Việt Nam được coi là mô hình chống dịch thành công và Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Ngày này 66 năm về trước, lịch sử Việt Nam đã bước sang một trang mới khi lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc Trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống pháp kéo dài 9 năm, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
9 năm kháng chiến chống Pháp, người Việt Nam nằm lòng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của vị lãnh tụ kính yêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Tổ quốc lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Lịch sử có những thời khắc thật trùng hợp. 74 năm sau, khi Tổ quốc đứng trước đại dịch toàn cầu, người đứng đầu Chính phủ tuyên bố “chống dịch như chống giặc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh, bất kể người Việt ở trong hay ngoài nước. Người đứng đầu đất nước cũng kêu gọi mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ giống như Hà Nội thủa nào khi thực dân Pháp gây hấn ở Thủ đô.
Cả hai lời kêu gọi đều chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt yêu nước. Họ không tiếc công, tiếc của, tất cả vì mục tiêu chung, không nề hà, không so đo thiệt hơn. Nếu như trước kia, kẻ thù nhìn rõ mặt thì nay, đối diện với kẻ thù vô hình trong điều kiện toàn cầu hóa, nếu không có sức dân, lòng dân thì khó có thể chiến thắng dịch bệnh. Chính phủ hành động vì dân. Dân ủng hộ Chính phủ, tín nhiệm Chính phủ, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu chống dịch…giống như mấy mươi năm trước, những chiếc xe thồ từ miền xuôi lên miền ngược, những chiến sĩ chân trần sẵn sàng tải lương thực và vũ khí vào mặt trận.
“9 năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Hào khí Điện Biên, tinh thần quyết liệt, xốc tới trên chiến trường năm xưa, nay lại có dịp lan tỏa, để rồi cái tên Việt Nam một lần nữa lại “lừng lẫy năm châu”, được bạn bè thế giới nhắc đến với tất cả sự trân trọng và ngưỡng mộ. Vì sao một dân tộc ở ngay tâm dịch, vì sao một quốc gia có nguồn lực còn hạn chế lại có thể kiểm soát, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh? Câu hỏi đó đã có lời đáp, đó là tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam.
Hơn 65 năm trước, sau chiến thắng giặc Pháp, chúng ta bắt tay vào xây dựng hòa bình, xây dựng CNXH ở miền Bắc với dầy rẫy khó khăn thì nay, sau khi kiểm soát dịch bệnh, chúng ta lại bắt tay vào phục hồi một nền kinh tế có nguy cơ “đổ gãy”. Quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính 3,82% - là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Quỹ tiền tệ Quốc tế dự báo, tăng trưởng cả năm nay của Việt Nam chỉ có thể đạt 2,7% nhưng người đứng đầu Chính phủ quả quyết: Chúng ta không thể chấp nhận mức tăng trưởng này, phải tăng trưởng gấp đôi dự báo đó.
Vậy tăng trưởng bằng cách nào, phục hồi bằng cách nào nếu không cố gắng gấp đôi, gấp ba so với khả năng có thể. Một lần nữa, tinh thần quyết liệt, xốc tới lại được áp dụng vào phục hồi kinh tế. Nút thắt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bởi trong đại dịch, đã có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực gần như tê liệt. Thủ tướng cho rằng, giờ không phải lúc doanh nghiệp kêu khó, kêu khổ mà phải bắt tay vào hành động, “có chí thì nên”. Các Bộ, ngành phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, các doanh nghiệp phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước.
Việt Nam được coi là mô hình chống dịch thành công và Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Lịch sử đã từng đặt chúng ta trước nhiều khó khăn, thử thách. Với những kẻ thù lớn hơn mình gấp bội, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng. Tinh thần quyết tâm ấy nhất định sẽ giúp chúng ta chặn đứng dịch bệnh và phục hồi kinh tế thành công./.
Việt Nam đã có tinh thần quyết chiến và quyết thắng dịch bệnh ngay từ đầu nên đã rất thành công trong phòng, chống dịch bệnh
Trả lờiXóaDịch bệnh này rất nguy hiểm, nên chúng ta không được phép chủ quan, coi nhẹ
Trả lờiXóa