Social Icons

Pages

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Khát vọng thống nhất

Năm 2002, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” được xây dựng ở bờ nam sông Bến Hải. Tượng đài cao 24m được làm bằng chất liệu bê tông, bắn kẽm. Nhóm tượng gồm người phụ nữ cao 9¸10m; em gái nhỏ cao 5,5¸6,5m, làm bằng chất liệu đá xám granit. Tác giả của cụm tượng đài là nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Đình Quỳ - Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, người được Tổ chức kỷ lục Việt Nam vinh danh, trao tặng bằng xác lập kỷ lục “Nhà điêu khắc có nhiều tượng đài về chủ đề chiến tranh Cách mạng nhất Việt Nam”.
Lê Đình Quỳ hẳn phải suy nghĩ nhiều khi chọn cây dừa làm biểu tượng cho người dân miền Nam, trong ngột ngạt, o ép, đàn áp khốc liệt của kẻ thù vẫn một lòng thủy chung với cách mạng. Cùng với cây dừa, hình tượng người phụ nữ, ôm con gái nhỏ, ánh mắt thiết tha, khắc khoải hướng về miền Bắc bên kia cầu Hiền Lương. Bức tượng thể hiện một cách sinh động, đầy cảm xúc và hoành tráng về khát vọng thống nhất cháy bỏng của đồng bào miền Nam...
Không chỉ những ngày tháng Tư lịch sử, hằng ngày, nhiều người VN xuyên Việt, hoặc du khách, đã dừng chân tại đây để hồi nhớ về một thời chiến tranh khốc liệt mà địa điểm này là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt bi thương dằng dặc hơn 21 năm của dân tộc.
“Câu hò trên bến Hiền Lương” – ca khúc được nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết năm 1956 với ca từ da diết và lời hứa hẹn thủy chung: “...trong cơn bão tố/vững bền lòng son” thể hiện nỗi đau chia cắt nhưng không ngăn được niềm tin đất nước sẽ thống nhất của những người con miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve.
Sinh thời, từng có lần, từ bờ Bắc, ca sĩ Tân Nhân đã cất lên giai điệu bài “Xa Khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, gửi vào bờ Nam. Lời ca nồng nàn, bi thiết, lắng đọng của ca khúc bất hủ đó cũng có thể ví như một tượng đài về khát vọng thống nhất của cả dân tộc được dựng xây bằng giai điệu, sống mãi trong lòng triệu người dân miền Nam đang rên xiết dưới gót quân xâm lược và tay sai.
Thống nhất. Đó thật sự là ý chí của cả dân tộc VN, được hình thành, thể hiện và khẳng định trong suốt tiến trình lịch sử. Thống nhất – với người VN, điều đó luôn vang lên, tồn tại như một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Nó là cơ sở để lý giải, cắt nghĩa, hiểu thêm tại sao, văn hóa Việt lại hình thành truyền thuyết Hùng dựng nước, truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, bọc trăm trứng.
Khát vọng thống nhất của muôn dân - nhờ đó mà Đinh Tiên Hoàng dẹp được loạn 12 sứ quân. Khát vọng thống nhất – Nhờ đó mà nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng cả Chúa Nguyễn ở Đàng trong và Chúa Trịnh ở Đàng ngoài, kết thúc thời kỳ Trịnh –Nguyễn phân tranh kéo dài 100 năm, thu giang sơn về một mối.
Cũng chỉ có khát vọng thống nhất đất nước, nhân dân VN mới chiến thắng chủ nghĩa thực dân Pháp với âm mưu “chia để trị”, chia VN làm 3 xứ riêng lẻ: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ với ba chế độ khác biệt, hòng dễ bề cai trị.
Khi trở lại xâm lược VN lần thứ hai, thực dân Pháp, với âm mưu, thủ đoạn thâm độc cũ, bày ra cái gọi là “Nam kỳ tự trị” nhằm chia cắt, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta, thì ngày 31-5-1946 – một thời điểm cực kỳ nhạy cảm trong buổi trứng nước của nhà nước cách mạng - trước khi lên đường sang thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, đã nêu rõ quyết tâm kiên quyết bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc, khẳng định Nam Bộ là bộ phận hữu cơ của cả dân tộc Việt Nam: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”
Chân lý đó đã thật sự không thay đổi, cho dù các thế lực phản động, thù địch luôn muốn và tìm mọi cách để chống phá.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, lẽ ra khát vọng thống nhất của nhân dân VN đã đạt được nếu không có sự can thiệp của Mỹ, sự tráo trở của ngụy quyền miền Nam nhằm phá hoại Hiệp định Geneve với những việc làm và thủ đoạn đê hèn. Chúng ngăn cầu Hiền Lương; bầy trò “trưng cầu dân ý”, đưa Ngô Đình Diệm làm Tổng thống; ban hành hiến pháp của “Việt Nam Cộng hòa”, lê máy chém đi khắp miền Nam đàn áp những người cộng sản và yêu nước...
Sự can thiệp thô bạo, trắng trợn, tráo trở của đế quốc Mỹ và tay sai buộc dân tộc VN một lần nữa phải cầm súng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập tự do, vì sự nghiệp thống nhất của Tổ quốc. Trong 21 năm trời, khát vọng thống nhất luôn cháy bỏng trong mỗi con tim người VN yêu nước. Điều đó thể hiện qua lời khẳng định đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Là biểu tượng cho ý chí, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc, qua đời khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn hết sức ác liệt, trong Di chúc, Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng, thể hiện và khẳng định ý chí thống nhất đất nước: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Và 6 năm sau ngày ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời tiên đoán đó đã thành sự thật với chiến thắng 30/4/1975 lịch sử. Chứng kiến người dân các tỉnh, thành miền Nam, người dân Sài Gòn nổi dậy; chứng kiến biển người hân hoan chào đón quân giải phóng ngày 30/4/1975, đủ biết khát khao, khát vọng giải phóng, khát vọng độc lập, khát vọng thống nhất non sông của dân tộc sâu sắc và mạnh mẽ như thế nào.
Và khi khát vọng thống nhất đã thành sự thật với chiến thắng lịch sử 30/4/1975, niềm vui, niềm hân hoan lớn lao đã vỡ òa thành những bài ca khải hoàn náo nức: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên; “Mùa xuân đầu tiên” của Nhạc sĩ Văn Cao; “Đất nước trọn niềm vui” của Nhạc sĩ Hoàng Hà; và “Bài ca thống nhất” với ca từ vừa náo nức, vừa bồi hồi, sâu lắng về cuộc đoàn viên của cả dân tộc: “Biển trời quê ta. Rộn vang tiếng ca. Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan…” của nhạc sĩ Võ Văn Di.

2 nhận xét:

  1. Những công trình như thế này rất có ý nghĩa; do đó phải được thiết kế, thẩm duyệt thật kỹ càng trước khi triển khai

    Trả lờiXóa