Social Icons

Pages

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Đừng gieo tiếng ác

Chúng ta đang kỷ niệm 98 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11/6/1922-11/6/2020)- “Một nhà lãnh đạo sáng tạo vì dân tộc, một nhân cách lớn và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Chúng ta biết ơn và tự hào về ông. Nhưng vẫn có những kẻ như Nguyễn Thị Cỏ May, luôn tìm cách “hạ bệ” ông như những âm mưu của chúng nhằm hạ bệ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng như những nhà lãnh đạo kiệt xuất khác của Đảng Cộng sản Việt Nam. Viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thị viết: “Thật ra trong con người của Ông Kiệt, tuy Nam kỳ nhưng không có chất Nam kỳ thứ thiệt vì ông không phải nông dân mà cũng không phải tiểu tư sản thật lòng lên đường làm chiến tranh giải phóng dân tộc! Ông theo cộng sản, cũng như bao nhiêu người khác, chỉ vì không không biết làm việc gì khác hơn!”??? Thật là một nhận xét bậy bạ, hồ đồ của một kẻ vô học và lòng chứa đầy thù hận, nhỏ nhen. Không hiểu sao những kẻ này lại dám cầm bút, nhất là viết về những nhân vật có nhân cách lớn như Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những luận điệu này rõ rang không thể lừa dối được ai mà chỉ thêm phơi bày bản chất nô bút, thù địch, chống phá của chúng trước sự phát triển đi lên ngày càng vững mạnh của đất nước Việt Nam. Nhân sinh nhật của Cố Thủ tướng, xin có một bài viết nhỏ, như một nén hương tưởng nhớ ông.
Với một chính khách, yêu cầu hàng đầu là phải có tầm tư duy chính trị viễn kiến. Tư duy đó gắn liền với tầm trí tuệ, tầm văn hóa, vốn thực tiễn phong phú của mỗi người. Ông Võ Văn Kiệt sinh ra ở một vùng quê Nam Bộ, trong một gia đình nông dân nghèo, không có điều kiện học hành đầy đủ trong nhà trường, vậy điều gì đã khiến ông từ một nông dân áo vải, chân đất trở thành một nhà lãnh đạo có Tâm - Trí- Dũng… ở trình độ cao như vậy?
Trước hết, ông là một người lăn lộn và trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cùng nhân dân. Gia nhập cách mạng từ năm 16 tuổi, làm công tác vận động quần chúng, tham gia Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, ông thoát ly vào Cứ, từng bước trưởng thành. Từ cán bộ cơ sở, huyện, tỉnh, xứ ủy viên Nam bộ, Ủy viên trung ương Cục miền Nam, rồi tham gia Bộ Chính trị, đến tháng 3/1988 ông được cử làm quyền Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ, khi ấy ông đã có hơn 50 năm trải nghiệm qua các lĩnh vực hoạt động, vận động chính trị, đấu tranh vũ trang, xây dựng và phát triển kinh tế… ở lĩnh vực nào ông cũng có những cống hiến nổi bật. Đó là những chỗ ông hơn hẳn nhiều người. Những năm tháng lăn lộn trong dân, ăn cơm mặc áo của dân, ông được dân cưu mang che chở nên thấu hiểu được nỗi cực khổ cùng tâm tư khát vọng giản dị của dân, sau độc lập tự do là miếng cơm manh áo và ruộng cày. Nhân dân hạn chế về lý luận những có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng. Ông rút ra bài học: Cái gì được dân đồng tình, ủng hộ là ta đúng; cái gì dân phản đối là ta đã sai. Ông hành xử theo minh triết ấy của người dân. Niềm tin đó của ông càng được củng cố sâu sắc thêm qua lời căn dặn của Bác Hồ: “Nhân dân rất thông minh”, một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền “được lòng dân”, “ta đừng làm gì trái ý dân, dân muốn làm gì ta phải làm nấy”. Điều đó tạo cho ông niềm tin và lòng dũng cảm để ông trở thành “Tướng xé rào” ngay từ trong chỉ đạo đấu tranh ở Khu 9 sau Hiệp định Pa ris. Thực tế đã xác nhận ông hành động đúng và chân lý thuộc về ông. Cũng như vậy, vào cuối những năm 70 đầu những năm 80, khi nền kinh tế nước ta lâm vào kiệt quệ, hơn 3 triệu dân thành phố Hồ Chí Minh đang bị thiếu đói, ông dám “xé rào” vượt qua cơ chế quan liêu, bao cấp, cho phép thí điểm làm cách làm ăn mới trong sản xuất kinh doanh, lưu thông, phân phối… từ đó bùng lên một không khí làm ăn mới, tạo đà cho thành phố bước vào một thời kỳ phát triển năng động, góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy kinh tế cũ, tạo ra cơ sở bước đầu cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đại hội Đảng VI. Có thể nói, trí tuệ của ông bắt nguồn từ trí tuệ của dân. Ông dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm bởi ông không có tham vọng cá nhân, tất cả đều vì dân và cho dân.
