Social Icons

Pages

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

THỰC THI TRIỆT ĐỂ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KỶ LUẬT TRONG ĐẢNG

Trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, từ năm 2016 đến 2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã triển khai thực hiện, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tăng nhiều so với các năm trước đây. Chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, nghiêm trọng; tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Thống kê do UBKT Trung ương công bố, tính đến tháng 1-2020, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 226.479 tổ chức đảng và 1.054.699 đảng viên, trong đó Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 36 đoàn kiểm tra, kiểm tra 110 tổ chức đảng. Cấp ủy và UBKT các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, UBKT Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội).
Kết quả trên cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đã được thực hiện quyết liệt; kịp thời thanh lọc những cán bộ thoái hóa biến chất, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm trong sạch Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay, trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, một số khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên còn chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài, làm cho kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát. Thế nên, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng cần được tiến hành đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa mới thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, hướng tới mục tiêu làm trong sạch, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Để đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại trong Đảng; hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng giữa UBKT với các tổ chức đảng và cơ quan liên quan”.
Thực hiện chủ trương này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản giúp cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện toàn diện, chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là ngày 26-7-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 30-QĐ/TW về thi hành Chương VII và Chương VIII về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Tiếp đó, ngày 23-5-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 85-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ngày 15-11-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW, quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngày 18-6-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 195-QĐ/TW về chỉ đạo của UBKT cấp trên đối với UBKT cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, cơ chế công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã được hoàn thiện cơ bản, có nhiều tiến bộ hơn các nhiệm kỳ trước, là cơ sở quan trọng để tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả. Thực tế là, bên cạnh những tổ chức đảng cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì cũng có những tập thể tiến hành công tác này một cách qua loa, đại khái, không đúng nguyên tắc và đối tượng. Hậu quả là khuyết điểm bị giấu nhẹm đi, tạo điều kiện để cái xấu mặc nhiên tồn tại, tích tụ và dần trở thành ung nhọt khó chữa, dẫn đến những hậu quả phá hoại tổ chức đảng, đất nước từ bên trong, khiến niềm tin của nhân dân giảm sút.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm tra là một trong những phương thức tối quan trọng, là nguồn gốc của thắng lợi, là vũ khí chống lại tệ quan liêu, chống lại nguy cơ mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền… Người khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trǎm”. Người nhắc nhở: “... Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” công việc vẫn không chạy”.
Thế nên, để công tác kiểm tra, giám sát được thực thi hiệu quả, kịp thời phát hiện những sai phạm trong lãnh đạo, quản lý thì vấn đề tiên quyết là có cơ chế phát huy vai trò độc lập của UBKT các cấp. Trong cơ chế lãnh đạo, UBKT các cấp do cấp ủy cùng cấp bầu ra và hoạt động dựa trên sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đó. Nhiều “chân tơ kẽ tóc” có dấu hiệu sai phạm của các cá nhân, tập thể bị lờ đi và không xử lý, đặc biệt là với cán bộ lãnh đạo chủ trì cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây chính là biểu hiện thả lỏng và đôi khi trở thành “giấy thông hành” cho sai phạm.
Mong là thời gian tới, nhất là sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật để phát huy hiệu quả “thanh bảo kiếm”, ngăn ngừa những thứ bệnh xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân trong nội bộ, để Đảng trong sạch và vững mạnh, là nơi để quy tụ niềm tin, sức mạnh đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1 nhận xét: