn ở những cán bộ lãnh đạo Đảng, nhà nước và các đoàn thể trong hệ thống chính trị bị tha hóa mà còn cả những phần tử chống đối, phản cách mạng đã từng bị xử lý nuôi tham vọng chờ cơ hội phục thù, những nhân sỹ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, văn nghệ sỹ, thậm chí có cả một bộ phận trí thức trẻ, có nguồn gốc xuất thân từ các thành phần xã hội phức tạp, thiếu tu dưỡng rèn luyện, nặng về hưởng thụ, lãng quên trách nhiệm với cộng đồng… Có thể khái quát cơ hội chính trị ở nước ta có một số nhóm nổi bật sau đây:
- Nhóm cơ hội chính trị đang là cán bộ công chức, viên chức, sỹ quan Quân đội, Công an, văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học,... hiện đang làm việc trong các cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đoàn thể... được nhà nước trả lương từ ngân sách.
- Nhóm thứ hai họ cũng là đối tượng nêu trên nhưng đã nghỉ hưu sống bằng lương hưu, thậm chí có người bỏ Đảng, bỏ chế độ hưu, sống tự do, công khai đối lập với Đảng, ra mặt công kích chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, lợi ích của xã hội...
- Nhóm thứ ba bao gồm các phần tử chống đối, bất mãn (có cả những người của hai nhóm trên); các đối tượng có hận thù với cách mạng, viên chức chế độ cũ đã bị cách mạng cải tạo, xử lý nhưng vẫn nuôi tham vọng phục thù, lợi dụng các yếu tố thời cuộc bất lợi, cấu kết với các thế lục thù địch tìm mọi cách kết nối thành hội, nhóm, manh nha hình thành các tổ chức phản động chống phá sự nghiệp cách mạng.
- Nhóm thứ tư là thủ lĩnh các dân tộc, bộ tộc ít người, các chức sắc tôn giáo có tư tưởng chính trị cực đoan, họ thường tìm cách triệt để khai thác các vấn đề chính trị xã hội trong nước, kết hợp móc nối, tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, tìm cách phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, mưu toan tạo phản, lật đổ chế độ, đưa tôn giáo vào chính trị và nuôi ý tưởng lập nhà nước riêng.
Tuy nhiên các nhóm cơ hội chính trị nói trên không phải lúc nào cũng đồng nhất, đồng thuận về mục đích, mục tiêu và phương thức hoạt động. Mỗi nhóm có cách tiếp cận riêng, có các hình thức tổ chức tập hợp lực lượng và phản kháng ở nhiều cấp độ khác nhau.
Một số biểu hiện cụ thể, tính chất và hệ lụy khôn lường của cơ hội chính trị hiện nay:
Cơ hội chính trị có nhiều cấp độ biểu hiện, có những người do hạn chế về nhận thức, thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin từ những kênh không chính thống, bị kẻ xấu lợi dụng, đứng trước các sự kiện phức tạp về chính trị xã hội thường tỏ ra dao động, thiếu tự chủ, mất niềm tin, mất phương hướng, hành động lệch chuẩn, gián tiếp tiếp tay cho các thế lực thù địch. Bộ phận khác do “công thần”, sống vụ lợi ích kỷ, thiếu tu dưỡng rèn luyện, khi lợi ích cá nhân không được đáp ứng, thể hiện và biểu lộ công khai quan điểm bất mãn. Họ thường nói và là trái với quan điểm của Đảng, gây xáo trộn và phân tâm trong xã hội, tạo môi trường xấu.
Tuy chưa câu kết móc nối với các phần tử cơ hội cực đoan, bọn phản động và các thế lực thù địch nhưng bộ phận này xét về cả trước mắt và lâu dài, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ rất bất lợi cho sự nghiệp chung.
Đáng chú ý là nhóm cơ hội chính trị cực đoan. Nhóm này thường bộc lộ công khai tư tưởng bất mãn, chống đối. Họ triệt để khai thác các khiếm khuyết của cơ chế, chính sách, lợi dụng những người có địa vị, uy tín cá nhân nhưng bất mãn hoặc đã từng bị xử lý, nhằm tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng, công kích chính diện vào chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của chế độ ta với động cơ và mục đích không lành mạnh, gieo rắc tâm trạng hoài nghi, tư tưởng bất mãn, chống đối, tạo hạ tầng xã hội bất lợi phục vụ cho mưu toan bạo loạn, lật đổ khi có đủ các điều kiện.