Thứ hai, phải xem ông là một trí thức bẩm sinh, bởi không phải ai sống với dân cũng biết học hỏi dân. Ông được trời phú cho một trí tuệ mẫn cảm, ham học hỏi, ưa tìm tòi cái mới nên chủ động tìm đến mọi nguồn tri thức để tự hoàn thiện mình. Ông có tư duy cởi mở, có con mắt xanh trong phát hiện và sử dụng tri thức, người tài, không phân biệt mới- cũ, lắng nghe họ trình bày và tranh cãi, rồi tinh tường chọn lấy những điều có thể áp dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể, nghĩa là vừa biết làm học trò, vừa biết đứng trên vai người khác, để có được tầm cao hơn họ. Đó là những nhân tố góp phần hình thành nên ở ông một tư duy chính trị nhạy bén trước bước ngoặt đầy kịch tính của lịch sử: Hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Việt Nam mất đi chỗ dựa về vật chất và tinh thần to lớn, vào giữa lúc ta đang khó khăn nhất, bị bao vây, cô lập cả về kinh tế và chính trị. Bằng cảm quan chính trị nhạy bén của mình, ông sớm nhận ra rằng: CNXH đã không còn tồn tại như một hệ thống, chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhân tố ý thức hệ đã mất đi vai trò gắn kết ngày xưa, bạn thù cũng đã khác. Lịch sử đã sang trang, thời thế đó, ông trao đổi với các đồng chí thân cận: “Thế giới ngày nay cần phải được hiểu theo cách mới, mọi suy nghĩ, ứng xử không thể nhất nhất như xưa, ta phải biết tự tìm ra con đường đi cho đất nước mình”.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Khi thế giới không còn đối đầu hai phe, không một quốc gia nhỏ nào còn có thể trông cậy vào sự viện trợ của một cường quốc như thời kỳ trước đây. Việt Nam muốn thoát ra khỏi tình thế nguy nan phải có tư duy chính trị mới; phải biết tạo dựng những mối quan hệ mới, tìm ra những đối tác mới nếu không muốn bị chìm trong một thế giới đang cạnh tranh quyết liệt để tồn tại.
Sau khi góp phần bình thường mối quan hệ lại với Trung Quốc, ông mở rộng cửa đi ra thế giới, đem nụ cười cởi mở và khuôn mặt thân thiện đến với mọi người, trước hết với các nước láng giềng Đông Nam Á, đưa ra một thông điệp về một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng làm bạn với các đối tác tin cậy với tất cả các nước vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Ông xúc tiến khẩn trương việc gia nhập ASEAN, vận động Mỹ xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ… Những thành tựu to lớn đó không tách rời với ứng biến năng động và tư duy nhạy bén của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong đổi mới kinh tế ở nước ta. Ông nhận trọng trách lãnh đạo Chính phủ vào lúc tình hình kinh tế- xã hội đang khủng hoảng nghiêm trọng. Trên cương vị của mình, ông đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra nhiều chính sách có tính đột phá, chuyển dần từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống và kinh tế của dân, của nước đi dần vào thế ổn định.
Có thể thấy tư duy chính trị của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là toàn diện, sâu sắc, nhạy bén và có tầm chiến lược. Nó phản ánh khát vọng cháy bỏng của ông trong việc tìm ra con đường đi cho dân tộc ở vào một thời điểm chuyển biến đầy khó khăn. Tâm nguyện của ông là: Một dân tộc đã trải qua bao gian khổ hy sinh, mất mát để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, dân tộc ấy phải được sống hạnh phúc trong độc lập, tự do, được hưởng “công bằng, dân chủ, văn minh” như mọi dân tộc khác trên thế giới. Ông có trí tuệ lớn bởi ông có trái tim lớn. Do đó, nói tư duy chính trị Võ Văn Kiệt, suy đến cùng vẫn là nói về tấm lòng yêu nước, thương dân của ông, nói đến chủ nghĩa nhân văn cao cả và sâu sắc của ông, một phẩm chất mà ông suốt đời âm thầm rèn luyện, noi theo người thầy vĩ đại và tôn kính của mình – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông là hình ảnh cao đẹp về một nhà lãnh đạo đã giành được chiến thắng trước những thử thách khốc liệt, đầy cám dỗ của thời buổi kinh tế thị trường, để mãi mãi là một người cộng sản chân chính trong trái tim của nhân dân Việt Nam. Chúng ta cần cảnh giác với những kẻ chuyên hành nghề gieo tiếng ác, gắp lửa bỏ tay người như Nguyễn Thị Cỏ May, hãy là những cư dân mạng thông thái để loại bỏ những thông tin thất thiệt như bài viết trên.

2 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch điên cuồng chống phá Việt Nam trên tất cả các phương diện; chúng dùng mọi thủ đoạn để chống phá; chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước luận điệu sai trái của kẻ thù để không bị mắc bẫy của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa