Hoàng Sa, Trường Sa - những ngư trường truyền thống của Việt Nam
Với bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 với hơn 4.000 đảo lớn nhỏ trải dọc từ Bắc vào Nam, Việt Nam là một quốc gia biển lớn trong vùng Biển Đông, được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi thủy sản giàu nhất toàn cầu.
Nằm ở trung tâm của Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ chiếm vị trí tiền tiêu trọng yếu, mà còn là những ngư trường truyền thống quan trọng của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam bao đời nay đánh bắt trên các ngư trường này bởi những tài liệu chính sử còn lại đến nay chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế.
Trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.
Với nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa đã góp phần đưa thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Theo con số thống kê, nhờ các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng nhanh và liên tục, trong đó riêng năm 2019 đạt 3,76 triệu tấn. Đến nay, toàn quốc có gần 96,6 nghìn tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản tăng lên nhanh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm.
Cũng chính vì vai trò của biển, đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Theo Nghị quyết, phấn đấu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước.
“Tai mắt, phên dậu” trong tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy, ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”. Bác còn căn dặn: “Một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Những trăn trở của Bác về chủ quyền biển đảo đã trở thành phương châm hành động đối với ngư dân Việt Nam. Thường xuyên đánh bắt hải sản ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành nhiệm vụ quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo này. Ngoài ra, còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển nước ta.
Trên thực tế, mặc dù thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm, thậm chí bị các tàu lớn phía Trung Quốc đuổi và đâm chìm, ngư dân miền Trung vẫn kiên cường vươn khơi, bám biển. Đối với họ, ra khơi bám biển không đơn thuần chỉ là vì kế sinh nhai, mà còn là nhiệm vụ bảo vệ, khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo thiêng liêng Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế, ngư dân trên biển còn đồng hành cùng với các lực lượng trên biển, bởi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ là của riêng lực lượng chuyên trách. Điều có ý nghĩa lâu dài bởi quan trọng là phải phát huy được vai trò của ngư dân, hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, phải làm sao để “mỗi tàu cá là một cột mốc sống, mỗi ngư dân là một chiến sĩ, các tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản của ngư dân là những làng chài trên biển Việt Nam”.
Mỗi lần đi ra biển, với lá cờ đỏ sao vàng trên cabin tàu-biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, các con tàu với những ngư dân đã trở thành “cột mốc chủ quyền sống” trên biển. Với họ, mọi thứ có thể thiếu, nhưng cờ Tổ quốc thì phải hiện diện trên nóc tàu như lời nhắc về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Không ít ngư dân còn mặc trên mình những chiếc áo có hình bản đồ Việt Nam cùng dòng chữ “Vì Hoàng Sa thân yêu”, “Vì Trường Sa thân yêu”. Họ chính là tai mắt, là phên dậu trong tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ngay cả trong những lần Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp ở Biển Đông, các ngư dân cũng vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ ngư trường, giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ai cũng hiểu rằng âm mưu của Trung Quốc là gây sức ép về tâm lý với ngư dân các nước để cứ tháng 5 là không vào Biển Đông khai thác hải sản. Tuân theo lệnh đó tức là mình đã từ bỏ những ngư trường truyền thống của mình, tạo cho Trung Quốc chiếm ưu thế có lợi về mặt pháp lý trên Biển Đông.
Hậu thuẫn cho ngư dân là các chính sách của Chính phủ như tăng cường đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá; thúc đẩy hoạt động của chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến thủy sản; triển khai ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản; trang bị cho tàu cá của ngư dân thiết bị thông tin liên lạc để có thể đánh bắt dài ngày, xa bờ…
Các cơ quan chấp pháp Việt Nam (cảnh sát biển, hải quân...) cũng luôn trợ giúp và can thiệp kịp thời khi ngư dân bị tàu chấp pháp nước ngoài xua đuổi hoặc bắt giữ ngay trên ngư trường truyền thống mà vùng biển này theo luật pháp quốc tế hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mỗi con tàu đánh cá là một cột mốc chủ quyền sống góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ở Biển Đông.
Mỗi con tàu đánh cá là một cột mốc chủ quyền sống góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ở Biển Đông
Trả lờiXóa