Social Icons

Pages

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

 KIÊN ĐỊNH CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG MỌI ĐIỀU KIỆN, HOÀN CẢNH

Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào thoái trào thì con đường chủ nghĩa xã hội được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ hoạ với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa.

Các thế lực thù địch luôn luôn lấy sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu để cố chứng minh rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã thật sự lỗi thời, chủ nghĩa xã hội chỉ là không tưởng, là một bước đi chệch hướng tạm thời của lịch sử do sự áp đặt chủ quan của các Đảng Cộng sản nên không thể tồn tại; chỉ có chủ nghĩa tư bản là có sức sống vì nó luôn luôn thích nghi với thời đại. Chúng còn cho rằng, học thuyết về đấu tranh giai cấp, về bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin được các Đảng Cộng sản sùng bái, tin theo một cách mù quáng, nên đã gây ra các cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu trong lịch sử. Khi các Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền thì thiết lập nền chuyên chính vô sản độc tài, phản dân chủ; do đó, phải đánh đổ chế độ một đảng cầm quyền và thay vào đó bằng chế độ đa đảng, đa nguyên chính trị mới thiết lập được một xã hội thật sự dân chủ.

Sự kiện xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là các Đảng Cộng sản cầm quyền ở đó sa vào giáo điều, chủ quan, bảo thủ, sai lầm về đường lối, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, dẫn đến sự khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Khi tiến hành cải tổ, cải cách lại xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, phạm phải sai lầm này đến sai lầm khác, lúc tả khuynh, lúc hữu huynh, kể cả sự phản bội. Có quan điểm khá phổ biến cho rằng, khủng hoảng kinh tế - xã hội là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Nếu thế thì tại sao Trung Quốc, Việt Nam cũng bị khủng hoảng kinh tế - xã hội và gặp rất nhiều khó khăn nhưng chẳng những vẫn đứng vững mà còn có bước phát triển mới? Điều đó chỉ có thể được giải thích là, các Đảng Cộng sản cầm quyền ở đó có đường lối đúng đắn, có đội ngũ cán bộ quyết tâm phấn đấu lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc cải cách, đổi mới, giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin. Rõ ràng, ở đây nhân tố chủ quan - vai trò của Đảng Cộng sản cầm quyền là vô cùng quan trọng, đặc biệt là cơ quan lãnh đạo cấp cao và lãnh tụ của Đảng. Sở dĩ một đảng cầm quyền hùng mạnh nhất, với hơn 20 triệu đảng viên, giàu truyền thống và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng như Đảng Cộng sản Liên Xô, lại chịu sự thất bại nhanh chóng và thảm hại như vậy là bởi, Đảng Cộng sản Liên Xô bị thoái hóa, biến chất, trước hết là trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng, đã hướng công cuộc cải tổ của họ đi chệch mục tiêu xã hội chủ nghĩa, phản lại chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là bài học quý giá mà các Đảng Cộng sản, đặc biệt là các Đảng Cộng sản cầm quyền, cần rút ra về công tác xây dựng Đảng. Nếu Đảng Cộng sản cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, biết vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng của nước mình thì các thế lực thù địch không thể thực hiện được chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng.

  Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là sự thất bại của việc xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không phải là sự lỗi thời của chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa xã hội, như bọn chống cộng và những kẻ theo đuôi chúng lập luận. Tất nhiên, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, bên cạnh tính ưu việt như chúng ta đã biết, cũng có những nhược điểm, khuyết tật. Những nhược điểm, khuyết tật đó, xét cho cùng, là do những điều kiện lịch sử sản sinh ra nó. Do đó, các Đảng Cộng sản cầm quyền cần có nhận thức đúng, có những biện pháp khắc phục những nhược điểm, khuyết tật đó và phát huy những ưu điểm vốn có của nó, đổi mới nó, làm cho nó ngày càng hoàn thiện và đứng vững, như Trung Quốc và Việt Nam đã làm.

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đã làm cho lực lượng sản xuất đạt đến trình độ xã hội hóa cao, dẫn đến quá trình toàn cầu hóa kinh tế dưới dự chi phối của các tập đoàn tư bản lũng đoạn xuyên quốc gia. Bản thân quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng có những biến đổi để thích nghi với sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm nẩy sinh những nhân tố trái với chính nó như là những mầm mống của xã hội tương lai. Thực tế đó đã được phản ánh dưới hình thức méo mó, xuyên tạc trong các mô hình xã hội của các nhà tương lai học phương Tây như “chủ nghĩa tư bản nhân dân”, “chủ nghĩa tư bản của người lao động”, “xã hội hậu công nghiệp”...

Khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa biến đổi, giai cấp công nhân cũng biến đổi theo. Trước kia, giai cấp công nhân là sản phẩm của nền đại công nghiệp cơ khí thì ngày nay, nền sản xuất tự động hóa và sự ra đời của nền kinh tế tri thức đã làm cho họ chuyển hóa dần thành giai cấp công nhân trí thức. Khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không còn thích nghi với lực lượng sản xuất đạt đến trình độ xã hội hóa rất cao và giai cấp công nhân trí thức đã trưởng thành, thì họ sẽ gánh lấy sứ mệnh lịch sử của mình là đưa chủ nghĩa tư bản quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, sự biến đổi của giai cấp công nhân sẽ khiến cho đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản cũng phải phát triển lên một trình độ cao hơn về tri thức, đạo đức cách mạng và phong cách lãnh đạo; có như vậy mới lãnh đạo được giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Trong điều kiện lịch sử mới, chủ nghĩa xã hội được xây dựng cũng có nhiều cái mới, phong phú hơn mà học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học, do bị hạn chế bởi những điều kiện lịch sử sản sinh ra nó, chưa thể đề cập đến. Do đó, các Đảng Cộng sản cần vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết ấy để nó luôn luôn trở thành ngọn cờ lý luận soi đường cho phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới.

Có phải các Đảng Cộng sản sùng bái, tin theo một cách mù quáng học thuyết về đấu tranh giai cấp, về bạo lực cách mạng nên đã gây ra cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu trong lịch sử? Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, đấu tranh giai cấp chỉ là một giai đoạn nhất định trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản. Chuyên chính vô sản chỉ là bước quá độ tiến lên xóa bỏ mọi giai cấp. Chủ nghĩa Mác - Lênin coi bạo lực cách mạng không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện, là “bà đỡ” để đưa xã hội mới ra đời trong lòng xã hội cũ. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, sở dĩ giai cấp vô sản phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của giai cấp tư sản cầm quyền là bởi giai cấp tư sản đã sử dụng bộ máy bạo lực phản cách mạng khổng lồ (quân đội và cảnh sát) để đàn áp đẫm máu cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở cả chính quốc và thuộc địa. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đề cập đến khả năng dùng biện pháp hòa bình nếu giai cấp tư sản tự nguyện rút lui khỏi vũ đài chính trị, nhưng khả năng này rất hiếm. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh tội ác của giai cấp tư sản thống trị trong việc đàn áp giai cấp vô sản và nhân dân lao động; bởi vậy, không thể “đổi trắng thay đen”, đổ tội cho chủ nghĩa Mác - Lênin được.

Phải chăng nền chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân được thiết lập sau khi giành được chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo là độc tài, phản dân chủ? Trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp, chế độ dân chủ bao giờ cũng có hai mặt là dân chủ và chuyên chính. Ở đây cần hiểu vấn đề là dân chủ với ai và chuyên chính với ai. Chế độ dân chủ trong xã hội nô lệ thực hiện dân chủ với giai cấp chủ nô và chuyên chính với giai cấp nô lệ. Chế độ dân chủ trong xã hội tư bản thực hiện dân chủ với giai cấp tư sản và chuyên chính với giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Chế độ dân chủ tư sản là một bước tiến lịch sử so với chế độ dân chủ chủ nô và chế độ chuyên chế phong kiến, nhưng thực chất vẫn là chế độ dân chủ của thiểu số giai cấp tư sản thống trị. Phải chăng giai cấp tư sản xây dựng bộ máy quyền lực nhà nước khổng lồ là để thực thi dân chủ trong toàn xã hội? Không phải như vậy. Bộ máy ấy dùng để đàn áp các lực lượng chống đối khi chế độ tư bản bị đe dọa, nhằm bảo vệ lợi ích và địa vị thống trị của giai cấp tư sản. Mặc dù luật pháp tư sản ghi nhận các quyền tự do, dân chủ của công dân, nhưng trên thực tế, các quyền đó lại bị nhà nước tư sản vi phạm.

Kế thừa và phát triển tư tưởng chuyên chính vô sản của C. Mác, V.I. Lênin đề cập nhiều mặt, nhiều khía cạnh của chuyên chính vô sản. Nhưng vấn đề cốt lõi của nó, theo V.I. Lênin, là giai cấp vô sản nắm quyền thống trị chính trị với ý thức là chỉ một mình mình nắm, thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, giai cấp vô sản nắm quyền thống trị chính trị là nắm lấy nhà nước. Tất nhiên, đó phải là một nhà nước dân chủ kiểu mới (dân chủ đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động) và chuyên chính kiểu mới (chống lại giai cấp tư sản đã bị lật đổ nhưng luôn luôn tìm cách khôi phục lại địa vị thống trị của mình). Do đó, V.I. Lênin gọi chuyên chính vô sản là dân chủ vô sản. Giai cấp vô sản sử dụng chính quyền nhà nước của mình để thực thi và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của đại đa số nhân dân; giáo dục, động viên và tổ chức họ tham gia quản lý nhà nước, tham gia công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, kiên quyết trấn áp các thế lực thù địch vi phạm pháp luật, gây bạo loạn hòng lật đổ nhà nước vô sản và chế độ xã hội mới.

Như vậy, chuyên chính vô sản là phương tiện tất yếu để giai cấp vô sản thực hiện sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, tiến tới chủ nghĩa cộng sản văn minh, xóa bỏ các giai cấp, xây dựng xã hội mới không còn áp bức, bóc lột. Rõ ràng, về bản chất, chuyên chính vô sản luôn mang tính nhân đạo cao cả. Chuyên chính vô sản là một hình thức dân chủ kiểu mới, chưa từng có trong lịch sử trước đây, do đó, trong quá trình thực hiện, nó không tránh khỏi những biểu hiện sai lầm, thiếu sót về mặt này, mặt khác. Những sai lầm, thiếu sót mang tính độc đoán, chuyên quyền của một số nhà lãnh đạo trong các Đảng Cộng sản cầm quyền vì động cơ địa vị và quyền lực cá nhân, xa rời nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số trong hoạt động chính trị, đó không phải là sản phẩm của nền chuyên chính vô sản như các thế lực chống cộng và bọn theo đuôi chúng đã xuyên tạc.

Chuyên chính vô sản có nhiều hình thức chính trị khác nhau, phù hợp với đặc điểm của mỗi nước và trong từng thời kỳ lịch sử. Ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đang xây dựng hệ thống chính trị dân chủ, bao gồm Đảng lãnh đạo, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hiến định. Điều đó chính là sự xác nhận một thực tế lịch sử: chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất cách mạng Việt Nam và đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác - Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới được dư luận thế giới đồng tình và khâm phục. Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm và thực thi các quyền của công dân và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước cũng như đối với xã hội. Đảng, Nhà nước và công dân đều hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Đảng cố gắng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và công chức trong bộ máy công quyền.

Đảng và Nhà nước ta đã làm được nhiều việc để thực hiện chế độ dân chủ của đại đa số nhân dân, đồng thời đề cao trật tự, kỷ cương xã hội, nhằm chống lại những hành động vi phạm pháp luật và những hoạt động chống đối của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị và môi trường hòa bình để nhân dân an cư lạc nghiệp, cùng nhau đoàn kết, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những đường lối, chủ trương lớn của Đảng, những dự án luật quan trọng của Nhà nước đều đưa ra để Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội và nhân dân tham gia ý kiến; qua đó, chúng được chỉnh lý, sửa đổi trước khi ban hành hợp với “ý Đảng, lòng dân”. Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa, chúng ta cũng có những thiếu sót, khuyết điểm, như tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, ức hiếp nhân dân còn xảy ra ở không ít cán bộ, công chức. Đặc biệt, nạn tham nhũng, lãng phí còn xảy ra nghiêm trọng. Đó là cái ung nhọt trong bộ máy công quyền cần kiên quyết cắt bỏ.

Các thế lực thù địch và những kẻ theo đuôi chúng đã thổi phồng những thiết sót, khuyết điểm đó để phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, công kích Đảng Cộng sản Việt Nam là độc tài, phản dân chủ. Chúng làm như vậy nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, hòng thực hiện chiến lược và âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn và lật đổ, xóa bỏ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng kiểu phương Tây. Chúng ta cần làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu đen tối của chúng, kiên quyết bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ mà chúng ta đã tốn bao xương máu mới gây dựng nên. Đảng ta vẫn kiên trì khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mình; kiên trì xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Chúng ta khẳng định chắc chắn rằng, còn chủ nghĩa tư bản, còn đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa thì chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn giữ nguyên giá trị, chưa có một học thuyết nào khác thay thế được.

    Nguyễn Văn Thi

    #SQCT

1 nhận xét: