Social Icons

Pages

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

ĐÔI DÉP BÁC HỒ

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, có một đôi dép lốp cũ mòn được lưu giữ như quốc bảo. Đó chính là đôi dép mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong hơn 20 năm, từ năm 1947 cho đến khi Người qua đời. Đôi dép này được làm từ một chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp (do Quân đội ta thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc) và gửi tặng Bác.
Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ, rất vừa chân Bác. Nó đã theo chân Bác trên mỗi chặng đường. Dù tiếp khách trong nước hay khách quốc tế, đến với bộ đội, công nhân, nông dân hay trí thức, Bác vẫn thường đi đôi dép ấy. Có lần Bác nói vui với anh em cán bộ đi cùng về đôi dép: “Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa. Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được”. Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép. Mùa đông, Bác đi thêm đôi tất cho ấm chân. Đã không ít lần, các đồng chí phục vụ xin Bác đổi dép, thậm chí giấu dép Bác đi nhưng đều không thành, vì theo Bác: “Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...”.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Indonesia năm 2017, bà Megawati Sukarnoputri, con gái của cố Tổng thống Sukarno đã xúc động nhắc lại kỷ niệm trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia năm 1959. Khi đó bà Megawati mới 13 tuổi, được theo cha đi gặp Bác Hồ. Thấy Bác Hồ đi đôi dép cao su giản dị, bà lạ quá, liền thắc mắc với cha: "Tại sao Bác Hồ không đi giày?". Tổng thống Sukarno nhắc lại câu hỏi của con gái, và Bác Hồ đã trả lời: "Khi nào đất nước thống nhất thì tôi sẽ đi giày…".
Câu trả lời đã cho thấy tấm lòng bao la của vị lãnh tụ mà cả một đời vì nước, vì dân. Suốt đời mình, Bác luôn lo nghĩ việc chung, không dành bất cứ thứ gì cho bản thân, không ham muốn vật chất, không ham muốn danh vọng, không có gia đình riêng để chăm lo hạnh phúc cá nhân. Đến khi về với thế giới người hiền, trên ngực áo Người cũng không một tấm huân chương. Là một con người bằng xương, bằng thịt như mỗi chúng ta, cũng có những nhu cầu cá nhân, nhưng vượt trên tất cả, Bác hy sinh việc riêng và chỉ có một ham muốn tột bậc đó là “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Như thế là hạnh phúc cá nhân của Bác đã hòa với hạnh phúc của toàn dân, của cả dân tộc.
Chuyện về Bác Hồ, mỗi chúng ta đã có những lần được học, được nghe ngay từ khi còn bé. Nhưng để học được Bác Hồ, làm theo tấm gương của Bác thì cần nghiêm túc nhìn nhận lại mình. Chúng ta không thể thấm được tư tưởng của Bác, không thể thực sự học tập và làm theo đạo đức trong sáng và phong cách giản dị của Người nếu như trong ta còn đầy ắp những vị kỷ, những mưu tính cá nhân.
"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn" (Tố Hữu). Học và làm theo Bác Hồ không chỉ có cán bộ mà còn là mỗi người dân, tất cả chúng ta. Nghe chuyện Bác Hồ, chúng ta cần phải chuyển hóa những giọt nước mắt xúc động thành những hành động trong công việc và đời sống. Cái gì chưa hay, chưa đúng, mỗi chúng ta cần tự nhìn ra và quyết tâm tự chấn chỉnh. Để học và làm theo giống hệt Bác Hồ là rất khó và có thể là không thực tế, mà mỗi chúng ta chỉ cần tâm niệm một câu dạy của Bác: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Phải đặt lợi ích của mình trong tổng hòa lợi ích của tập thể, thậm chí phải biết hy sinh lợi ích của mình vì tập thể. Làm được như thế là rất đáng quý trọng!

1 nhận xét: