PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM CHO RẰNG: “TRƯỚC SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG 4.0, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VÀ AN NINH NHÂN DÂN HIỆN NAY KHÔNG PHÙ HỢP”
Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập với thế giới, do đó sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi ngày càng phải được nâng cao. Đây là chủ trương chiến lược xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta và trên thực tế, đã thực sự phát huy vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lĩnh vực mà các thế lực thù địch tập trung chống phá, hòng làm suy yếu sức mạnh quốc phòng, an ninh cũng như khả năng phòng thủ đất nước. Vì vậy, nhận diện, kiên quyết đấu tranh phê phán quan điểm sai trái, thù địch đó là vấn đề cấp thiết, cả trước mắt và lâu dài.
Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần
thứ Tư đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động quân sự, quốc
phòng, an ninh, tạo ra các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới với những
tính năng vượt trội, có sự nhảy vọt về chất, làm xuất hiện các hình thái chiến
tranh và phương thức tác chiến mới. Từ đó, trong xã hội xuất hiện quan điểm đề
cao vai trò của khoa học công nghệ, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, dần
đi đến phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Để phê phán
quan điểm trên, bài viết đề cập đến sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp
4.0 đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đồng thời làm rõ vị trí, vai trò và tầm
quan trọng của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt đối phó với chiến tranh công nghệ
cao (nếu xảy ra) dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
1. Luận điểm phủ nhận đường lối xây dựng nền quốc
phòng toàn dân và an ninh nhân dân trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp
4.0
Cuộc đấu tranh bảo vệ
quan điểm, đường lối của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã
và đang diễn ra vô cùng gay go, phức tạp. Trong những năm gần đây, đặc biệt trước
sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ Tư - gọi tắt là CMCN
4.0 đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các thế lực thù địch quốc tế và trong
nước bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tìm mọi biện pháp làm
suy yếu và phá vỡ nền tảng chính trị ở nước ta, trực tiếp chống phá những quan
điểm, đường lối của Đảng ta trong điều kiện mới. Một trong những nội dung quan
trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là đường
lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân đã và đang bị các
thế lực thù địch phủ định. Chúng cho rằng, trước sự tác động của cuộc cách mạng
4.0 đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chiến tranh xảy ra vũ khí, phương tiện
chiến tranh công nghệ cao sẽ giữ vai trò quyết định. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo
ra những người lính robot cực kỳ thông minh, hoạt động 24/24 giờ không mệt mỏi,
có sức mạnh và sức chịu đựng phi thường... Lý luận chiến tranh đã thay đổi, nghệ
thuật quân sự của quân đội các nước đều có sự thay đổi, vì thế đường lối xây dựng
nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
là lỗi thời, không phù hợp. Luận điểm đó nhằm gây hoang mang và mất niềm tin của
cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Đây chỉ là những thủ đoạn lừa gạt, sự ngộ nhận và đề cao quá mức bởi sức của vũ
khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao, dẫn tới mù quáng không nhận thấy
vai trò của yếu tố con người, sức mạnh tổng hợp của dân tộc ta mà không loại vũ
khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nào, không một kẻ thù nào có thể khuất phục
được. Vì thế, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh
chính là con đường duy nhất để đánh thắng cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí,
phương tiện chiến tranh công nghệ cao trước sự tác động của cuộc CMCN 4.0.
2. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động của
nó đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng
Thế giới đã trải
qua ba cuộc CMCN với các bước phát triển nhảy vọt về khoa học, công nghệ
và hiện nay đang bước vào cuộc CMCN lần thứ Tư. Bản chất của cuộc cách
mạng này là dựa trên nền tảng công nghệ số và sự tích hợp các công
nghệ thông minh trên lĩnh vực vật lý và sinh học với trung tâm là sự phát
triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn
(Big Data), công nghệ na-nô, v.v. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, CMCN
4.0 có tốc độ đột phá chưa từng có trong lịch sử, tạo ra những khả
năng hoàn toàn mới, làm thay đổi hầu hết các ngành công nghiệp ở
mọi quốc gia, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Trước đây, sự phát triển, tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu
vào có giới hạn (nhân công, tài nguyên,...), thì giờ đây, với CMCN 4.0, sự
tăng trưởng lại chủ yếu dựa vào các yếu tố không bị giới hạn bởi (công
nghệ, sự đổi mới sáng tạo,...); từ đó, tác động mạnh mẽ đến sản
xuất, tiêu dùng, giá cả trên phạm vi toàn cầu, hình thành các lĩnh
vực hoạt động mới, như: “In-tơ-nét công nghiệp”, “Nhà máy thông minh”,
“Thành phố công nghệ”, “Xã hội siêu thông minh”, v.v. Đồng thời, tác
động mạnh mẽ, tạo cơ sở tối ưu hóa quá trình, phương thức chỉ đạo,
quản lý, điều hành các hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, quốc
phòng, an ninh. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức, như:
có thể làm chậm lại, thậm chí làm đổi hướng sự chuyển dịch trọng
tâm chiến lược kinh tế toàn cầu, gia tăng sự bất bình đẳng giữa các
quốc gia, tác động tiêu cực đến các nước chủ yếu dựa vào nguồn nhân
công rẻ, buộc các nước phải tái cơ cấu nền kinh tế; một số ngành kinh
tế bị thu hẹp, đào thải; nhóm lao động giản đơn, lớn tuổi, ít kỹ
năng, gắn với công nghệ cũ có nguy cơ thất nghiệp rất cao.
Đối với lĩnh vực quân
sự, quốc phòng, CMCN 4.0 đang và sẽ có tác động mạnh mẽ, toàn diện,
mang đến những bước phát triển cao hơn cũng những thách thức lớn hơn. Nhiều
thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được đưa vào ứng
dụng rộng rãi; tạo ra các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, như:
vũ khí năng lượng, gen sinh học, rô-bốt tác chiến,... với những tính năng
vượt trội, có sự nhảy vọt về chất; từ đó, làm xuất hiện các hình thái chiến
tranh và phương thức tác chiến mới. Tuy nhiên, việc ứng dụng các sản phẩm của
CMCN 4.0 trong hoạt động quân sự, ở góc độ nào đó có thể tạo ra hệ lụy nguy hiểm.
Các nước, nhất là nước lớn, có thể sử dụng thành tựu khoa học, công
nghệ quân sự vào mục đích không chính nghĩa, sử dụng “sức mạnh mềm”,
can dự, chi phối về chính trị, chính sách đối nội, đối ngoại của
các nước khác; thực hiện “điều khiển” từ xa, từ bên ngoài, buộc các
nước đang phát triển, chậm phát triển phải phụ thuộc, mất độc lập,
tự chủ, khó nhận thấy hoặc nhận thấy nhưng khó cưỡng lại. Nhu cầu
đầu tư vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao có thể dẫn
đến cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém và càng phải phụ thuộc vào
nguồn cung cấp từ các nước phát triển. Trong khi đó, thế giới chưa
có cơ chế để quản lý, giám sát việc ứng dụng các thành tựu khoa
học, công nghệ quân sự mới để hạn chế tác động từ mặt trái của
CMCN 4.0.
3. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân
dân vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp là con đường duy nhất đúng để bảo vệ Tổ quốc
trước sự tác động từ mặt trái của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ nhất, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là
nền quốc phòng, an ninh có sức mạnh tổng hợp cao, có sức đề kháng mạnh mẽ nhất
và có khả năng ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh hiệu quả nhất,
đặc biệt chiến tranh công nghệ cao
Chiến tranh bằng hình
thức nào, dù là vũ khí thông thường hay bằng vũ khí, phương tiện chiến tranh
công nghệ cao cũng đều là chiến tranh và gây ra những thiệt hại, tổn thất nặng
nề về kinh tế, chính trị, con người, ảnh hưởng đến ổn định, hòa bình thế giới.
