Social Icons

Pages

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

 PHÁT HUY VÀ LAN TỎA GIÁ TRỊ VĂN HÓA “BỘ ĐỘI CỤ HỒ” GÓP PHẦN ĐẨY LÙI NHỮNG NHẬN THỨC, HÀNH VI PHẢN VĂN HÓA TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

Với phương châm “không có vùng cấm”, Đảng, Nhà nước đã đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng lớn; một số cán bộ, tướng lĩnh Quân đội đã bị khai trừ Đảng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, một số kẻ cơ hội về chính trị và thiếu thiện chí đã lợi dụng vào đó để xuyên tạc bản chất truyền thống của Quân đội; thể hiện sự bất lực về tư duy lý luận; sự hạn hẹp về nhận thức thực tiễn, bất chấp chân lý khách quan. Bởi vì, trên thực tế hiện nay, nhữn giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” đã, đang và sẽ tiếp tục được phát huy và lan tỏa để hạn chế, đẩy lùi những nhận thức, hành vi phản văn hóa trong xã hội Việt Nam.

1. Không thể xuyên tạc sự lan tỏa của giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” cao đẹp trong giai đoạn hiện nay

Thổi phồng những ví dụ tiêu cực trong thời gian vừa qua, những kẻ cơ hội chính trị cho rằng: những tiêu cực của một số ít cán bộ quân đội trong thời gian vừa qua có nguồn gốc từ “lỗi hệ thống”. Trang rfa.org ngày 07 tháng 3 năm 2022 cho đó là “hệ quả tất yếu của một nhà nước không có sự kiểm sát chéo về quyền lực dẫn đến việc “mạnh ai nấy ăn”. Họ cũng dẫn lời của Bloger Nguyễn Ngọc Già xuyên tạc rằng: “Việc tham nhũng nói chung trong toàn xã hội Việt Nam cũng như nói riêng về lực lượng võ trang xảy ra dày đặc như vậy, đối với tôi, không có gì đáng ngạc nhiên hết bởi vì lực lượng công an và quân đội là hai nơi có thẻ nói là nhận được ân sủng rất đặc biệt từ nhà cầm quyền bởi họ bảo vệ cho chế độ độc đảng này”; và rằng: “Cái xuất thân của tuyệt đại đa số người cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình thăng quan tiến chức không có một cái triết lý giáo dục, mà hoàn toàn bằng mọi thủ đoạn. Trong đó, chuẩn mực quan trọng nhất của họ là mãnh lực đồng tiền. Đồng tiền chi phối toàn bộ. Nó như một cuộc mua bán, khi bỏ ra thì phải thu lại kiếm lời”[1].

Lấy cái cụ thể để đưa qua lăng kính phóng đại rồi quy về cái toàn thể, dường như là thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thiếu thiện chí. Họ quy chụp sự thoái hóa, biến chất của một vài tướng lĩnh, cán bộ cao cấp với toàn thể Quân đội, cho rằng Quân đội ta ngày nay đã dần đánh mất bản chất cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” của thế hệ cha anh. Các thế lực thù địch vu cáo: cùng với hệ thống chính trị của Đảng cầm quyền, Quân đội chỉ thực hiện chức năng là công cụ bạo lực của Đảng, còn thì thờ ơ, vô cảm đối với nhân dân. Họ cũng quy chụp Quân đội ta kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, dẫn đến hiện tượng vi phạm kỷ luật “có hệ thống” của cán bộ, chiến sĩ; năng lực sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu không cao, chỉ tiêu tốn tiền thuế của nhân dân một cách vô ích. Họ cắt nghĩa nguyên nhân cốt lõi là do đa số cán bộ, chiến sĩ đã phai nhạt lý tưởng và các giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” đã không được phát huy trong giai đoạn hiện nay.

Trong 10 năm qua (2012-2022), với việc đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, đã có 19.546 vụ việc với 33.868 bị can bị khởi tố, điều tra; trong đó có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang[2]. Những số liệu ấy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc đưa những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng một số kẻ bất mãn đã viện dẫn số liệu ấy để ngang ngược ngụy biện, đánh tráo khái niệm, khi cho rằng: “cái thể chế chính là nguyên nhân dẫn đến việc các quan chức trong chính quyền mặc sức trục lợi và từ đấy tham nhũng ở Việt Nam nở rộ như rừng nấm mọc sau mưa”[3]. Vì vậy, chúng cho rằng, Quân đội không thể, và không cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặt trong thể chế XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Chúng khẳng định: Quân đội phải được “trung lập về chính trị” để thực sự thuộc về Tổ quốc, thuộc về Nhân dân, thực sự mang bản chất “Bộ đội cụ  Hồ”. Đây là những luận điệu không mới, thực chất là nhằm “phi chính trị hóa Quân đội”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.     

   Trên thực tế, những kẻ cơ hội chính trị (mà nhiều trong số đó mang danh trí thức) đã cố tình phớt lờ những bằng chứng không thể chối cái về sự hình thành, phát triển các giá trị văn hóa Bộ đội cụ Hồ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ cách đây hơn 80 năm, Đảng ta đã xây dựng Đề cương về văn hóa (năm 1943) nhằm hoạch định xây dựng một nền văn hóa cách mạng thực hiện mục tiêu “Soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Những quan điểm về xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc (dân tộc hóa), mang tính phổ cập, phổ biến (đại chúng hóa) và luôn tìm cách đấu tranh loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu, bảo thủ phản động; hướng đến cái mới, dân chủ, tiến bộ, dễ học, dễ nắm bắt và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại (khoa học hóa) đã thấm sâu vào phong trào cách mạng nói chung và quá trình thành lập Quân đội ta nói riêng, góp phần hình thành và phát triển văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” trong thời đại Hồ Chí Minh.

 Ngay trong chủ trương xây dựng Quân đội, Đảng ta và Bác Hồ đã coi chính trị là gốc, “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng mà lại có hại”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho đội tiền thân của Quân đội ta là “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Người nhấn mạnh: “Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một Đội tuyên truyền”[4]. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân  cũng thể hiện rõ tư tưởng lực lượng vũ trang ba thứ quân, kháng chiến toàn dân – cũng là sự tiếp nối truyền thống, giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam trong đội quân cách mạng đầu tiên.

Chính sự lãnh đạo của Đảng đã mang lại niềm cảm hứng lớn lao cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam yêu nước. Một thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ đang bế tắc nhiều năm trường dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, đã từ đây mà nhận ra con đường để đến với cách mạng. Nhiều người trong số họ đã nhanh chóng tham gia kháng chiến, trở thành những “bộ đội cụ Hồ”, vừa cầm súng, vừa sáng tác và biểu diễn cổ vũ cho công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và cũng kể từ đây, luôn có một đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước gia nhập và đứng trong hàng ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ đã thấm nhuần chủ trương “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển”[5], để từ đó tự nguyện tham gia kháng chiến và trở thành “bộ đội cụ Hồ”, chiến đấu vì mục tiêu giành độc lập dân tộc, tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng một nền văn hóa mới mà ở đó họ được tự do sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa chân chính.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, kể từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập năm 1944, thấm nhuần các nguyên tắc căn bản trong xây dựng nền văn hóa mới đã được Đề cương văn hóa chỉ ra, văn hóa quân sự đã được bổ sung thêm những giá trị mới nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, đó là: lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, tinh thần nhân văn, nhân đạo trong hoạt động quân sự; nghệ thuật quân sự độc đáo “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh”, đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân;  những phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ”; …Những giá trị đó phản ánh trọn vẹn tính dân tộc, tính đại chúng, tính khoa học của nền văn hóa cách mạng; đồng thời thể hiện rõ bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Một năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (tháng 11 năm 1946) khẳng định phải: xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mà ở đỏ lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; văn hóa phải làm cho mọi người có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng; biết được số phận của bản thân và vị thế làm chủ số phận của bản thân cũng như số phận của quốc gia dân tộc. Phát biể khai mạc Hội nghị, lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: văn hóa phải thực hiện sứ mệnh “Soi đường cho quốc dân đi”. Đối với Quân đội, những quan điểm về xây dựng nền văn hóa mới và con người mới XHCN được khởi nguồn từ Đề cương văn hóa 1943 đã được kết tinh thành những giá trị của “Bộ đội cụ Hồ” cao đẹp. Ở đó, những phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ” cũng là đại diện tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức của người cộng sản Việt Nam, đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI khái quát đó là: “Kiên định vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao, hành động đẹp; đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; có tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt; dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết, tôn trọng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng”[6].

Chính trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Chính phủ, Quân đội ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm tròn chức năng đội quân công tác. Quân đội đã “lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xóa đói, giảm nghèo bền vững... làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”[7]. Các phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo - không đế ai bị bỏ lại phía sau”, Chương trình “Cảnh sát biến đồng hành cùng ngư dân”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Nâng bước em tới trường”, "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Tết quân dân”,… đã được triển khai phù hợp thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, mang lại hiệu quả cao trong công tác vận động quần chúng.

          Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Quân đội đã vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch Covid-19; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19, Quân đội đã thực sự là lực lượng tuyến đầu tin cậy của nhân dân, bên cạnh lực lượng y tế và hệ thống chính trị các địa phương có dịch. Trong giai đoạn chưa tiêm phủ vacine phòng Covid-19, sự hỗ trợ của Quân đội đối với các địa phương càng có ý nghĩa quyết định.Tính đến cuối năm 2021, “toàn quân đã triển khai 1.978 tổ, chốt với 13.668 cán bộ, chiến sĩ tham gia (380 tổ lưu động) kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn người và hàng hóa xuất, nhập cảnh trái phép; huy động trên 130.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ (gần 6.000 cán bộ, nhân viên quân y, riêng các tỉnh phía Nam là 5.000 đồng chí) phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt hỗ trợ phòng, chống, kiểm soát dịch (660 tổ quân y cơ động, quản lý, hỗ trợ điều trị tại nhà, cơ sở ngoài bệnh viện 155.702 người nhiễm), xét nghiệm 2,2 triệu mẫu; tổ chức 190 điểm cách ly y tế, bảo đảm phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho hơn 295.000 lượt người. Các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, bệnh viện và trung tâm điều trị với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y đã tiếp nhận, điều trị hơn 17.000 bệnh nhân Covid-19 (các tỉnh phía Nam có 16.602 bệnh nhân). Toàn quân đóng góp 510 tỉ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Quốc phòng điều động hàng nghìn xe ô tô vận chuyển vaccine đến các địa phương; khử khuẩn hàng nghìn khu vực, điểm có dịch. Nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo, mô hình hay, thể hiện sâu sắc tình cảm tốt đẹp và mối quan hệ quân - dân, như: hiến máu tình nguyện, tổ chức các phiên chợ nghĩa tình, gian hàng “0 đồng”, đi chợ giúp dân, đưa xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho nhân dân đến từng ngõ ngách, tổ dân phố, phối hợp với địa phương giúp thu hoạch nông sản cho nông dân, v.v.”[8]     

          Cũng trong khoảng thời gian nói trên, nước ta đồng thời phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020 nước ta xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 tại khu vực miền Trung và hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2020, khu vực duyên hải miền Trung bị 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 cơn áp thấp nhiệt đới “đánh phá”. Trong đó, cơn siêu bão số 9 gió cấp 14, giật cấp 17 với thời gian lưu gió mạnh 6-7 giờ, mạnh nhất trong 20 năm đổ bộ trùng triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề. Các cơ quan, đơn vị quân đội đều chủ động quán triệt và thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” để đối phó với thiên tai. Chỉ tính hơn hai tháng cuối năm 2020, quân đội đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 348.720 nghìn lượt phương tiện và trên 1.672.373 nghìn lao động, 186 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn các khu dân cư, khu công nghiệp, nhà cao tầng, công trình đang thi công; tổ chức sơ tán trên 282.547 hộ với 994.859 nhân khẩu đến nơi an toàn[9].

          Những kết quả trên đã tiếp tục khẳng định truyền thống "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn gian khổ, kề vai sát cánh giúp đỡ nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” trong đời sống xã hội. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; qua đó, ngày càng làm sâu sắc hơn, toả sáng hơn phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình mới... cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Quân đội trong lòng dân”.[10]. Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân chính là câu trả lời vô cùng vững chắc và thực sự đanh thép, đập ta những luận điệu xuyên tạc, ngụy biện, đánh tráo khái niệm của những kẻ cơ hội chính trị.

