Ngày
2/12/2022 vừa qua, trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào cái
gọi là “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”. Theo cáo buộc của Bộ
Ngoại giao Mỹ, Việt Nam cùng 3 nước khác là Algeria, Cộng hòa Trung Phi,
Comoros thuộc cái gọi là “Danh sách giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo”. Lý do
phía Mỹ đưa ra là Việt Nam trong năm 2022 đã “can dự vào hay dung thứ cho những
vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”. Đồng thời với Bộ Ngoại giao Mỹ là
tổ chức Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo
mới về “Danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin”, theo đó cáo buộc Việt
Nam chưa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các cá nhân, tổ chức
tôn giáo, đặc biệt tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân.
Trước
những cáo buộc phi lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam đã có những phản hồi chính
thức về vấn đề này. Cụ thể, ngày 15/12/2022, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm
Thu Hằng khẳng định: “Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về
tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông
tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Từ
nội dung tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như từ thực tiễn tình
hình tự do tôn giáo cho thấy, Việt Nam có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý
vững chắc để chứng minh những điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu trong báo cáo là
không chính xác, thiếu khách quan. Cụ thể:
Thứ
nhất, việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự
do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, công bằng. Bộ Ngoại
giao Mỹ đơn phương đưa ra danh sách để đánh giá một quốc gia có chủ quyền, độc
lập như Việt Nam là đi ngược lại quy định Hiến chương của Liên Hợp Quốc (LHQ)
năm 1946. Mặt khác, cáo buộc này đã phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam khi tham
gia vào “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966” mà Việt
Nam gia nhập ngày 24/9/1982 với điều 18 cam kết về quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa
chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng
với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng,
cầu nguyện, thực hành và truyền giảng” (khoản 1, Điều 18 Công ước năm 1966).
Thực
tế tại Việt Nam, tình hình tự do tôn giáo được khẳng định rõ trong Hiến pháp,
pháp luật và được tôn trọng, bảo đảm trên thực tế. Nhiều năm qua, đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có tín đồ, chức sắc tôn giáo được nâng
cao, đã có những bước chuyển biến rất rõ nét, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Đặc biệt với việc Việt Nam 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ
2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025) với số phiếu bầu cao cho thấy sự tín nhiệm của
các nước trên thế giới với cách nhìn nhận đánh giá đúng đắn, công tâm về tiến
trình bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nói
riêng.
Ngoài
ra, những thành tựu gần đây về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được bạn
bè quốc tế ghi nhận như tổ chức thành công 3 lần Đại lễ VESAK LHQ các năm 2008,
2014 và năm 2019; Việt Nam đã cùng với Giáo hội Công giáo hoàn vũ (Vatican) tổ
chức 9 vòng đối thoại thường niên để tiến tới xây dựng quan hệ ngoại giao giữa
Việt Nam - Vatican phục vụ lợi ích giữa giáo hội, giáo dân và dân tộc Việt Nam.
Đến nay, số lượng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận là 16 tôn giáo,
43 tổ chức đăng ký hoạt động tôn giáo, nhiều tổ chức tôn giáo mới hình thành
đều được các cơ quan, ban, ngành chức năng hướng dẫn tỉ mỉ theo quy định Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2106 đảm bảo tính thống nhất, ổn định và tuân thủ quy
định của luật pháp Việt Nam.
Thứ
hai, cáo buộc của Bộ Ngoại giao Mỹ dựa trên những thông tin không chính xác về
tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ thường cử các
phái đoàn ngoại giao vào Việt Nam để theo dõi, quan sát về tình hình tự do tôn
giáo, điều này phù hợp với tinh thần đối thoại, hợp tác lẫn nhau giữa Việt Nam
và Mỹ. Tính từ năm 2006 đến nay, phía Mỹ hằng năm thường xuyên cử các phái đoàn
hỗn hợp của Bộ Ngoại giao, Quốc hội Mỹ, tổ chức phi chính phủ trực thuộc các cơ
quan, ban, ngành của Mỹ đến thăm, tiếp xúc làm việc với các cá nhân, chức sắc,
tín đồ và tham dự các hội thảo, hội luận, tọa đàm do chính quyền Việt Nam tổ
chức để làm rõ hơn quy cách quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn
giáo tại Việt Nam.
Tuy
nhiên, Mỹ thường cử phái đoàn đến thăm gặp, tiếp xúc với cá nhân là chức sắc,
tín đồ tôn giáo có những hoạt động vi phạm pháp luật hoặc những hội nhóm chưa
đủ điều kiện công nhận về tổ chức tôn giáo theo quy định pháp luật. Đơn cử vào
tháng 5 và tháng 10/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử phái đoàn vào Việt Nam để khảo
sát tình hình tự do tôn giáo chỉ tiếp xúc với các hội nhóm tôn giáo chưa được
công nhận, thường xuyên vi phạm pháp luật như “Giáo hội Phật giáo Việt Nam
thống nhất”, “Pháp luân công”, “Tin lành Đấng Christ các dân tộc Việt Nam”,
“nhóm Cao Đài, Hòa Hảo độc lập”, “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”… Họ lên
tiếng bênh vực những cá nhân vi phạm pháp luật như đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh,
Lê Đình Lượng, Hồ Đức Hòa… trong Công giáo; đối tượng Nguyễn Trung Tôn, Y
Hinnie, A Ga, A Đảo… trong đạo Tin lành; đối tượng Thích Không Tánh, Thích Tuệ
Sỹ trong “Phật giáo Việt Nam thống nhất”. Thậm chí, những kẻ cố tình lợi dụng
danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo như đối tượng Lê Tùng Vân tại “Thiền am bên bờ
vũ trụ” (còn gọi là Tịnh thất Bồng Lai), tỉnh Long An cũng được phía Mỹ liệt kê
vào danh sách cần “quan tâm, bảo vệ”.
Chính
từ thu nhận bởi những tiếng nói của các cá nhân, tín đồ vi phạm pháp luật như
trên nên phía Bộ Ngoại giao Mỹ đã vin vào đó để quy kết phía Việt Nam đang “đàn
áp tự do tôn giáo” và cho rằng, việc xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật,
phạm tội là “xử lý và đàn áp tôn giáo”. Điều này thể hiện cách nhìn nhận thiếu
khách quan và áp đặt tiêu chuẩn tự do tôn giáo của Mỹ đối với Việt Nam.
Thứ
ba, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng được cơ chế đối thoại trên cơ sở niềm tin, bình
đẳng và hướng đến sự ổn định phát triển giữa hai quốc gia, dân tộc. Những năm
qua, hai nước đã thường xuyên tổ chức “Đối thoại Nhân quyền thường niên Hoa Kỳ
- Việt Nam” nhằm trao đổi, đối thoại giải quyết những vướng mắc, bất đồng xung
quanh vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Năm 2022, hai nước đã tổ chức cuộc
họp Đối thoại nhân quyền tại Mỹ thu được kết quả thành công tốt đẹp, mở ra
triển vọng mới về cải thiện nhân quyền tích cực ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thế
nhưng, Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc
biệt về tự do tôn giáo” năm 2022 đã phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ hai
nước Việt Nam - Hoa Kỳ trong tiến trình tạo niềm tin, củng cố quan hệ ngoại
giao. Việc đưa ra những đánh giá, nhận định nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã
tạo thêm những cơ sở, điều kiện để các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính
trị tuyên truyền xuyên tạc sai lệch bản chất vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo
ở Việt Nam.
Thứ
tư, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo với tổ chức, cá nhân chức sắc, tín đồ. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực thi hành năm 2018), Nghị định
162/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
năm 2016; Nghị quyết số 25/NQ-TƯ ngày 12/3/2003, Hội nghị Trung ương 7, Khóa IX
về công tác tôn giáo, nêu 5 quan điểm về chính sách trong bảo đảm quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, tín đồ. Những quy định này đã tạo cơ sở cho
những phát triển, thành tựu trên lĩnh vực tôn giáo, trong đó nhìn nhận yếu tố tín
ngưỡng, tôn giáo là “nhu cầu không thể thiếu của một bộ phận người dân” và “Nhà
nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo”; xác định tín ngưỡng, tôn giáo
là nguồn lực quan trọng mà các cơ quan, ban, ngành chức năng trong hệ thống
chính trị phải phát huy nguồn lực này góp phần xây dựng, phát triển kinh tế -
xã hội, xây dựng thiết chế văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, gắn tín ngưỡng, tôn
giáo với đạo đức con người, văn hóa dân tộc.
Thứ
năm, sự phát triển lớn mạnh của các tổ chức tôn giáo ở trong nước và liên kết
quan hệ quốc tế trong tôn giáo là minh chứng cho thấy tín ngưỡng, tôn giáo ở
Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu vào thế giới. Định hướng phát triển của
các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có thể thấy rõ thông qua nội dung Hiến chương,
điều lệ, quy định của tôn giáo luôn bám sát yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội
và hội nhập quốc tế. Chẳng hạn, Phật giáo luôn kiên định con đường “Đạo pháp
dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; Công giáo tự hào với quan điểm “sống phúc âm
trong lòng dân tộc”; đạo Tin lành với Hiến chương “phụng sự Thiên Chúa, phục vụ
Tổ quốc”; đạo Cao Đài với khẩu hiệu “nước vinh - đạo sáng”… đã khơi dậy truyền
thống gắn kết giữa tín ngưỡng, tôn giáo với tinh thần tự lực, tự cường, độc lập
dân tộc.
Mặt
khác, trong xu thế mở cửa hội nhập hiện nay, nhiều tổ chức tôn giáo ở Việt Nam
đã vươn mình, khẳng định sự lớn mạnh bằng việc tổ chức các sự kiện hành hương,
đại lễ, lễ trọng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Cụ thể: Đại lễ VESAK
Phật giáo LHQ năm 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc, Hà Nam đã có hơn 500 phái
đoàn quốc tế đến tham dự; lễ hành hương tại La Vang (Quảng Trị), Sở Kiện (Hà
Nam) của Công giáo Việt Nam đã thu hút sự tham gia của hàng trăm tổ chức Công
giáo trên thế giới đến hành hương, chiêm bái. Những điều này thể hiện rõ tầm
ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế, xã
hội trong nước; đồng thời xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam có đầy đủ
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tóm
lại, từ những thành tựu có được trong bức tranh về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt
Nam là minh chứng sống động cho thấy hơn bao giờ hết tín ngưỡng, tôn giáo ở
Việt Nam trở thành động lực, yếu tố thúc đẩy gắn kết, đoàn kết xã hội, xây dựng
xã hội mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Những cáo buộc của phía Mỹ khi
đưa Việt Nam vào “danh sách cần giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo” thực sự
chưa thể hiện góc độ tiếp cận tích cực, thiếu căn cứ pháp lý, đi ngược lại
những cam kết mà phía Mỹ và Việt Nam đã ký kết, thỏa thuận. Hi vọng rằng trong
thời gian tới, phía Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có những đánh giá khách quan, cụ thể,
sâu sát và vì lợi ích của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam để đưa ra những đánh
giá, quyết định hữu ích cho quan hệ giữa hai quốc gia, dân tộc.
nước Mỹ nát như tương bần mà cứ lo cho nước khác
Trả lờiXóa