Đây là một trong những vụ án trọng điểm
thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo
dõi, chỉ đạo và được đưa ra xét xử trong năm nay.
Nhìn lại năm 2022 (từ sau Phiên họp thứ 21
vào tháng 1/2022 của Ban Chỉ đạo), các cấp có thẩm quyền nhận định công tác
phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có bước
chuyển biến mới, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong đó, các Cơ quan điều tra Bộ Công an,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh,
khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng,
phức tạp xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra
cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục
Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập
đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra tại
Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC…
Có thể thấy, tính từ khi "quả bom"
Việt Á phát nổ vào tháng 12/2021, một năm qua là quãng thời gian hàng loạt đại
án được phanh phui, xô đổ nhiều " thần tượng" một thời, tiếp tục
thanh lọc những "con sâu", những "bầy sâu" ra khỏi đội ngũ
cán bộ, công chức từ các cơ quan trung ương đến cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tính đến tháng 11/2022, riêng trong năm nay các cơ quan chức năng đã khởi tố,
điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong
đó có 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng,
Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu
cực của Đảng càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối
với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ
cương, góp phần quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn
định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời bác bỏ
luận điệu sai trái của các thế lực thù địch xấu, chống đối, cho rằng đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là đấu đá nội bộ là phe cánh
làm nhụt chí của những người khác.
Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực trong suốt thời gian qua và trong năm 2022, cho thấy cuộc chiến chống
tham nhũng do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo chẳng những không chùn bước, không
nao núng mà ngày càng quyết liệt hơn. Đảng ta cũng qua đó mà ngày càng kinh nghiệm
hơn, vững vàng hơn khi phải đấu tranh trực diện với kẻ thù ngay trong hàng ngũ
của mình.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều
lần phát biểu, công tác phòng, chống tham nhũng cũng như xử lý cán bộ có sai
phạm theo quy định pháp luật là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt
một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo,
rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục.
Trong số các đại án được phanh phui thời
gian qua, có những vụ án không khỏi khiến chúng ta đau lòng nhưng
"không thể không làm".
Là một quốc gia thường xuyên phải đối mặt
với thiên tai địch họa, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, tương
thân tương ái, sẵn sàng sẻ chia lúc khó khăn hoạn nạn; biết sớt nước mắt để xoa
dịu nỗi đau cho nhau. Ai đi ngược lại truyền thống ấy, đạo lý ấy, tất sẽ bị lên
án, tẩy chay. Thế mà, trong cơn đại dịch, lại có những người mang danh nghĩa
chống Covid-19, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, đang tâm trục lợi từ kit
test, từ những người con xa quê đang nháo nhác, hoảng loạn tìm đường về nước
tránh dịch trên những chuyến bay mang danh "giải cứu".
Tiền tỷ "lót tay" đã quật ngã
nhiều cán bộ từ trung ương đến địa phương. Đạo đức công vụ, lương tâm của
một số cán bộ, thầy thuốc đã bị những đồng tiền bẩn thổi bay trong phút
chốc.
Đất nước mở cửa, người dân được khuyến khích
làm giàu, chúng ta đã có một đội ngũ đông đảo những doanh nhân thành đạt, chân
chính. Nhưng rồi, những gì đã diễn ra với một số tên tuổi một thời đình đám
trên nhiều diễn đàn, sự kiện dưới mác "đại gia", chuyên rao giảng văn
hóa, đạo đức kinh doanh, nghệ thuật khởi nghiệp… hóa ra cũng chỉ là lọc lừa,
luồn chỗ nọ, lách chỗ kia để lũng đoạn thị trường, "móc túi" nhà đầu
tư.
Có những thương hiệu lớn giờ đây đã trở
thành cái tên bị dư luận bàn tán, chê trách và cần phải xử lý theo quy định
pháp luật, làm rõ có hay không ai đó đứng sau "chống lưng". Tin chắc
rằng tới đây khi các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét
xử các vụ án thì nhiều "vùng tối" sẽ được phơi bày trước ánh sáng
công luận.
Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực thì bộ máy lãnh đạo các cấp sẽ ngày càng trong sạch hơn. Đẩy
mạnh đấu tranh chống tham nhũng không làm "nản chí", "chùn
bước", "sợ sai không dám làm" của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm
"chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng
chàm" và những người thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Chặt cành sâu để cứu cây; chặt bỏ một cây
bệnh để cứu cả cánh rừng, Đó là mục đích cao nhất trong công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, mà đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng là một trong những
cách tốt nhất để loại ra khỏi hàng ngũ những cán bộ hư hỏng, tham lam, vị kỷ,
vun vén cá nhân.
Đồng thời, cuộc thanh lọc quyết liệt và đau
đớn ấy cũng sẽ tạo điều kiện cho một lớp cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm,
dám sáng tạo, đổi mới để cống hiến nhiều hơn cho nước cho dân; biết yêu cái
tốt, căm thù cái xấu xa đen tối để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, để trong mắt
dân, đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngày càng trong sạch hơn, đạo đức hơn.
đại án nào rồi cũng xử hết
Trả lờiXóa