Là người
đóng vai trò động lực trong công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam khởi đầu giữa
những năm 1980, đúng như Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng đánh giá
“Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một
thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng". 5 năm từ sau Đại hội VI của
Đảng (12/1986) đến Đại hội VII (6/1991) là thời gian diễn ra cuộc cọ xát, đấu
tranh ở những mức độ, cấp độ, địa bàn khác nhau giữa hai khuynh hướng trở về cơ
chế cũ quan liêu bao cấp hay dứt khoát chia tay với nó. Nhiều cán bộ hoặc vì
lợi ích cá nhân, hoặc vì không đủ quyết tâm, năng lực không dám và không muốn
đổi mới. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng nhiều cán bộ lãnh đạo
cao cấp kiên trì, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và chỉ rõ đổi mới phải bám
sát vào điều kiện thực tiễn nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Trên cương
vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (6/1988-8/1991), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (8/1991-10/1992), Thủ tướng
Chính phủ (10/1992-12/1997), đồng chí Võ Văn Kiệt đã đề xuất và chỉ đạo
xây dựng, triển khai nhiều chính sách có tính đột phá như: xóa bỏ chỉ tiêu
pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện
thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả Trung ương
và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa
bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực
hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước,... chuyển dần nền kinh tế từ bao
cấp sang kinh tế thị trường. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đồng
chí trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Tổ
chuyên gia thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng, từ ngân hàng một cấp sang hệ
thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại, thành lập
thanh tra, quy định tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thành lập thị trường liên ngân hàng,
áp dụng biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và thay cho khối lượng tiền tệ
duy ý chí trước đây. Từ kết quả thực tiễn, đồng chí đã chỉ đạo Tổ cải cách tập
trung xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ngân hàng và Pháp lệnh các Hợp tác xã tín
dụng, sau đó là xây dựng Luật ngân hàng và Luật Hợp tác xã tín dụng cho hệ
thống ngân hàng Việt Nam vận hành theo quy luật thị trường.
Với tầm
nhìn chiến lược và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “làm nhiều hơn nói nhiều”, đồng chí Võ
Văn Kiệt là một trong những “tổng công
trình sư” của nhiều dự án lớn, táo bạo thời kỳ đổi mới đất nước. Từ năm
1988, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã có chủ trương
thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác
Long Xuyên và bán đảo Cà Mau, cải tạo vùng đất vốn bị nhiễm phèn, mặn trở thành
vùng đất màu mỡ, trù phú, phát triển mạnh về nông nghiệp – thủy sản. Tiếp đó là
các dự án, chương trình lớn như Chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Ngọt hoá bán
đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất...; Chương trình chung sống với lũ, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư
vượt lũ và nhà ở cho người nghèo… ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Chương trình
phát triển nâng cao đời sống đồng bào dân tộc miền núi ở Tây Nguyên; các
công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông
Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam...; các công trình
giao thông: đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, đường
Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận...., sự phát triển của các ngành dầu khí, viễn thông,
hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, đều mang đậm “dấu ấn” khai mở,
trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bên cạnh đó,
trong thời kỳ đổi mới đã có nhiều khái niệm mới ra đời gắn liền với tên
tuổi Võ Văn Kiệt như “sống chung với lũ”, “phủ xanh đất trống đồi
trọc”, “bảo đảm an ninh lương thực”...
Kết quả
dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ, của người đứng đầu là Thủ tướng Võ
Văn Kiệt, nền kinh tế giai đoạn 1991-1997
đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, trung bình 8,2%/năm.
Thời kỳ này,
Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế quốc tế,
tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị
trường để phát triển kinh tế đất nước. Đồng chí
luôn trăn trở về “một trong
những thách thức là sự phát triển kinh tế của chúng ta vẫn tiếp tục lệ thuộc
một chiều vào thế giới bên ngoài. Lệ thuộc vốn đầu tư, làm gia công và thương
hiệu. Nước nào cũng lệ thuộc lẫn nhau, nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao chuyển từ
lệ thuộc một chiều và thụ động, sang sự lệ thuộc hai chiều và chủ động”. Đó
cũng chính là vấn đề cấp thiết mà chúng ta đang phải giải quyết trong hội nhập
kinh tế quốc tế hiện nay.
bài viết rất thiết thực
Trả lờiXóa