Nhóm đặc biệt nghiêm trọng là nhóm có khuynh hướng tạo phản. Nhóm này gồm các phần tử cơ hội chính trị cực đoan cộm cán. Họ thường là những nhân sỹ trí thức lớn, những cán bộ lãnh đạo cấp cao và tướng lĩnh Quân đội, Công an bất mãn, thủ lĩnh các dân tộc và tôn giáo ở những vùng đặc biệt nhạy cảm. Họ âm thầm nhen nhóm, tập hợp lực lượng, tạo dựng ngọn cờ tìm cách móc nối với các thế lực thù địch bên ngoài công khai chống phá cách mạng; đối lập với sự nghiệp của nhân dân, của Đảng.
Trong các nhóm nêu trên theo chúng tôi nguy hại hơn cả là những phần tử cơ hội chính trị đang đương chức. Bởi cơ hội chính trị đương chức gồm nhiều thành phần, nhiều cấp bậc chức vụ, nhiều độ tuổi và trình độ khác nhau. Có người có trình độ cao, chuyên môn sâu, hiểu biết và quan hệ rộng không chỉ ở trong nước mà cả ngoài nước. Không ít người do đảm nhận vị trí nhạy cảm nên có nhiều thông tin cơ mật cả tích cực và tiêu cực. Thậm chí là cả những bí mật quốc gia và các khiếm khuyết trong lãnh đạo điều hành của Đảng, chính phủ.
Do cơ hội, bất mãn, họ tìm cách khai thác các thông tin xấu. Đây là những đối tượng rất dễ bị các thế lực bên ngoài móc nối, lôi kéo. Vì thế, cơ hội và phản bội là rất gần nhau. Thực tiễn lịch sử chỉ rõ, trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước, chống thù trong bao giờ cũng là nhiệm vụ cực kỳ gian khó, kẻ thù bên trong luôn luôn là những kẻ vô hình. Giữ nước từ bên trong, củng cố sức mạnh bên trong là tiền đề vững chắc chống lại các thế lực từ bên ngoài.
Hiện nay, đất nước đang đứng trước những vận hội chưa từng có để đẩy mạnh hội nhập và phát triển sâu rộng. Chưa bao giờ chúng ta có được thế và lực tốt với nhiều ưu thế như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, chúng ta vẫn phải đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ.
Do xuất phát điểm thấp, trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế;… nên khoảng cách về năng xuất lao động, thu nhập bình quân đầu người và sức cạnh tranh của nền kinh tế giữa Việt Nam và các nước vẫn còn một khoảng cách.
Trong lúc đang phải tập trung giải quyết bài toán lớn về kinh tế, Việt Nam cũng đồng thời phải đối mặt với những mưu toan thâm độc và nham hiểm của các thế lực thù địch, mặt trái của kinh tế thị trường và sự suy thoái xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên. Đây được xem là “cơ hội vàng” để các phần tử cơ hội nói chung, cơ hội chính trị nói riêng bùng phát và lan tỏa mạnh mẽ.
Ngăn chặn và đẩy lùi cơ hội chính trị - Một số kiến nghị và đề xuất
“Diễn biến hòa bình” và cuộc đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình” giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ không thể tách rời với cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống các phần tử cơ hội chính trị. Đây phải được xem là một trong những nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa sống còn trong giai đoạn hiện nay. Để góp phần hoàn thành sứ mệnh trọng đại này, theo chúng tôi cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng yếu sau đây:
Thứ nhất: Cần có lộ trình, bước đi cụ thể và giải pháp hợp lý đẩy mạnh dân chủ hóa đời sống chính trị xã hội. Một mặt huy động năng lực trí tuệ và nguồn lực của cả xã hội, tập trung củng cố, nâng cấp và từng bước hoàn thiện những giá trị cốt lỗi nhất của chủ nghĩa xã hội, kiên quyết đấu tranh gìn giữ và bảo vệ sự nguyên vẹn của những giá trị đích thực ấy trước mọi mưu toan chống phá.
Mỗi chế độ chính trị đều có những giá trị tinh thần bất khả xâm phạm làm nền tảng cho sự tồn tại của chế độ. Mặt khác chúng ta cũng cần phải thừa nhận, trong quá trình phát triển, không có tiêu chuẩn nào là vĩnh cửu, tuyệt đối đúng. Mọi sự vật, hiện tượng vừa có tuyệt đối vừa tương đối. Tuyệt đối chính là sự tập hợp của nhiều cái tương đối.
Trong khuôn khổ của định hướng giá trị sống và luật pháp - nền tảng pháp lý cho sự tồn tại của xã hội, mọi công dân phải được thẳng thắn và công khai trình bày các chính kiến và quan điểm của mình. Được sống và theo đuổi các định hướng giá trị mà họ lựa chọn với điều kiện tuyệt đối không được làm phương hại đến lợi ích của người khác, lợi ích của xã hội và sự an nguy của chế độ. Nghĩa là phải thực sự tự do tư tưởng, tự do sáng tạo; theo đuổi đam mê, có các cơ hội được giãi bày quan điểm, chính kiến, không bị áp đặt, cưỡng chế dưới bất kỳ hình thức nào. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là sự nghiệp chính nghĩa – Giá trị đích thực mà công cuộc đổi mới đem đến sẽ có sức cảm hóa và thu phục mạnh mẽ.
Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài việc phục vụ vô điều kiện lợi ích của nhân dân. Đó là chân lý được thực tiễn kiểm nghiệm. Chúng ta sẵn sàng tiếp nhận đối thoại trên tinh thần cầu thị, xây dựng với tất cả mọi ý kiến nếu đó là các ý nghĩa không nhằm chống phá và lật đổ chế độ.
Thứ hai: Cần nhanh chống sàng lọc và sớm đưa ra khỏi bộ máy những phần tử cơ hội chính trị. Đây là những phần tử cực kỳ nguy hại. Do hoạt động lâu năm trong nội bộ ta, họ là người hiểu rất rõ ta mạnh yếu thế nào. Họ có kinh nghiệm giấu mình và đối phó với các cơ quan chức năng của ta. Đối với phần tử cốt cán, cực đoan, quá khích cần tạo điều kiện để các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân công khai vạch mặt chỉ rõ dã tâm đen tối của họ, xử lý nghiêm đúng người, đúng tội theo đúng quy định của pháp luật. Các phần tử cơ hội chính trị khác tùy thuộc vào vị trí đảm nhận, địa bàn công tác, hoàn cảnh và điều kiện sống cụ thể mà có các hình thức xử lý thích hợp. Những ai do thiếu hiểu biết, nhận thức chưa tới, dao động bất mãn, chúng ta kiên trì giáo dục thuyết phục. Những ai nhất thời bị kẻ xấu lôi kéo dụ dỗ, công khai bộc lộ thái độ, công thần, ra mặt chống phá chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, nói và làm thiếu nhất quán... chúng ta cũng vẫn phải bằng tin thần nhân văn cộng sản, tìm mọi giải pháp hợp lý, lấy thu phục cảm hóa là chính, giúp họ nhận ra sai lầm, tìm đường trở về lại với chính nghĩa.
Nói chung, xử lý các phần tử cơ hội chính trị rất cần thấu triệt tư duy biện chứng, lấy khoan hồng hòa hiếu làm trọng tâm và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Nghiêm trị đúng người đúng tội cũng là cách để cảnh tỉnh, cảnh báo răn đe nhằm thu phục cảm hóa, lôi kéo những người lầm lối trở về. Loại trừ những kẻ cực đoan chọn con đường đối lập “một mất một còn”, bộ phận còn lại vẫn phải lấy vị tha làm phương thức thu phục cảm hóa. Đó là tinh thần lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, thu hẹp bất đồng, phấn đấu vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba: Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, bố trí sử dụng hợp lý cán bộ trong điều kiện mới. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong tổ hợp nguyên nhân làm xuất hiện và nảy sinh các phần tử cơ hội chính trị, không loại trừ có nguyên nhân từ những bất cập của công tác tuyển chọn, bố trí không hợp lý cán bộ.
Tình trạng bất công, bất bình đẳng và thiên vị trong công tác cán bộ theo kiểu “cả họ làm quan”, “nhất thân nhì quen”... thời gian qua đã làm xuất hiện và nảy sinh tâm trạng bất mãn, tích lũy lâu dần dẫn đến thái độ chống đối. Nếu không kiên quyết khắc phục về cả trước mắt và lâu dài, đây vẫn là điểm nghẽn rất nguy hại.
Nhiều cán bộ thực sự có năng lực nhưng vì nhiều nguyên nhân, họ không được bố trí sử dụng hợp lý, thậm chí còn bị thải loại trong việc tái bố trí cán bộ. Công tâm, công bằng, khách quan dựa trên những tiêu chuẩn đích thực khoa học và một số cơ chế kiểm tra, rà soát bố trí cán bộ đúng sẽ là giải pháp hiệu quả ngăn ngừa xu hướng xuất hiện và nảy sinh cơ hội chính trị.
Thứ tư: Đẩy mạnh và kiên trì giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng và tăng cường công tác quản lý giám sát cán bộ, đảng viên cả trong và ngoài hệ thống chính trị. Những phần tử cơ hội chính trị phần đông đều xuất phát từ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, đề cao và tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích tập thể và lợi ích xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy: Chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh nguy hại nhất làm tha hóa cán bộ.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, một khi lợi ích vật chất được lựa chọn làm thang giá trị sống của không ít cán bộ đảng viên thì vấn đề “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” phải trở thành nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đảng phải có trọng trách bảo đảm bằng cơ chế chính sách hợp lý để không một cán bộ đảng viên nào của Đảng được phép đặt lợi ích cá nhân mình trên lợi ích của Đảng, của đất nước. Cơ chế để thực thi trọng trách lớn lao này là phương thức góp phần ngăn chặn xu hướng phát triển của các phần tử cơ hội chính trị.
Thứ năm: Kiên trì thực hiện nhất quán chính sách tôn vinh và đãi ngộ thỏa đáng những người có công với cách mạng. Lâu nay, Đảng, nhà nước và nhân dân đã có rất nhiều nỗ lực làm tốt chính sách đối với người có công. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí có cả nguyên nhân từ phía những cơ quan có trách nhiệm, không ít những người có công bị lãng quên hoặc đãi ngộ không thỏa đáng. Bên cạnh đó, chính sách đối với cán bộ hưu trí, những người về hưu cũng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập chưa được khắc phục. Nhiều thắc mắc, khiếu kiện của những người về hưu liên quan đến chế độ chính sách của bản thân họ không được xử lý thỏa đáng. Thái độ của một bộ phận cán bộ trẻ tiếp xúc ứng xử giải quyết chế độ chính sách đối với người về hưu cũng chưa thật sự làm cho các cụ hài lòng. Đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đúng mức, ứng xử chân thành với đội ngũ cán bộ hưu trí, những người có công theo đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn cũng là một trong những giải pháp cần đặc biệt quan tâm.
Thứ sáu: Gắn cuộc đấu tranh ngăn chặn các phần tử cơ hội chính trị với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực thi triệt để nội quy kiểm soát về quyền lực, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên. Kiên quyết khắc phục khoảng cách giữa nói và làm. Thực tế cho thấy, tham nhũng là một kênh quan trọng làm cho cán bộ tha hóa, biến chất, một khi đã tha hóa biến chất họ sẽ là lực lượng bổ sung cho “đội quân cơ hội chính trị”. Cơ hội trong hoàn cảnh này dẫn đến phản bội là không có khoảng cách.
Cùng với tham nhũng, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống nghiêm trọng kéo dài, buông lỏng việc kiểm soát quyền lực cũng là những tác nhân tạo cớ cho sự nảy nở phát triển của các phần tử cơ hội chính trị. Đảng phải thật sự trong sạch, trong sạch của Đảng là nhân tố ngăn chặn có hiệu quả các khuynh hướng nảy sinh cơ hội chính trị.
Chúng tôi cho rằng giải pháp của mọi giải pháp là tập trung xây dựng Đảng. Cùng với đó là sự hoàn thiện cơ chế chính sách, sự đồng bộ giữa cơ chế và hệ thống pháp luật. Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật hiện đại và đồng bộ. Đội ngũ cán bộ đảng viên là những người gương mẫu và tiêu biểu. Đó sẽ thực sự là pháo đài bất khả chiến bại trong cuộc đấu tranh phòng chống và loại trừ các phần tử cơ hội chính trị ra khỏi đời sống chính trị xã hội hiện nay.
Hiện nay, chủ nghĩa cơ hội không còn biểu hiện đơn thuần là mâu thuẫn giữa hai luồng tư tưởng nữa, mà đã biến hóa muôn màu, muôn vẻ; hòa vào xã hội như một căn bệnh quái ác, dần dần ăn mòn lập trường, tư tưởng của người bị tiêm nhiễm nó. Bởi vậy, chúng ta phải đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.
Trả lờiXóaBạn nói rất chuẩn
Xóa