Cảnh giác với các khuynh hướng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa trên không gian mạng
Những khuynh hướng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa không xuất hiện từ hư vô, mà có nguồn gốc chủ yếu từ các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận diện và phản bác một số khuynh hướng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa trên không gian mạng hiện nay có ý nghĩa thiết thực, nhân kỷ niệm 93 mùa Xuân (1930-2023) Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Khi xây dựng học thuyết về các hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sớm cảnh báo thời kỳ chuyển biến từ hình thái tư bản chủ nghĩa lên hình thái cộng sản chủ nghĩa chưa thể là một xã hội phát triển trên cơ sở của chính nó, mà là một trạng thái xã hội mà về mọi phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần… còn mang những dấu vết của xã hội cũ. Đến đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin là lãnh tụ đầu tiên trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người đã luận chứng sinh động và cụ thể phạm trù thời kỳ quá độ có nghĩa là “trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội”[1]. Trên lĩnh vực kinh tế, nước Nga Xô viết thời kỳ Lênin vẫn tồn tại cơ cấu kinh tế 5 thành phần: kinh tế gia trưởng, kinh tế hàng hóa nhỏ, kinh tế tư bản, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Ở nước ta hiện nay, bên cạnh những nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… quyết định sự hình thành và bảo đảm con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, vẫn còn không ít nhân tố mà về bản chất chưa thực sự là của chủ nghĩa xã hội. Các thành phần kinh tế tư bản tư nhân, tư bản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…; một số quan hệ sản xuất vẫn còn cơ chế bóc lột lao động; sự tồn tại của cơ cấu xã hội đa tầng, đa dạng với đội ngũ khá đông đảo các chủ tư bản nước ngoài cùng những chủ sử dụng lao động trong nước; trình độ trưởng thành chưa cao của đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức xã hội chủ nghĩa; sự xâm nhập của các giá trị tư bản chủ nghĩa thông qua quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế; những khó khăn của phong trào xã hội chủ nghĩa và ưu thế tạm thời của các cường quốc tư bản chủ nghĩa trên thế giới hiện nay…, đó là những tiền đề, cơ sở cho sự xuất hiện và tồn tại của các khuynh hướng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa.
Biểu hiện rõ nhất của các khuynh hướng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa trên không gian mạng hiện nay là trạng thái, phát ngôn mơ hồ về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Không ít giọng điệu ngợi ca chủ nghĩa tư bản như hình mẫu của sự phát triển hiện đại và xem cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thời gian qua là bằng chứng khách quan của một thử nghiệm thất bại(?!). Một số tiếng nói cực đoan hơn, đã lớn tiếng phê phán Đảng, Bác Hồ đã không lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa để Việt Nam sớm “hóa rồng”, “hóa hổ” như Hàn Quốc, Đài Loan…(?!). Họ đã cố tình lãng quên rằng, trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, các anh hùng, chí sĩ yêu nước Việt Nam đã từng thử nghiệm hàng loạt con đường giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, trong đó có con đường tư bản chủ nghĩa, nhưng tất cả đều không thành công. Đất nước đòi hỏi một con đường khác, con đường dẫn nhân dân Việt Nam đến độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khai mở từ mùa Xuân năm 1930.
Biểu hiện nguy hiểm thứ hai là trạng thái, phát ngôn mơ hồ về kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trên thế giới và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Khá nhiều blogger say sưa ngụy biện, đã là kinh tế thị trường là tất cả đều giống nhau, đều chấp nhận bóc lột và các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, là trước sau đều đi lên chủ nghĩa tư bản ! Những blogger này chỉ nhận biết cái bên ngoài, bỏ qua nhiều chất liệu định tính bên trong của mỗi nền kinh tế thị trường. Ngay trong khuôn khổ của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cũng tồn tại nhiều mô hình khác nhau: mô hình kinh tế thị trường tự do thuần khiết Ănglôxắcxông ở Anh, Bắc Mỹ; mô hình kinh tế thị trường xã hội ở Tây Âu, Bắc Âu; mô hình kinh tế thị trường Đông Á… Kinh tế thị trường là một trình độ, nấc thang phát triển của kinh tế nói chung, được quyết định suy cho cùng bởi trình độ phát triển của các lực lượng sản xuất. Bởi vậy, nó không phải độc quyền, càng không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội có con đường và cách thức của mình trong phát triển kinh tế thị trường phù hợp với bối cảnh cụ thể. Ở đó, chúng ta chấp nhận cả những thành phần kinh tế bóc lột lao động, nhưng không chấp nhận bóc lột như một chế độ kinh tế - xã hội; chúng ta chủ động phát triển một số quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa nhưng trong bối cảnh các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa giữ vai trò chủ đạo. Với tính cách là một quan hệ kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, hoạt