Cách đây 91 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếng trống Xô Viết Nghệ - Tĩnh (XVNT) đã vang vọng khát khao độc lập, tự do của những người dân bị áp bức. Tiếng trống ấy đã tập hợp và khẳng định giá trị của tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh quần chúng nhân dân làm nên lịch sử.
Những
chính sách hà khắc của thực dân Pháp, cùng với sự bóc lột của tầng lớp địa chủ,
cường hào làm cho người dân Việt Nam “một cổ, hai tròng”, sống lầm than, cực
khổ. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã thông qua Cương lĩnh chính
trị đầu tiên, trong đó khẳng định “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và
thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Dưới sự lãnh
đạo của Đảng, phong trào đấu tranh ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam ngày càng phát
triển. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân trong các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp
và nông dân cũng diễn ra ở nhiều nơi, với các hình thức như đòi tăng lương,
giảm giờ làm; chia ruộng đất, đòi bãi bỏ các sưu, thuế vô lý. Cao trào cách
mạng đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt mạnh mẽ từ ngày Quốc
tế Lao động 1-5-1930.
Sáng ngày
1-5-1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy (Nghệ An) và nông dân các
huyện lân cận biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống
khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên
bang Xô Viết. Ngày 1-8-1930, công nhân ở đây tổng bãi công, nông dân Nghệ -
Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường
Can Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc và lan rộng ra hầu khắp các huyện
trong 2 tỉnh.
Ngày 1-9, hơn
20.000 nông dân Thanh Chương biểu tình đòi bỏ thuế, thả tù chính trị. Lính Pháp
nổ súng, nhưng những người biểu tình vẫn tiến vào huyện đường, phá nhà giam,
thả tù nhân, đốt hồ sơ, sổ sách và dinh tri huyện. Trước sức mạnh của nhân dân,
bọn hào lý phải bỏ chạy. Hầu hết các làng, xã thuộc huyện Thanh Chương rơi vào
tình thế không có chính quyền quản lý. Nông dân huyện Anh Sơn biểu tình ủng hộ
nhân dân Thanh Chương với các khẩu hiệu “bãi bỏ thuế thân”, “chia lại ruộng
đất”, “thả tù chính trị”.
Tiếp đó, trong
2 ngày 5-9 và 7-9, nông dân 2 huyện Diễn Châu, Can Lộc đốt phá nhà giam. Từ
ngày 8 đến ngày 11-9, khí thế đấu tranh càng sục sôi khi hàng chục nghìn nông
dân huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Can Lộc... nổi dậy.
Đỉnh cao của
phong trào là cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên ngày 12-9,
với khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến”. Đoàn biểu tình
kéo về thành phố Vinh. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom xả súng liên thanh
vào đoàn biểu tình, làm 217 người chết, 125 người bị thương, đốt cháy 177 nóc
nhà. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị thiêu rụi hoàn toàn.
Cuộc đấu tranh
càng thêm sôi sục, khiến chính quyền thực dân hết sức lo sợ. Bộ máy của thực
dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện, xã bị tê liệt, tan rã. Các tổ chức
đảng đã kịp thời lãnh đạo quần chúng tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực
hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết. Chính quyền Xô
Viết (Nông hội) được thành lập. Nông hội đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương,
chính sách đem lại lợi ích cho nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ
chức cho nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách
mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực
hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý... tỏ rõ bản chất cách mạng
và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì
dân.
XVNT đã trở
thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ nhân dân lao động trong cả nước.
Từ đó làm lan tỏa phong trào đấu tranh ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ hơn, tiêu
biểu là cuộc bãi công của công nhân nhà máy rượu Chợ Lớn, ở Công ty Dầu lửa Sài
Gòn và các cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân ở Hóc Môn, Trà Vinh, Sa Đéc...
Tuy XVNT chỉ
tồn tại trên 7 tháng trong hai năm 1930-1931 và dù còn sơ khai, nhưng đã để lại
những dấu ấn về một Nhà nước công - nông chưa có tiền lệ trong lịch sử ở một
đất nước bị chìm đắm trong nô lệ; đáp ứng khát vọng độc lập, tự do của quần
chúng lao khổ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập
tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng XVNT đã chứng tỏ tinh thần oanh
liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất
bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này” (*).
XVNT đã để lại
cho chúng ta nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu, đó là vấn đề ruộng đất và
dân cày; vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước
tạo thế và lực để dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đó là bài học
về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân
tộc, quyết không chịu làm nô lệ; đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, thường
xuyên đấu tranh chống “tả khuynh” và “hữu khuynh” để giữ vững tính chất giai
cấp công nhân của Đảng, làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ
chức.
Đó còn là bài
học to lớn về sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua
đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn của Đảng, đáp ứng được khát vọng cháy
bỏng của nhân dân; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết
toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nông vững chắc; bài học về nghệ thuật sử
dụng những hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp với từng hoàn cảnh lịch
sử cụ thể để giành, giữ chính quyền.
Tiếp nối
truyền thống XVNT anh hùng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay đã và
đang viết nên những trang sử mới. Tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục từ
6-7%/năm đã giúp tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân, duy trì tỷ lệ thất
nghiệp ở mức thấp; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh từ 9,9% năm 2015 xuống 5,23%
năm 2018 (thời điểm trước đại dịch Covid-19). Đời sống vật chất và tinh thần
của hơn 98 triệu người dân Việt Nam, trong đó có người dân ở vùng sâu, vùng xa,
vùng dân tộc thiểu số đã thay đổi nhanh chóng, ấm no và hạnh phúc hơn.
Việt Nam đã
thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp
quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và
toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì
lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế
giới, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có
được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Mặc dù đại
dịch Covid-19 hiện nay đã và đang làm nhân loại điêu đứng, nền kinh tế thế giới
tổn thất không thể đong đếm được, tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng
và Chính phủ, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn Đảng,
toàn dân và toàn quân ta, toàn xã hội đã và đang thực hiện mục tiêu “kép”, vừa
phòng, chống dịch thắng lợi, vừa phát triển kinh tế, sớm đưa xã hội hoạt động
trở lại bình thường.
91 năm đã trôi
qua, nhưng khí thế “long trời lở đất” của XVNT vẫn luôn bùng cháy trong mỗi
trái tim người dân Việt Nam. Tinh thần XVNT không chỉ đồng hành cùng nhân dân
ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự
nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn tiếp tục giành thắng lợi trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, xây dựng một nước Việt Nam
“đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
(*)
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 10,
tr. 9.
Những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, thế hệ trẻ ngày nay cần phải học tập và noi theo. - k10
Trả lờiXóaThế hệ trẻ cần phải trau dồi đạo đức cách mạng và học tập, phấn đấu để kế thừa sự nghiệp cách mạng cao cả
Trả lờiXóa