Vì vậy, giữ vững ổn định, hòa bình cho đất nước mà không phải tiến hành chiến
tranh, hay “đánh thắng chiến tranh ngay khi nó chưa xảy ra” mới là tối ưu. Tôn
tử nói: “Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho cả nước địch khuất phục trọn vẹn
là thượng sách, đánh nó kém hơn. Làm cho toàn quân địch khuất phục là thượng
sách, đánh nó là kém hơn. Thế nên bách chiến, bách thắng cũng chưa phải cách
sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm cho kẻ địch khuất phục mới
gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt”. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước
của dân tộc ta, tư tưởng giữ nước cơ bản, bao trùm nhất của tổ tiên ta là “Giữ
nước từ khi chưa nguy”. Thời đại Hồ Chí Minh, trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng Cộng
sản Việt Nam đã phát triển tư duy nhận thức căn bản trong lĩnh vực quân sự, quốc
phòng, từ tư duy chủ yếu về chiến tranh sang tư duy giữ nước mà không phải chiến
tranh, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Đảng chỉ rõ: “Có kế sách ngăn ngừa các
nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” [2, tr.156]. Để hiện thực hóa tư
tưởng, quan điểm nêu trên, Đảng ta, nhân dân ta phải lựa chọn đường lối xây dựng
nền quốc phòng, an ninh phù hợp nhất, hiệu quả nhất, đường lối ấy chỉ có thể là
đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, có sự
phát triển cao trong các điều kiện mới.
Nền quốc phòng toàn
dân là nền quốc phòng của dân, do dân và vì dân, đó là nền quốc phòng mang tính
chất hòa bình, tự vệ, được xây dựng toàn diện cả tiềm lực, lực lượng và thế trận,
do nhân dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và nhân
dân làm chủ. Đó là nền quốc phòng phát huy được cao nhất các giá trị truyền thống,
cốt cách văn hóa Việt Nam, sức mạnh mọi mặt của Việt Nam: chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và sức mạnh thời đại. Cùng với
nền an ninh nhân dân giữ cho đất nước ổn định và phát triển, kịp thời phát hiện
và triệt tiêu các nguy cơ từ bên trong có thể gây đột biến. Đấu tranh có hiệu
quả với các âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch nước ngoài
theo quan điểm giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng giải pháp hòa bình trên
cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Nền quốc phòng toàn dân còn là nền quốc
phòng không ngừng hiện đại, với sức mạnh quân sự nhà nước ngày càng lớn mạnh, sức
mạnh quân đội làm nòng cốt, đủ sức răn đe và đánh thắng ngay từ thời bình. Như
vậy, có thể khẳng định: chỉ có xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân
dân vững chắc ngay từ thời bình mới có điều kiện để ngăn chặn và đẩy lùi các
nguy cơ chiến tranh, kể cả chiến tranh công nghệ cao trước sự tác động của CMCN
4.0. Đó là sự lựa chọn tối ưu nhất đối với Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Thứ hai, nền quốc phòng toàn dân,
an ninh nhân dân, chỗ dựa chủ yếu để tiến hành chiến tranh nhân dân (nếu xảy
ra) đánh thắng chiến tranh công nghệ cao
Có thể khẳng định, nếu
buộc phải tiến hành chiến tranh, chúng ta vẫn tiến hành theo đường lối chiến
tranh nhân dân. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dựa trên sức mạnh của
đất nước để đánh giặc, toàn dân là binh, đánh giặc với các loại vũ khí đa dạng:
đơn giản, thô sơ, hiện đại. Tác chiến với cách đánh rất linh hoạt: du kích,
chính quy, quy mô nhỏ, vừa, lớn, nhỏ lẻ, rộng khắp, đánh bên sườn, phía sau,
đánh sâu, đánh hiểm... với nhiều hình thức, phương pháp thích hợp. Chiến tranh
như thế hoàn toàn có thể chế ngự được ưu thế của vũ khí, phương tiện chiến
tranh công nghệ cao mà đối phương sử dụng, nhưng nó chỉ phát huy được hiệu quả
dựa trên nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc và
không ngừng hiện đại từ thời bình. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh
nhân dân vững chắc là sự chuẩn bị tốt nhất về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật
chất, kỹ thuật, tiềm lực và thế trận cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu
xảy ra), bảo đảm điều kiện để đánh thắng cuộc chiến tranh mà đối phương sử dụng
vũ khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao.
