Từ khi trở về nước năm 1941 đến khi qua đời năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hai đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng (Đại hội II năm 1951 và Đại hội III năm 1960). Đây là hai đại hội có ý nghĩa lịch sử, in đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, thời gian dù đã lùi xa, nhưng những tư tưởng, chỉ dẫn của Người về việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng vẫn còn nguyên giá trị thời sự, nhất là trong bối cảnh các cấp ủy, tổ chức đảng đã và đang tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
CHUẨN BỊ CÁC QUYẾT SÁCH CHÍNH TRỊ
Các văn kiện của đại hội từng cấp là do cấp ủy đương nhiệm của cấp đó chuẩn bị. Dù có chuẩn bị công phu, nhưng vẫn là văn bản của một tập thể nhỏ và là cấp dưới của đại hội toàn thể hay đại hội đại biểu của đảng bộ cấp đó thực hiện. Vì vậy, mỗi đại biểu dự đại hội cần nhận thức rõ vị trí của mình là thành viên của cơ quan lãnh đạo của Đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, có trách nhiệm suy nghĩ để cùng các đại biểu quyết định những vấn đề quan trọng nhất ở đại hội của từng đảng bộ và của toàn Đảng. Do đó, đại biểu cần đọc kỹ các văn bản (bao gồm các tài liệu dự thảo và tài liệu khác liên quan), nghiên cứu, xác định vấn đề trọng tâm, chính yếu rồi đối chiếu với nghị quyết của đại hội đương nhiệm, liên hệ với thực trạng của Đảng và đất nước để so sánh, cân nhắc kỹ nội dung các vấn đề trước khi thảo luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ta nên nghiên cứu thật sâu, thảo luận kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết rõ ràng”(1). Sở dĩ như vậy là vì đại hội bàn nhiều vấn đề, thời gian thảo luận có hạn, nếu không đi vào vấn đề chính thì rất dễ rơi vào lan man, không có trọng tâm, trọng điểm và cũng không thể giải quyết được tất cả vấn đề. Chuẩn bị kỹ, nghiên cứu sâu trước khi thảo luận không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn thể hiện tư cách và danh dự của mỗi đại biểu.
Trong quá trình chuẩn bị các quyết sách chính trị, phải có tinh thần thực tế, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ hiện tình của Đảng và đất nước, tránh bệnh thành tích và bệnh giáo điều, sách vở; phải nhìn mọi việc với quan điểm toàn diện, thấy được mối quan hệ lẫn nhau giữa các vấn đề kinh tế với chính trị, quốc phòng với an ninh; kinh tế với nội trị và ngoại giao; ý Đảng và lòng dân,... trong tiến trình phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác”(2).
Đảng ta tiến hành đại hội theo nhiệm kỳ là để kiểm điểm những công việc đã làm trong một nhiệm kỳ, đánh giá kết quả, ưu điểm và hạn chế, yếu kém trong phạm vi 5 năm đã qua; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm làm cơ sở đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo. Để thực hiện những nội dung đó, nếu không có quan điểm khách quan, toàn diện, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, rút ra được những thành công, bài học kinh nghiệm cũng như những tồn tại, hạn chế, yếu kém thì không thể đề ra được nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, có tính khả thi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó... là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(3). Người nhấn mạnh, “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(4).
Nội dung văn kiện đại hội, nghị quyết của Đảng phải hướng về tương lai để có những bước đi thích hợp. Con thuyền cách mạng chỉ có thể tiến lên chứ không bao giờ trở lại, cũng giống như người ta không bao giờ có thể “tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Tự ru ngủ về vinh quang của quá khứ mà quên mất những vấn đề cấp bách của hiện tại và tương lai là trái với quan điểm phát triển; do đó, Bác đưa ra một chỉ dẫn ngắn gọn, súc tích mà dễ hiểu như một châm ngôn: “Nên đưa các vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn quá khứ”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những vấn đề chính cần bàn kỹ ở tầm đại hội toàn quốc của Đảng, bao gồm bốn nội dung theo trật tự, thứ bậc như sau:
Một là, bàn kỹ, xét kỹ về tư tưởng, tức là xem xét, kiểm tra, tự phê bình và phê bình trong Đảng và từng cán bộ, đảng viên, mà trước hết là các đồng chí phụ trách từ trên xuống dưới, không có ngoại lệ. Đó là việc xem xét nội dung, cách thức, tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị; là việc tuyên truyền, giáo dục, học tập lý luận chính trị, đặc biệt là công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống lại những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, lợi ích nhóm,... Có một thực tế là, từ khi thống nhất đất nước tới nay, Đảng ta đã trải qua 9 kỳ đại hội, kỳ nào cũng đề cập đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng; nghị quyết đại hội sau bao giờ cũng phê phán gay gắt hơn đại hội trước về thực trạng suy thoái trên và cho rằng, đó là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nhưng tại sao tình trạng đó lại ngày càng trầm trọng, gần đây bằng nhiều biện pháp quyết liệt phần nào đã được ngăn chặn nhưng vẫn diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan đến không ít cán bộ cao cấp của Đảng? Đại hội cần thảo luận kỹ, trả lời thỏa đáng cho những vấn đề trên.
Hai là, bàn kỹ, xét kỹ về chính sách. Chính sách ở đây có nghĩa là những quyết sách chính trị, là đường lối, chủ trương, chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước để hiện thực hóa khát vọng phát triển dân tộc Việt Nam. Đại hội tổ chức theo nhiệm kỳ, nhưng mục tiêu chiến lược thì phải lâu dài với những bước đi thích hợp; tinh thần trách nhiệm với dân, với nước phải liên tục, tuyệt nhiên không được rơi vào “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”. Đây là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu xét kỹ về chính sách. Nhưng lấy căn cứ nào và dựa vào đâu mà xét kỹ chính sách của Đảng? Người chỉ rõ, chỉ có một căn cứ duy nhất là lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Ba là, bàn kỹ, xét kỹ về phương châm để đi tới mục tiêu. Phương châm là tư tưởng chỉ đạo hành động, là hướng đi, bước đi, cách thức hoạt động để thực hiện mục tiêu. Phương châm đúng chính là điểm khởi đầu, là cơ sở, tiền đề cho những quyết sách quan trọng của Đảng. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị văn kiện đại hội, cần thảo luận, nghiên cứu, xác định được phương châm (hướng đi, bước đi, cách thức hoạt động để thực hiện mục tiêu) trong xây dựng kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải trả lời được câu hỏi: Phương châm đại hội đề ra đã sát hợp chưa, đạt tới mức nào?
Bốn là, bàn kỹ, xét kỹ về vấn đề tổ chức. Đó là vấn đề xây dựng, củng cố, kiện toàn cơ cấu, các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị; bố trí, sắp xếp việc thực hiện các công việc trong tổ chức. Đây là vấn đề lớn, khó, phức tạp, nên các đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung của Đảng và của dân tộc để nghiên cứu, thảo luận một cách kỹ lưỡng. Muốn làm cách mạng thành công, xây dựng và phát triển đất nước, việc đề ra được chủ trương, chính sách đúng là công việc quan trọng đầu tiên, nhưng để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống lại phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện chính sách. Công việc này thuộc về công tác tổ chức, mà bộ máy, cơ cấu tổ chức, việc sắp xếp, bố trí con người trong tổ chức giữ vai trò quyết định.
Bàn kỹ, xét kỹ vấn đề tổ chức là việc nghiên cứu, thảo luận nhằm đề ra chủ trương, giải pháp để xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội một cách tinh gọn, hợp lý trong từng giai đoạn, bối cảnh lịch sử của đất nước; nâng cao hiệu quả, năng lực lãnh đạo, quản lý, tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn thực hiện được điều đó, phải xây dựng, tổ chức được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân. Thực tế đã chỉ ra, sự yếu kém của không ít tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đã làm cho nhiều chính sách dù đúng đắn, có ý nghĩa nhưng không được thi hành đúng mức và kịp thời. Do vậy, vấn đề tổ chức cần được bàn luận, xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo.
BÀN KỸ VỀ VẤN ĐỀ NHÂN SỰ, LỰA CHỌN CÁN BỘ
Đây là vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do vậy, vấn đề xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ để bầu tại đại hội đảng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của Đảng nói chung và đối với mỗi tổ chức đảng nói riêng. Trong xem xét, đánh giá cán bộ, Người chỉ rõ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ; không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem lịch sử, công việc của họ; xem xét công tác, cách sinh hoạt, cách viết, cách nói, việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không(6). Người dẫn ra một thực tế là “có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hóa phản cách mạng, làm mật thám”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra một quan điểm rất đáng chú ý trong việc xem xét, đánh giá cán bộ: “Ai mà hay khoe khoang công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”(8); ngược lại, “ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”(9).
Thực tế ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, việc lựa chọn, sử dụng cán bộ không dựa trên năng lực, phẩm chất đạo đức, sở trường mà “ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn”, “dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”, dùng “những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”(10). Từ thực tế trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí lựa chọn cán bộ, đó là những người trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh; hiểu biết và liên lạc mật thiết với quần chúng; luôn chú ý đến lợi ích của quần chúng; có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn và luôn có ý thức tuân thủ kỷ luật(11).
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung, về việc xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng ta, nhất là trong thời điểm đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra. Ngày 30-5-2019, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng các cấp theo những yêu cầu rất cao, vừa toàn diện, vừa cụ thể, đặc biệt là chuẩn bị, tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện đại hội và công tác nhân sự. Trong công tác nhân sự, Bộ Chính trị yêu cầu, “phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới”. Để lựa chọn được những người thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn, có uy tín, việc “đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất”; đồng thời, kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”,...
Có thể nói, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị chính là sự kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội toàn quốc của Đảng. Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước đã và đang khẩn trương thực hiện với một quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, phát huy những thành tích, ưu điểm đạt được; đồng thời, khắc phục hạn chế, yếu kém nhằm đề ra được chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng suốt lựa chọn, bầu vào cấp ủy những người xứng đáng, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị để đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên./.
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 14
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 301
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 672
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 14
(6), (7) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 318 - 321, 318
(8), (9), (10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 318
Công tác chuẩn bị cho Đại hội rất quan trọng, chuẩn bị càng tốt thì thành công càng cao
Trả lờiXóaChuẩn bị tốt là đã thành công 50 % rồi đó
Trả lờiXóa