Social Icons

Pages

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC ĐANG PHÁ HỦY CUỘC SỐNG, PHÁ VỠ CÁC CỘNG ĐỒNG VÀ HÒA BÌNH

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã, đang và sẽ luôn nỗ lực nhằm đạt được phát triển bền vững thì ở khắp nơi trên thế giới, người dân vẫn hàng ngày phải chịu đựng sự thù hận, bất công vì màu da, nguồn gốc, quốc gia hay dân tộc, hoặc các đặc tính khác bị phân biệt.

Phân biệt chủng tộc và sắc tộc diễn ra hàng ngày, cản trợ sự tiến bộ của nhiều triệu người trên khắp thế giới. Phân biệt chủng tộc và sự không khoan dung có thể có nhiều hình thức – từ việc từ chối các cá nhân không được tiếp cận với những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng cho tới việc kích động hận thù chủng tộc, từ đó có thể dẫn đến diệt chủng – tất cả đều có thể phá hủy cuộc sống và phá vỡ các cộng đồng. Xuất phát từ thực tế đó, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc luôn được xem là một vấn đề ưu tiên của cộng đồng quốc tế và là trung tâm trong các chương trình hành động vì con người.
Chúng ta đã và đang chiến đấu chống phân biệt chủng tộc ở khắp mọi nơi, tất cả mọi ngày, trong suốt cả năm. Tuy nhiên, ngày 21/3 là một ngày đặc biệt, được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn vào tháng 10/1966 để kỷ niệm Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực chống tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc tồn tại và diễn ra trên khắp thế giới. Ngày này được lập ra để ghi nhớ những sự kiện xảy ra 55 năm trước – ngày 21/3/1960 – tại Sharpevill (Cộng hòa Nam Phi), nơi cảnh sát đã nổ súng và giết hại các sinh viên biểu tình hòa bình chống chế độ Apartheid.
Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã bị xóa bỏ. Pháp luật và thực tiễn phân biệt chủng tộc đã được bãi bỏ tại nhiều quốc gia và chúng ta đã tạo ra một khuôn khổ quốc tế chống phân biệt chủng tộc dựa trên Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
Trong 55 năm qua, đã có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Chúng ta đã thấy sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân, chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid bị xóa bỏ và sự nổi lên của một phong trào toàn cầu về bình đẳng. Tuy nhiên, như lịch sử và các sự kiện hiện đang cho thấy, phân biệt chủng tộc vẫn còn là một mối đe dọa rõ ràng đối với nhân dân và cộng đồng ở tất cả các khu vực.
Hòa bình chỉ có thể được xây dựng trên tiền đề, đó là tất cả mọi người có quyền và phẩm giá bình đẳng bất kể sắc tộc, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội hoặc các đặc tính khác. Để đạt được điều đó, ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia phê chuẩn Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc nhằm thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng các chính sách và pháp luật mạnh mẽ, từ đó sẽ chấm dứt tất cả các hình thức phân biệt đối xử.
Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã luôn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế là một dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời về tinh thần đoàn kết, bình đẳng và tương trợ lẫn nhau. Ngày nay, các nguyên tắc và quy định về bình đẳng và không phân biệt chủng tộc liên quan đến thành phần dân tộc không những được ghi trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong các luật và văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn thông qua nhiều chính sách, chương trình quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển bình đẳng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm cùng với cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại và các hình thức phân biệt chủng tộc khác. Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc vào năm 1981. Cùng năm đó, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng và Công ước quốc tế về ngăn chặn và trừng trị tội phân biệt chủng tộc. Với chính sách và pháp luật thể hiện tinh thần tiến bộ, bình đẳng, công bằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cả ở trên bình diện quốc tế và quốc gia.

2 nhận xét:

  1. Nơi nào thực sự không có sự phân biệt chủng tộc thì nơi đó mới có sự quan tâm đến quyền con người

    Trả lờiXóa