          2. Phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” góp phần đẩy lùi những nhận thức, hành vi phản văn hóa trong xã hội theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hoá, một gia đình có văn hoá, một dân tộc có văn hoá; lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá, cách ứng xử có văn hoá,...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”[11]. Như vậy, đối lập với những giá trị văn hóa của con người Việt Nam là những nhận thức và hành vi phản văn hóa vẫn luôn tồn tại song hành trong xã hội.

Ở nước ta, những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng. Trong lao động, sản xuất, thói quen tiểu nông, chụp giật trong kinh doanh, buôn bán đã khiến cho một bộ phận người dân nảy sinh lòng tham, từ đó xuất hiện không ít hành vi làm hàng giả, buôn lậu,...lành ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tính mạng của đồng bào. Những hiện tượng phản văn hóa cũng xâm nhập vào trong đời sống gia đình, phá vỡ nhiều chuẩn mực thiêng liêng đã được xây dựng từ ngàn đời trong văn hóa dân tộc Việt Nam khiến cho mối quan hệ cha mẹ với con cái, chồng với vợ, anh với em bị rạn nứt, đổ vỡ. Trong quan hệ xã hội, sự thờ ơ, vô cảm xuất hiện ngày càng nhiều làm phai nhạt tính cố kết cộng đồng và tình làng, nghĩa xóm. Đặc biệt, mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày càng bộc lộ rõ như: Ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, văn hóa, xã hội; phân hóa giàu nghèo; cạnh tranh không lành mạnh; ô nhiễm môi trường và phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội... trong đó có vấn nạn tham ô, tham nhũng. Các quy luật kinh tế, cạnh tranh, đặc biệt là quy luật giá trị không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến tư tưởng, tình cảm, kích thích sự quan tâm của con người đến lợi ích vật chất. Trong điều kiện đó, một số người quá đề cao các yếu tố vật chất đã hình thành, phát triển lối sống thực dụng, bỏ qua những giá trị, chuẩn mực đạo đức, nhân cách con người, văn hóa xã hội. Một số người vì những mục tiêu cá nhân, để làm giàu, kiếm tiền đã dùng mọi thủ đoạn, trong đó có tham ô, hối lộ, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước,...Tất cả đều thuộc về những nhận thức, hành vi phản văn hóa đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội nước ta, đòi hỏi phải được đấu tranh khắc phục, xóa bỏ trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay.

Để thực hiện điều đó, bên cạnh những biện pháp hành chính và thực thi pháp luật mang tính răn đe, cần lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân rộng những tấm gương bình dị và trong sáng, người tốt, việc tốt trong toàn xã hội theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”; để “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” như lời dạy của Bác Hồ. Phát huy và không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” cao quý trong đời sống xã hội hiện nay chính là nhằm thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường văn hóa xã hội Việt Nam hiện nay.

Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung, phương hướng sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam: quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa quân sự của cha ông trong giai đoạn hiện nay như: tinh thần “toàn dân đánh giặc” được phát triển thành đường lối quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân; vận dụng linh hoạt “thế, lực, thời, mưu” để đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh; tư tưởng “mưu phạt tâm công”, “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”… 

Hai là, Quân đội tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chức năng “đội quân công tác” trong giai đoạn hiện nay. Vận động cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, giảm nghèo bền vững..., chú trọng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng. Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đặc biệt trong điều kiện xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới.

Ba là, các đơn vị cần phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp và vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên khi tổ chức các lực lượng tuyến đầu. Cán bộ chủ trì các cấp cần có tinh thần quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho bộ đội tham gia phòng chống thiên tai và dịch bệnh, cứu giúp nhân dân; tập trung cao độ tinh thần, trí tuệ để tìm ra những phương pháp, cách thức tổ chức điều hành linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hăng hái, xung phong nhận việc khó, nơi phức tạp, vị trí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm để làm gương, mang lại sức mạnh hiệu triệu, cổ vũ tinh thần cho bộ đội trong thực hiện chức năng “đội quân công tác”. Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần có biện pháp huy động sức trẻ, sự năng động, sáng tạo của thanh niên Quân đội trên tuyến đầu chống dịch. Cần xác định đây là lực lượng nòng cốt ở các vị trí, thời điểm thiết yếu để thường xuyên giáo dục, động viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng xả thân vì nhân dân của đoàn viên, thanh niên. Tăng cường huấn luyện, rèn luyện và thường xuyên định hướng, uốn nắn, chỉ bảo để đoàn viên thanh niên các đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ trong quá trình tham gia phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nhất là khi hoạt động độc lập ở địa điểm dưới sự quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyển địa phương.

