Hồ Chí Minh là con người của thời đại và con người của tương lai. Nhân dân thế giới có những tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người gắn bó với sự nghiệp đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam nhằm giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, bảo vệ độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân thế giới còn kính yêu Người bởi những cống hiến lớn lao của Người trong phong trào cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bởi do đạo đức và phẩm chất cao quý của Người, do những tình cảm cách mạng rộng lớn và dạt dào của Người đối với anh em và bạn bè khắp năm châu. Và đặc biệt cả cuộc đời của Người là một tấm gương mẫu mực về cuộc sống, chiến đấu của một chiến sĩ cách mạng, về đạo đức, tác phong của một con người - con người của thời đại và con người của tương lai.
TÌNH CẢM SÂU SẮC VÀ TRÂN TRỌNG
Người mất đi, có hơn 22.000 bức điện và thư từ của 121 nước gởi đến Hà Nội để chia buồn của các vị nguyên thủ quốc gia các nước, các đảng cộng sản và công nhân, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị và tôn giáo, các tổ chức dân chủ quốc tế, các nhân sĩ dân chủ và tiến bộ.
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được vào thời điểm trước 1990, trên thế giới có gần 50 di tích lưu niệm và những địa điểm mang tên Hồ Chí Minh hoặc ghi dấu hình ảnh của Người. Những di tích tiêu biểu mà chúng ta được biết là nhà số 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu - Trung Quốc, nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc (đồng chí Vương, Lý Thụy) mở lớp huấn luyện Quảng Châu; là nhà số 9 ngõ Công Poanh nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sống trong thời gian hoạt động ở Pháp từ 14-7-1921 đến 14-3-1923. Trước 1990, di tích này được chuyển vào bảo tàng lịch sử sống ở Môngtơrơi Pháp (khôi phục lại căn phòng đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sống). Đó là di tích gắn biển tại phòng số 176 khách sạn Lux, số 10 phố Trecxkaia, nay là khách sạn Xentơnaraia ở Matxcơva, nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc sống một thời gian khi từ Pháp sang Nga khoảng cuối 1923 đầu 1924. Đó là di tích ở khách sạn Tơrattôria Lapôsa, số 10 đường Pasupio ở Milan (Ý), là quán cơm đồng chí Nguyễn Ái Quốc thường ghé trong thời gian Người chuẩn bị rời cảng Napoli đi Xiêm (khoảng thời gian đầu tháng 6-1928)...
NHỮNG DẤU ẤN THỂ HIỆN TẤM LÒNG
Cùng với các di tích lưu niệm là các công trình phúc lợi công cộng, công trình văn hóa, tác phẩm nghệ thuật ghi dấu tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sơ bộ, chúng tôi được biết:
Ở Liên Xô (cũ) có 5 công trình mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: Một quảng trường Hồ Chí Minh (ở Matxcơva); trường đại học ở Ieccutxcơ; một tàu thủy ở Ôđetxa; một đầu máy xe lửa ở tỉnh Brianxco; một câu lạc bộ ở trường trung học số 107 thành phố Upha nước Cộng hòa tự trị Butxkiria. Ở Bungari có 3 công trình mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là: Một đại lộ ở thủ đô Sofia; một nhà máy quân sự ở thành phố Xtanke; một liên hợp nuôi dạy trẻ ở Sofia. Ở Nam Tư cũ có một phố xây dựng ở thủ đô Bêôgát mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Ba Lan có 4 công trình; Rumani, Mông Cổ, Ấn Độ v.v... đều có những công trình mang tên Người.
Đặc biệt ở thủ đô Paris (Pháp) có một bức tranh hoành tráng ngoài trời khổng lồ với tên gọi Những danh nhân làm nên thế kỷ XX ( Ils ont fait le XX siècle ) rộng 880 m2, nhìn ra sông Seine bên cạnh tháp Eiffel đã vẽ ghi lại 477 danh nhân làm nên thế kỷ với 208 nhân vật tên tuổi của Pháp và 269 các chính khách lỗi lạc quốc tế, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Bức tranh được vẽ từ 1988 do họa sĩ nổi tiếng người Pháp là Dominique Durand cùng với nhiều cộng sự đã làm việc hơn bốn tháng liền (cả ngày lẫn đêm), ước tính trên 3.000 giờ sáng tác. Trong bức tranh, chúng ta có thể nhận ra những tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng khác bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Pablo Picasso- danh họa người Tây Ban Nha (1881-1973), Albert Einstein- nhà bác học Đức (1879-1955), Charles De Gaulle- Tổng thống Pháp (1890-1970), Mao Trạch Đông- Chủ tịch nước CHND Trung Hoa (1893-1976), Pierre Curie (1859-1906) và Marie Curie (1867-1934)- vợ chồng nhà bác học Pháp, Georges Pompidou- Tổng thống Pháp (1911-1974), Winston Churchill- Thủ tướng Anh Quốc (1874-1965), Franklin Roosevelt- Tổng thống Hoa Kỳ (1882-1945), Mohandas Gandhi - Lãnh tụ Ấn Độ (1869-1948)...
Đến nay, chúng ta chưa biết có sự thay đổi nào về các di tích và các địa điểm trên hay không, nhưng tất cả những việc làm tốt đẹp của bạn bè khắp năm châu thời gian qua đã biểu hiện tất cả những tình cảm tốt đẹp sâu sắc và trân trọng đối với vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, đối với nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Hồ Chí Minh là con người của thời đại và con người của tương lai. Nhân dân thế giới có những tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người gắn bó với sự nghiệp đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam nhằm giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, bảo vệ độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trả lờiXóa