động bóc lột nêu trên ở Việt Nam hiện nay được triển khai trong điều kiện có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và hàng loạt hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế bảo vệ người lao động trên con đường Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Biểu hiện nguy hiểm thứ ba là sự xem nhẹ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thông qua chính đảng tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, trong đó có công cuộc đổi mới từ năm 1986, đúng là sự nghiệp, là thành quả của Nhân dân, của tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhưng theo mục tiêu, lý tưởng và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất. Nếu giai cấp công nhân không liên minh được với giai cấp nông dân và các lực lượng cách mạng khác, thì sự nghiệp cách mạng sẽ rơi vào “bài ai điếu” xót xa, như Công xã Paris năm 1870 đã nếm trải. Ngược lại, nếu mơ hồ cho rằng bất kỳ giai cấp nào cũng có thể lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì sẽ rơi vào một thứ chủ nghĩa không tưởng lớn nhất của mọi thời đại ! Công nhân xứng đáng với vai trò lãnh đạo sự nghiệp xây dựng một xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công vì giai cấp này luôn đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến và là giai cấp duy nhất chỉ có thể giải phóng được mình khi giải phóng tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội khác. Giai cấp công nhân Việt Nam từ năm 1930 đến nay đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam, đã rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt toàn dân tộc đến kỷ nguyên của độc lập, tự do, đổi mới thành công, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Biểu hiện nguy hiểm thứ tư là sự xem nhẹ, phủ nhận sức mạnh của lý tưởng xã hội chủ nghĩa và niềm tin, ý chí cách mạng trong sự nghiêp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước và sau C.Mác, chủ nghĩa xã hội bao giờ cũng được nhận thức như một lý tưởng, niềm tin và ý chí; nó không chỉ được xây dựng trên cơ sở các điều kiện vật chất cần thiết, mà còn phải nhất thiết nhờ vào hoạt động tự giác và sức mạnh tinh thần to lớn của nhân tố con người xã hội chủ nghĩa. Trên không gian mạng hiện nay, có luận điệu cho rằng, chỉ có thể tin tưởng và xây dựng được niềm tin về một vấn đề gì đó khi có đầy đủ nhận thức về nó ! Tuy nhận thức khoa học là một trong những cơ sở quan trọng của niềm tin cách mạng, nhưng đối với từng người và trong thời điểm cụ thể, không thể nhận thức sâu sắc mọi vấn đề liên quan đến sự nghiệp cách mạng. Trong bối cảnh ấy, cần hơn hết một niềm tin cách mạng mãnh liệt, một lý tưởng xã hội chủ nghĩa thường trực, soi đường cho chúng ta vững bước trên con đường lớn của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Biểu hiện nguy hiểm thứ năm là nghi ngờ, phủ nhận giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới. Có người lập luận rằng, học thuyết do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin sáng lập là kết quả của việc tổng kết lịch sử châu Âu thế kỷ XIX, đầu XX, không còn sức sống trong thời đại mới, nhất là đối với các quốc gia ngoài châu Âu như Việt Nam. Một số người khác lập luận rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của thời đại công nghiệp, không còn sinh lực cho những chuyển động của thế giới trong thời đại toàn cầu hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Nếu lập luận theo cách tầm thường đó, chắc chắn sẽ dẫn đến phủ nhận toàn bộ giá trị của nhiều di sản tư tưởng, tinh thần khác của nhân loại, trong đó có cả Thiên chúa giáo, Nho giáo, Hồi giáo…!
Như chúng ta đều biết, chủ nghĩa Mác - Lênin nghiên cứu vạch ra những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên và xã hội; từ đó nghiên cứu vạch ra những quy luật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, trong đó có phương thức bóc lột giá trị thặng dư và, trên cơ sở đó, nghiên cứu vạch ra quy luật của cách mạng vô sản và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin đúng là chỉ có thể ra đời trong điều kiện nền sản xuất công nghiệp điển hình ở châu Âu từ cuối thế kỷ XIX, nhưng điều đó không có nghĩa là lý luận đó chỉ đúng với bối cảnh ấy ! Hơn nữa, cũng cần lưu ý thêm, nền sản xuất công nghiệp của nhân loại dù ở trình độ công nghệ máy hơi nước cuối thế kỷ XVIII, điện khí hóa cuối thế kỷ XIX, điện tử hóa từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX hay trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, vẫn là nền sản xuất công nghiệp, nằm trọn trong thời đại công nghiệp. Bản thân tên gọi cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4thIndustrial Revolution) đã khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thế giới đang thay đổi hiện nay.
[1]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.36, tr.362.
#pbqđst
Chủ nghĩa Mác - Lênin nghiên cứu vạch ra những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên và xã hội; từ đó nghiên cứu vạch ra những quy luật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.-K10
Trả lờiXóaHiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.
Trả lờiXóa