Mùa thu năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên)-thủ đô kháng chiến, tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt xét xử vụ án đặc biệt đối với Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi cán bộ vi phạm kỷ luật, tha hóa biến chất, cho dù ở vị trí công tác nào, Người cũng kiên quyết xử lý, thấu tình đạt lý, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục xử lý nghiêm minh một cán bộ cao cấp tha hóa, biến chất-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng. Khi được Tòa án Nhân dân Tối cao xin ý kiến về vụ án liên quan đến nhân vật này, sau khi cân nhắc, Bác Hồ đã đi đến quyết định: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1-1967) |
Tư tưởng của Người về giữ gìn kỷ luật Đảng, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm đang tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta thực hiện một cách nghiêm túc theo đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, Đảng ta phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Do vậy, vấn đề kỷ luật của Đảng vừa mang tính chất thời sự cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, bảo đảm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật nghiêm túc và tự giác, tức là nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Không ai được coi là ngoại lệ. Đảng gồm những người tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Tự giác đương nhiên phải đi đôi với bắt buộc. Tính nghiêm túc và tự giác của kỷ luật Đảng là sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt tập trung và dân chủ, bắt buộc và tự giác. Nghiêm túc dựa trên cơ sở tự giác, tự giác càng cao thì kỷ luật càng nghiêm túc. Sự thống nhất, kết hợp giữa nghiêm túc và tự giác là động lực bảo đảm cho kỷ luật của Đảng thực sự là kỷ luật sắt.
Thời gian gần đây, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng, nhiều vụ việc, vụ án lớn, phức tạp đã được khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử với nhiều mức án, hình thức kỷ luật thỏa đáng. Những cán bộ sai phạm liên quan đều phải chịu những hình thức kỷ luật nghiêm minh của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”. Phải xem xét, xử lý kỷ luật một tổ chức hoặc cá nhân nào là việc làm không ai muốn, nhưng đó là việc làm cần thiết bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Có như vậy, Đảng ta mới khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, giữ gìn sự trong sạch và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Việc đấu tranh, xử lý các đảng viên tiêu cực, sai phạm là vô cùng đau xót, nhưng chúng ta bắt buộc phải làm; đó chính là con đường để nâng cao sức mạnh, tính chiến đấu của Đảng, đảm bảo khả năng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Trả lờiXóaKỷ luật là sức mạnh của Đảng
Trả lờiXóa