Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”[1]. Ngày 05/9/1945, chỉ ba ngày sau khi chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi với những lời lẽ thật tâm huyết: “Non sông Việt Nam có trở lên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.
Tết Trung thu độc lập đầu tiên - ngày 20/9/1945, Người viết thư gửi các cháu và căn dặn: “Các cháu vào Hội Nhi đồng cứu quốc để “tập làm quen với đời sống chiến sĩ và giúp đỡ một vài việc nhỏ cho Cách mạng...”.
Trong ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội ngày 19/5/1946, các cháu thiếu niên, nhi đồng Thủ đô đến chúc mừng Người tại Phủ Chủ tịch và cũng là lần đầu tiên các cháu trình diễn tập thể bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” do nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác cuối năm 1945 để tặng Bác.
Ca từ trong sáng, giản dị nhưng toát lên hình ảnh vị Chủ tịch kính yêu như một người ông, người cha thân thương, gần gũi đến lạ thường. Giai điệu bài hát như theo mãi tuổi thơ mỗi người từng nghe, từng hát, để rồi sau này lớn lên, họ lại hát cho thế hệ sau của mình nghe, truyền lòng kính yêu đối với Bác cho con cái họ, để Bác mãi tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1951, Bác viết: “Ngày 1/5, ngày của những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh. Còn ngày 1/6 là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...”. Hình thức đấu tranh của các cháu nhi đồng mà Người đưa ra rất cụ thể, thiết thực: “thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”. Bác còn khuyên nhủ: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau” và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi “đó là tinh thần quốc tế”. Tình cảm của Bác đối với các cháu thiếu nhi thật dạt dào, cao cả.
Ngày 14/5/1961, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ðội Thiếu niên Tiền phong, Bác đã gửi thư căn dặn các cháu năm điều: 1 - Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. 2- Học tập tốt, lao động tốt. 3 - Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt. 4 - Giữ gìn vệ sinh. 5 - Thật thà, dũng cảm.
Năm điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng chứa đựng truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược; ham học hỏi, cầu tiến bộ; đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân; lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo. Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ, năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác nhận thấy “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” có điều gì đó chưa thật cân đối. Bác suy nghĩ và bổ sung cho mỗi câu đủ sáu chữ.
Đặc biệt, câu thứ năm, Bác thêm chữ “Khiêm tốn”, vì từ năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền Bắc. Đó cũng là thời kỳ miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Bác không muốn các cháu vì thế mà sinh lòng tự kiêu. Bác muốn các cháu khiêm tốn. Vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Và đó cũng là lý do cho sự ra đời “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” hoàn chỉnh như ngày nay:
1 - Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
2 - Học tập tốt, lao động tốt.
3 - Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
4- Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
5 - Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Bác ao ước: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”. Trước lúc đi xa, Bác để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt nói chung.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật; Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề về trẻ em cũng đã được Hiến pháp 2013 đề cập, quan tâm. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là măng non sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này. Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh” như sinh thời Bác Hồ hằng mong./.
Bác Hồ dù bận trăm công ngàn việc; nhưng Người luôn quan tâm, chăm lo đến các cháu thiếu nhi
Trả lờiXóa