Đặc điểm cơ bản của
chiến tranh công nghệ cao trước sự tác động của CMCN 4.0: tác chiến tấn công điều
khiển học dựa trên không gian mạng; vũ khí, trang bị công nghệ cao, các loại
phương tiện không người lái, các robot quân sự sẽ là phương tiện tác chiến chủ
yếu trên chiến trường. Tuy nhiên, đặc tính cơ bản của các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh công
nghệ cao thường hoạt động theo những quy luật nhất định, dựa vào nhận dạng địa
hình, định vị mục tiêu... Bằng tác chiến của chiến tranh nhân dân, ta làm thay
đổi quy luật, biến dạng địa hình, di chuyển, dịch chuyển, làm mục tiêu giả, tổ
chức hệ thống phòng không nhân dân rộng khắp, có thể hạn chế được hiệu quả của
các vũ khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao, tiêu diệt được các loại máy
bay, tên lửa hành trình của địch. Giả sử đối phương có tác chiến điện tử mạnh,
ta vẫn có thể chế áp điện tử được hiệu quả trinh sát của chúng; nếu chỉ huy hiệp
đồng bị giám đoạn, ta vẫn có thể chiến tranh nhân dân để chiến đấu. Vũ khí,
phương tiện chiến tranh công nghệ cao với uy lực mạnh, khả năng tiến công cao,
sức hủy diệt lớn và rất tinh vi xảo quyệt, nhưng chắc chắn kẻ địch không đủ để
tiến công, phá hủy, xâm chiếm tất cả mọi mục tiêu trên khắp đất nước Việt Nam.
Hơn nữa, với nền quốc phòng hiện đại, chúng ta vẫn có thể tiêu diệt được bộ phận
lực lượng, phương tiện công nghệ cao của địch. Điều đó đã được chứng minh trong
lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1972 ta đã bắn rơi máy bay B.52 của
đế quốc Mỹ. Nhưng quan trọng hơn, bằng thế trận chiến tranh nhân dân, chúng ta
có điều kiện bảo toàn lực lượng, tồn tại sau các đòn tiến công bằng vũ khí,
phương tiện chiến tranh công nghệ cao của địch, đây là một thắng lợi lớn, vì Đảng
còn, Nhà nước còn, Nhân dân còn, quân đội còn thì Việt Nam còn tiếp tục chiến đấu
để giành thắng lợi.
Có thể nói, với điều
kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đứng trước sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến
lĩnh vực quân sự, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh thì đường lối duy nhất
đúng vẫn là tiến hành chiến tranh nhân dân, một cuộc chiến tranh nhân dân đúng
nghĩa thì không một thế lực nào có thể đánh bại được, kể cả là các thế lực sử dụng
chiến tranh công nghệ cao. Nhưng cuộc chiến tranh ấy phải được chuẩn bị trên cơ
sở là kết quả xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc
ngay từ thời bình. Vì vậy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vẫn
là đường lối xây dựng nền quốc phòng, an ninh đúng đắn trong giai đoạn cách mạng
hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Tăng cường tiềm lực
quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền
quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân” [2, tr.157]; xây dựng và củng cố vững
chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân để tiến hành chiến
tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
4. Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng nền quốc phòng
toàn dân và an ninh nhân dân trước sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp
4.0
Cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tác động nhiều mặt đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để tận dụng thời cơ, hạn chế thách
thức, tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh,
chúng ta cần có các chủ trương, giải pháp chiến lược đồng bộ.
