Social Icons

Pages

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Lời tuyên bố cách mạng không ngừng của những người cộng sản

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo vào tháng 2/1848. Đây không chỉ là một tác phẩm lý luận mà còn là bản cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là lời tuyên bố cách mạng không ngừng của những người cộng sản trên toàn thế giới. Đây là một cương lĩnh của Đảng với sự đầy đủ chi tiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Tuyên ngôn) ra đời với mục đích là: “những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình, và phải có một tuyên ngôn của Đảng của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”[1]Tuyên ngôn đã nêu ra tính tất yếu của cuộc cách mạng vô sản: “xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp - nó chỉ đem những giai cấp mới,những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới, thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”[2]Tuyên ngôn cũng nêu ra các giai đoạn của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, từ công nhân riêng lẻ đến công nhân trong một công xưởng sau đó người công nhân của một ngành công nghiệp, một địa phương chống lại người tư sản trực tiếp bóc lột họ...

và tiến đến đỉnh cao, cuộc đấu tranh toàn bộ giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản. Phong trào từ tự phát đến tự giác, từ kinh tế lên chính trị. Cuộc đấu tranh này phát triển đến giai đoạn cao (đỉnh điểm), mâu thuẫn giai cấp gay gắt, đồng thời giai cấp vô sản lớn mạnh về chính trị, và tổ chức, nó sẽ nổ ra cách mạng vô sản. Khi đó, “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”[3]; giai cấp vô sản thiết lập sự thống trị của mình bằng cách lật đổ giai cấp tư sản, bằng bạo lực.

Tuyên ngôn nêu ra các giai đoạn của cách mạng vô sản: “bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ. Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”[4]. “Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp”[5]. Đồng thời, giai cấp vô sản dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đó là một xã hội: “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[6]. Như vậy, khi luận chứng về mặt lý luận, C.Mác và Ph.Ăngghen xem cách mạng như một quá trình không ngừng cho đến khi sự nghiệp giải phóng con người được thực hiện. Vì thế, giai cấp vô sản cần nhận thức rõ tiến trình và xu thế của cách mạng.

C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, giai cấp công nhân với tư cách lực lượng chính trị độc lập, phải chủ động tham gia vào cuộc cách mạng dân chủ, xây dựng chế độ mới. “Chủ nghĩa xã hội là lời tuyên bố cách mạng không ngừng là chuyên chính giai cấp của giai cấp vô sản”[7].

Công xã Pari (1871) là sự kiện cách mạng chính thức đầu tiên đánh dấu cho sự ra đời của nền chuyên chính vô sản. Công xã Pari chính là thành quả của nhân dân lao động. Dưới sự dẫn dắt của giai cấp vô sản, đây chính là công sức cuộc đấu tranh bền bỉ của giai cấp công nhân nhằm chống lại giai cấp tư sản phản động cũng như quân Phổ. Công xã Pari là cuộc đấu tranh vì quyền lợi của số đông quần chúng, đặc biệt là vì quyền lợi của nhân dân lao động. Nó đã giải quyết được một số những mâu thuẫn trong lòng nhà nước tư bản chủ nghĩa trước đây. Tuy thất bại, nhưng Công xã Pari đã để lại nhiều bài học, trong đó có tư tưởng cách mạng tiến công, kiên quyết trấn áp kẻ thù; phải không ngừng gia tăng sức mạnh toàn diện, tăng cường nội lực, sự trong sạch nội bộ, vừa phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, ứng phó khôn khéo, chính xác với biến động của tình hình, sự chống phá cả bên trong và bên ngoài; xây dựng, củng cố và sử dụng chính quyền ấy để kiến tạo xã hội mới trong tiến trình cách mạng.

Đánh dấu cho sự thắng lợi to lớn và triệt để hơn trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản ấy chính là Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, cùng với sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản đã minh chứng cho tư tưởng cách mạng không ngừng mà Tuyên ngôn đã nêu ra. Từ tháng 10/1917 đến tháng 3/1918, chính quyền Xô Viết được thành lập trong cả nước, đưa đến sự thành lập Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô). Cuộc cách mạng tháng Mười Nga có một ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, mở ra thời đại mới - thời đại đấu tranh, giải phóng các giai cấp bị bóc lột, giải phóng các dân tộc bị áp bức trên quy mô toàn thế giới. Mặc dù vậy, chính quyền Xô viết non trẻ ấy vừa phải đương đầu với cuộc nội chiến do các thế lực phản động trong nước, vừa phải chiến đấu chống cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc bên ngoài tiến hành, kéo dài trong ba năm kể từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920 và tiếp tục thực hiện cách mạng không ngừng để củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa đến tận năm 1991.

Tuy hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ năm 1991, nhưng cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội vẫn tiếp tục diễn ra trên phạm vi thế giới. Trước sự chống phá quyết liệt ấy, nhiều nước xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục duy trì được nền chuyên chính, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng thế giới.

Ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ đã bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây, tấn công với ý đồ tiêu diệt chính quyền nhà nước Việt Nam non trẻ. Chính ở những thời điểm đầy cam go, thử thách ấy, ánh sáng và những bài học sâu sắc về củng cố và giữ vững chính quyền Xô viết của Cách mạng Tháng Mười Nga đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng và nhân dân Việt Nam vững bước tiến lên, vượt qua mọi gian lao, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Trong điều kiện hiện nay, các thế lực cản trở hòa bình, tiến bộ xã hội tiếp tục gây ra những cuộc chiến tranh về lãnh thổ, tài nguyên, dân tộc, tôn giáo… đe dọa đến sự sống, an ninh của toàn nhân loại. Điều đó đòi hỏi các lực lượng cách mạng thế giới phải tiếp tục thực hiện cách mạng không ngừng, tăng cường ảnh hưởng lẫn nhau và khả năng kết hợp mục tiêu của các phong trào đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội với độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội, tạo nên những hình thức phong phú của con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nêu ra.


[1]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 595

[2]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 597

[3]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.615.

[4]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.626.

[5]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.628.

[6]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.628.

[7]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1995, tr.126.

###

2 nhận xét:

  1. Tuyên ngôn đã nêu ra tính tất yếu của cuộc cách mạng vô sản: “xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp - nó chỉ đem những giai cấp mới,những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới, thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi.-K10

    Trả lờiXóa