Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

CHẾ ĐỘ SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM

 

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai ở nước ta.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân vào việc hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, quan tâm đến lợi ích của người dân ngay trong từng chính sách. Việc sửa đổi luật cũng nhằm thúc đẩy phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; ngăn ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, đầu cơ đất đai và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất, quan tâm đến lợi ích của người dân ngay trong từng chính sách cụ thể; phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai tại Nghị quyết số 18-NQ/TW phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đất đai là một bộ phận quan trọng của lãnh thổ quốc gia Việt Nam, được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó chính là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, là thành quả từ công sức, xương máu của bao thế hệ cha ông chúng ta, cho nên không thể để cho một tầng lớp hay nhóm người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu.

Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì đất đai của quốc gia phải thuộc sở hữu của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của nhân dân. Việc sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận đất đai tạo ra của cải, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhà nước là chủ thể của quyền lực chính trị, là tổ chức chính trị thể hiện tập trung nhất quyền lực nhân dân, do vậy, Nhà nước phải là công cụ để nhân dân thực hiện quyền lực dưới hình thức dân chủ đại diện.

Điều 53, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là chế độ sở hữu chung của toàn xã hội; các cơ quan nhà nước với tư cách là đại diện pháp lý, được giao quyền thống nhất quản lý trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và giao cho người sử dụng đất một số quyền quan trọng, phù hợp với định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường nước ta.

Như vậy, người sử dụng đất có thể phát triển kinh tế, còn Nhà nước có thể điều tiết quan hệ đất đai có lợi cho lợi ích quốc gia. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Xét cả góc độ lý luận và thực tiễn, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay thể hiện tính đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta cũng như định hướng XHCN mà chúng ta lựa chọn.

Khi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được đảm bảo, Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, duy trì ổn định, phát triển và đảm bảo công bằng xã hội chứ không có chuyện “sở hữu toàn dân về đất đai đã làm cho hàng triệu người khốn khổ; sở hữu toàn dân về đất đai là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên hình thức còn thực tế đã tước quyền sở hữu của nhân dân” như luận điệu của các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.

 

2 nhận xét:

  1. Sở hữu toàn dân về đất đai được hiểu là toàn thể nhân dân đều có quyền sở hữu đất đai và quyền này không thuộc về riêng một cá nhân nào trong xã hội.-K10

    Trả lờiXóa