Trước hết, tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận quân
sự, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Để đáp ứng với yêu cầu
bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới việc nghiên cứu phát triển lý luận nghệ
thuật quân sự cần tập trung vào đặc điểm của chiến tranh công nghệ cao;
phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân đối phó với các hình thái
chiến tranh xâm lược mới; hình thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ huy,
điều hành tác chiến, chiến tranh. Chú trọng nghiên cứu lý luận tổ chức,
xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là về cơ cấu, tổ chức các
quân chủng, binh chủng và vấn đề trang bị cho các lực lượng này. Từ đó,
có hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện, đào
tạo theo phương thức tạo ra các “sản phẩm” đáp ứng cao nhất yêu cầu
của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đối với khoa học
xã hội nhân văn quân sự, cần tập trung nghiên cứu làm phong phú và sâu sắc
hơn lý luận về nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội;
về nhân tố chính trị, tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng,
biết đánh và biết thắng địch. Khoa học kỹ thuật, hậu cần quân sự
tập trung nghiên cứu phát triển các phương tiện kỹ thuật, hậu cần
quân sự công nghệ cao; phương thức, giải pháp bảo đảm kỹ thuật, bảo
đảm hậu cần cho các hình thái chiến tranh mới, các loại hình tác
chiến chiến lược, nhất là trong các môi trường không, bộ, biển và không
gian mạng, v.v. Quá trình thực hiện cần theo phương châm nghiên cứu, sáng
tạo các nguyên lý, phương thức, sản phẩm mới, đáp ứng tốt nhất yêu
cầu của thời kỳ CMCN 4.0. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục
nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân
sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới” [2,
tr.159].
Hai là, phải có chiến lược phát triển khoa học quân sự
hiện đại đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới.
Phải khẳng định rằng,
giai đoạn hiện nay và thời gian tới, sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 là xu
thế tất yếu. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn về
vai trò, tác động của cuộc cách mạng này cả mặt tích cực và tiêu cực
đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh Việt Nam; từ đó, xác lập các giải
pháp đồng bộ, thiết thực. Trong bối cảnh chiến lược mới và dưới tác động của
CMCN 4.0, sẽ làm gia tăng sự chênh lệch về sức mạnh quân sự, quốc
phòng giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta lựa chọn con
đường mua sắm vũ khí, trang bị để hiện đại hóa Quân đội là chủ yếu thì
sẽ bất lợi và không thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch với các nước. Mặt
khác, trí tuệ nhân tạo, vũ khí, phương tiện mới, dù hiện đại đến
đâu, đều là sản phẩm của con người và do con người khai thác, làm
chủ. Vì thế, cùng với việc đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại,
cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa nhân tố con người và vũ
khí. Theo đó, chúng ta cần dựa trên hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ
thiết yếu kết hợp với phát huy nhân tố con người trong điều kiện mới để
tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, tạo “gia tốc” phát triển
lớn hơn, đối phó hiệu quả với thách thức của vũ khí, phương tiện chiến
tranh công nghệ cao. Cần thấy rằng, đối với nước ta, dù có phát triển đến đâu
thì chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc vẫn là phương thức hữu hiệu
nhất để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến tranh công
nghệ cao. Tuy nhiên, trong điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc,
chúng ta không chỉ có ý chí, quyết tâm mà phải cần phải có trí tuệ,
trình độ khoa học, công nghệ bắt kịp với sự phát triển của thời
đại và điều đó cũng có nghĩa là, chiến tranh nhân dân cần phát triển lên
tầm cao mới về mọi mặt. Do đó, Văn kiện Đại hội XIII Đảng đã chỉ rõ: “Có
chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới
và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư” [2,
tr.140].
Ba là, tiếp tục đẩy mạng đào tạo nguồn nhân lực chất
lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới.
Đây là vấn đề rất quan
trọng, bởi con người chính là nhân tố quyết định trong việc ứng dụng
các thành tựu khoa học, công nghệ quân sự của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên,
yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực thời kỳ này cao hơn nhiều; trong đó,
quan trọng nhất là phát huy được tính sáng tạo và khả năng tiếp thu,
làm chủ công nghệ tiên tiến. Nếu như trong các ngành kinh tế, xuất
hiện ngày càng nhiều “nhân viên lao động số”, thì trong lĩnh vực quốc
phòng, quân sự càng cần xây dựng đội ngũ sĩ quan chất lượng cao, “nhân
viên chuyên môn kỹ thuật số”. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn
nhân lực chất lượng cao nói chung, trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói riêng
giữ vai trò rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần chú trọng đào
tạo, huấn luyện về khoa học, công nghệ, ngoại ngữ; đổi mới nội dung,
phương pháp dạy và học. Trong đó, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung
tâm đào tạo khoa học, công nghệ quân sự và ngoại ngữ kết hợp với
nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao lưỡng dụng; đồng
thời, mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, tạo nền
tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội. Vì vậy, Văn kiện Đại
hội XIII Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới
cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực
chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” [2, tr.160].
Bốn là, phát triển công nghiệp quốc phòng thực sự trở
thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Đây là lĩnh vực chịu
tác động mạnh mẽ, sâu sắc từ cuộc CMCN 4.0, đồng thời là nhân tố có vai
trò quan trọng, trực tiếp chế tạo các sản phẩm công nghệ cao trang
bị cho Quân đội. Do đó, cần lựa chọn các nhóm, ngành công nghệ phù
hợp với khả năng, điều kiện của Việt Nam; ưu tiên đầu tư xây dựng có
trọng điểm cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổng công ty, tiến tới hình
thành tập đoàn công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, làm nòng cốt,
nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ cao, khuyến khích đổi mới, sáng
tạo. Từng bước hòa nhập công nghiệp quốc phòng vào hệ thống công
nghiệp quốc gia, khai thác có hiệu quả các nguồn lực: nhà nước, xã
hội, tập trung xây dựng, phát triển công nghiệp lưỡng dụng công nghệ
cao; kết hợp sản xuất với mua sắm, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa
vũ khí, trang bị quân sự cho lực lượng vũ trang.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh
bổ sung, điều chỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, tập
trung nguồn lực thực hiện các chương trình dự án trọng điểm. Quá
trình thực hiện cần trên cơ sở tổng kết, đánh giá cơ chế, chính sách,
hệ thống luật pháp hiện hành và yêu cầu mới của lĩnh vực quân sự,
quốc phòng trong thời kỳ CMCN 4.0 để bổ sung, điều chỉnh, xây dựng cơ chế,
chính sách phù hợp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhưng chặt chẽ
để tận dụng cơ hội, hạn chế tác động tiêu cực. Qua đó, làm cơ sở xây
dựng kế hoạch chiến lược tổng thể về quốc phòng, quân sự thời kỳ
CMCN 4.0.
Nghị quyết Trung
ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã
đề ra nhiệm vụ, giải pháp: phát triển khoa học, công nghệ, nghệ
thuật quân sự, an ninh và ứng dụng các thành tựu khoa học vào huấn
luyện, sẵn sàng chiến đấu, v.v. Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo
hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc
gia” [2, tr.159]. Đó là những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân
sự, quốc phòng thời kỳ CMCN 4.0. Nhận thức sâu sắc quan điểm của
Đảng, đổi mới tư duy, tiến hành đồng bộ các nội dung, giải pháp nêu
trên là cách thức để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, khó khăn,
góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới.
Từ sự phân tích trên
có thể khẳng định, một nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh,
ngày càng hiện đại được biểu hiện ở lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân gắn
với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận nòng dân” do lực lượng vũ trang nhân
dân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý điều
hành thống nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy tụ được sức
mạnh dân tộc, được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, nhất định chúng ta có đủ sức
mạnh vật chất và tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù tiến hành chiến tranh dù ở
hình thức nào, kể cả chiến tranh công nghệ cao với sự ứng dụng của CMCN 4.0. Vì
thế, quan điểm cho rằng “sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến lĩnh vực quân sự,
đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân hiện
nay là không phù hợp”. Đây là quan điểm sai trái, cần được phê phán mạnh mẽ.
Vũ Đình Thuận
#SQCT
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2021.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2021.
bọn zận chủ là chuyên xuyên tạc
Trả lờiXóa