Social Icons

Pages

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Sức công phá của "virus tham nhũng, trì trệ" không kém gì virus Corona

Các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh sự nguy hiểm của "virus tham nhũng, trì trệ và vô cảm" trong quá trình hồi phục nền kinh tế hậu COVID-19.
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội vào ngày hôm 15/6, đề cập đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần "Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo". Cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực để phát triển đất nước và nhiều địa phương.
Theo đại biểu, Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều hội nghị được gọi là hội nghị Diên Hồng để lắng nghe doanh nghiệp và có nhiều quyết sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Gần đây nhất, hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp được tổ chức với quy mô khoảng 6.000 đại biểu ở các điểm cầu để tìm giải pháp giúp đỡ, tháo gỡ cho doanh nghiệp hậu COVID-19.
Trong đó có hỗ trợ gói tín dụng và tài khóa với quy mô chưa từng có trong bối cảnh tài chính quốc gia còn nhiều hạn hẹp. Mới nhất, báo cáo VCCI cho thấy có 55% doanh nghiệp tiếp tục duy trì quy mô kinh doanh như hiện nay trong quý III và 22% có ý định mở rộng sản xuất.
"Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại virus như: Virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của các loại virus này không kém gì virus Corona", bà Hoa nhấn mạnh.
Với tinh thần chống dịch COVID-19 như vừa qua, đại biểu Hoa mong Thủ tướng quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus nói trên. Đó là tư tưởng chống dịch như chống giặc, việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại virus và đặc biệt quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và dập dịch triệt để để từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội.
Chống "virus trì trệ" phải bắt đầu từ công tác cán bộ
Cũng liên quan đến "virus trì trệ", tại phiên thảo luận vào ngày hôm qua, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) tỏ ra băn khoăn khi mà những tồn tại, hạn chế trong báo cáo như cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu; tình trạng nợ đọng văn bản, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề tham nhũng, trục lợi chính sách, trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên 1 số lĩnh vực, địa bàn hiện còn nhiều phức tạp.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, những tồn tại này đã diễn ra trong nhiều năm như một căn bệnh kinh niên nhưng thiếu những giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả.
"Trong phiên làm việc của Chính phủ, để phòng chống COVID-19, Thủ tướng đã nói một cách hình tượng là chúng ta phải chống 2 loại virus, là virus Corona và virus trì trệ.

Tôi cho rằng những tồn tại đó đã kéo dài từ năm này qua năm khác, từ ngành này qua ngành khác và từ địa phương này qua địa phương khác. Việc này đã cho thấy chúng ta chưa thành công trong việc chống virus trì trệ này, mặc dù chúng ta đã nhiều lần đưa ra những giải pháp đột phá, những khẩu hiệu hành động đầy quyết liệt nhưng đâu vẫn vào đấy, thậm chí một số lĩnh vực, những vụ việc phức tạp hơn", đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho hay.
Đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là phải làm bắt đầu từ con người, từ công tác cán bộ.
Đại biểu Hiền đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có biện pháp chấn chỉnh để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở sắp xếp hệ thống tổ chức tinh gọn, khoa học, siết chặt kỷ luật kỷ cương để lựa chọn đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, phát huy được vai trò người đứng đầu.

2 nhận xét:

  1. Thời gian qua, các sai phạm của hàng loạt cán bộ các cấp; nhất là các sai phạm về tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng; điều đó đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào Đảng; hy vọng tới đây tội phạm tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.

    Trả lờiXóa
  2. Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta được nhân dân hết lòng ủng hộ

    Trả lờiXóa