           Bốn là, đổi mới tư duy và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đối với tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đặt trọng tâm Cuộc vận động vào việc giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” với nội dung mới phù hợp với sự phát triển của thời đại. Cuộc vận động cũng cần hướng vào việc thu hút nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu rất cao của quá trình hiện đại hóa Quân đội trong những năm tới; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực tiến thẳng lên hiện đại như: tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử, không quân, hải quân, công nghiệp quốc phòng, thông tin liên lạc...

Năm là, tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng các mối quan hệ văn hóa ngày càng tốt đẹp, chuẩn mực, trở thành hình mẫu trong đời sống xã hội như: quan hệ cấp trên-cấp dưới, quan hệ đồng chí-đồng đội, quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa bộ đội với nhân dân, quan hệ đoàn kết hữu nghị, hiểu biết, tin cậy với quân đội và nhân dân các nước láng giềng của các đơn vị đóng quân ở các địa bàn biên giới;…

Sáu là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ  văn nghệ sĩ, trí thức Quân đội ngày càng đông đảo về số lượng, tinh mạnh về chất lượng; có các cơ chế mạnh mẽ động viên, khuyến khích đội ngũ này phát huy tối đa năng lực sáng tạo, lòng nhiệt huyết trong nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa quân sự Việt Nam trong tình hình mới và sáng tác, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao phản ánh đầy đủ đời sống của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội về chính tri, bất mãn với chế độ luôn luôn ở trong trạng thái triết chung, ngụy biện, xảo trá đánh tráo khái niệm. Việc xuyên tạc sự tồn tại của các giá trị văn hóa “Bộ đội cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn nằm trong chiến lược thúc đẩy “phi chính trị hóa quân đội” của họ. Tuy nhiên, với những luận chứng, luận cứ đanh thép được khẳng định trên thực tiễn của cách mạng Việt Nam những năm qua, chúng ta có quyền khẳng định rằng: các giá trị văn hóa Bộ đội cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng. Và rằng: với những giá trị văn hóa ấy được tiếp tục phát huy, lan tỏa; chúng ta nhất định sẽ giảm thiểu tác hại, tiến tới bài trừ những nhận thức, hành vi phản văn hóa trong xã hội Việt Nam hiện nay./.

Nguyễn Minh Cường

#SQCT

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị, Báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Hà Nội, 2022.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 2, Nxb CTQG, H.2008, tr.882.

3. Đề cương về Văn hóa Việt Nam (năm 1943 của TƯ).

4. Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo chính trị của Quân ủy trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H.2020, tr.26.

5. Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo chính trị của Quân ủy trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H.2020, tr.5.

6. Trung tướng Trịnh Văn Quyết,Toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, quyết tâm cùng cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, Hà Nội, 2021.



[1] RFA, Lý giải việc một loạt tướng, tá quân đội và công an bị kỷ luật, rfa.org, 03.7.2022.

[2] Bộ Chính trị, Báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Hà Nội, 2022.

[3] RFA, “Còn Đảng, còn mình”: Tham nhũng ở Việt Nam là con đẻ của chế độ, rfa.org, 14.07.2022.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2008, tr.882.

[5] Đề cương về Văn hóa Việt Nam (năm 1943 của TƯ).

[6] Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo chính trị của Quân ủy trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H.2020, tr.26.

[7] Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo chính trị của Quân ủy trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H.2020, tr.5.

[8] Trung tướng Trịnh Văn Quyết,Toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, quyết tâm cùng cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, Hà Nội, 2021.

[9] Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu¸ Báo cáo kết quả công tác cứu hộ, cứu nạn năm 2020, Hà Nội, 2021.

[10] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Hà Nội, 2020.

[11] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Hà Nội, 2021.

1 nhận xét: