Social Icons

Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO CẤP TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC LÀ CẦN THIẾT, QUAN TRỌNG

 

Năm 2006, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) được thành lập và được xác định là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Năm 2007, các BCĐ PCTN cấp tỉnh được thành lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN (năm 2007) và Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12, ngày 27/9/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, hoạt động của BCĐ Trung ương về PCTN trong giai đoạn này còn một số hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Do vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012), đã quyết định tổ chức lại BCĐ về PCTN, chuyển đổi mô hình BCĐ trực thuộc Chính phủ sang mô hình BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu và không tổ chức BCĐ tỉnh, thành phố về PCTN.

Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với BCĐ Trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Mục đích của sự thay đổi này nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, tăng cường tính độc lập tương đối của BCĐ với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong công tác đấu tranh PCTN.

Mô hình BCĐ Trung ương trực tiếp do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong công tác PCTN. Điều đó thể hiện rất rõ ở nhiệm kỳ khóa XII, XIII khi số lượng vụ, việc tham nhũng, kinh tế được phát hiện, xử lý tăng lên rất nhiều. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác trong chỉ đạo PCTN được cọ xát qua thực tiễn. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đi vào nền nếp, bài bản, khoa học. Các thành viên, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ…

Tuy nhiên, tham nhũng hiện vẫn diễn biến rất phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCTN, tiêu cực tại địa phương đã bộc lộ bất cập, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Những tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực ở địa phương chưa được tập trung, thống nhất. Do đó nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã đề xuất, kiến nghị thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.

Như vậy, xét trên phương diện lý luận và thực tiễn, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực là chủ trương quan trọng, cần thiết, thể hiện rõ tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!”. BCĐ cấp tỉnh đủ mạnh, có thực quyền, sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của BCĐ Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động PCTN, tiêu cực ở địa phương.

2 nhận xét:

  1. Gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực/sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên chính là góp phần ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm và xử lý ngay từ đầu để ngăn chặn những vi phạm nhỏ, không để chúng tích tụ thành những sai phạm lớn, vụ án lớn; không để những cành cây làm hỏng một thân cây, không để một thân cây bệnh lây lan cả rừng cây...-k10

    Trả lờiXóa
  2. Chống tham nhũng càng tốt thì đất nước càng phát triển mạnh mẽ

    Trả lờiXóa