Social Icons

Pages

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

 Ý NGHĨA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY, NHẬN DIỆN, PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI

Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được những kết quả “toàn diện, tích cực, rõ rệt”, có ý nghĩa to lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được quần chúng nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường tuyên truyền khẳng định ý nghĩa to lớn của công tác này, đồng thời cần nhận diện, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái.

          Từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao, cách làm bài bản, thận trọng, quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, có ý nghĩa to lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ cần được khẳng định trong thực tiễn. Qua đó nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, định hướng hành động, giữ vững quyết tâm kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác phức tạp, lâu dài, lại thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Do vậy, cần thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đi đôi với nhận diện, kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái về công tác này.

  Một là, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng là đúng đắn; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển

Quá trình lãnh đạo Đảng đã nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ trực tiếp thách thức đối với sự tồn vong của chế độ, của Đảng. Qua các kỳ Đại hội, Hội nghị Trung ương, nhất là những hội nghị gần đây (Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Khóa XII, Khóa XIII), Đảng đã đánh giá đúng tính chất, mức độ, thực trạng tham nhũng, tiêu cực; khẳng định rõ quyết tâm chính trị, xác định đúng quan điểm, phương châm, mục tiêu, chủ trương, phương hướng, giải pháp, cách làm đồng bộ, hiệu quả, thiết thực, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Điều đó khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng là đúng đắn, luôn xuất phát từ thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Quá trình thực hiện đã xuất hiện tư tưởng hoài nghi về tính hiệu quả của công tác này của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Có ý kiến cho rằng nếu quá chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm chậm sự phát triển đất nước, làm “chùn bước” những cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, thực tiễn khẳng định, phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển. Những năm qua, do tác động của điều kiện khách quan, song Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực. Tính trung bình tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2019 khoảng 6,8%, từ năm 2016 đến năm 2020 là 6,0% [1], năm 2022 là 8,02% [2]. “Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại” [3].

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những không làm “chùn bước” cán bộ mà còn tạo môi trường thuận lợi, động lực thực sự cho cán bộ cống hiến. Nhờ đó các lớp cán bộ có lý tưởng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. “Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại, “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm” [4].

Trong nhiều lần phát biểu tại các hội nghị sơ kết, tổng kết về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thiếu quyết liệt thực hiện ở các địa phương. Thậm chí nhiều tổ chức đảng còn “nghe ngóng”, “cầm chừng”. Cử tri cả nước đã thẳng thắn cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, tham nhũng ở các lĩnh vực nhạy cảm, ở các địa phương, “tham nhũng vặt” vẫn thường xuyên xảy ra, nhiều cử tri lo lắng sự “chùng xuống” của công tác này. Thực tế đến nay, với quyết tâm rất cao gắn với hành động quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng với sự hoàn thiện pháp luật, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự trở thành xu thế “không thể đảo ngược”, có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, thực sự không ngừng, không nghỉ.

Hai là, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, cổ vũ, động viên họ tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trước thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi, từ trung ương đến cơ sở trong hệ thống chính trị, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, cùng với sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự kích động, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã làm cho niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân vào Đảng, vào bản chất tốt đẹp của chế độ có phần suy giảm.

Với quyết tâm chính trị rất cao, đường lối đúng đắn, cách làm khoa học, bài bản, quyết liệt, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả rất quan trọng, nhiều vụ án phức tạp đã được xử lý công khai, đúng pháp luật, có lý, có tình, thu hồi được tài sản cho đất nước. “Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng” [5]. Mặt khác, “tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt (nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012 - 2022, bình quân đạt tỷ lệ 34,7%)” [6]. Kết quả đó thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, trách nhiệm của của Đảng trước Tổ quốc, trước nhân dân, trực tiếp làm cho niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đường lối đổi mới và bản chất tốt đẹp của chế độ được tăng cường, củng cố. Từ đó, nâng cao quyết tâm hành động của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười” [7].

Ba là, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nội dung, biện pháp chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, là một phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng cầm quyền trong điều kiện hiện nay. Hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là bài học thực tiễn, “cảnh tỉnh”, giúp mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu, ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Qua đó cũng giúp cho Đảng đánh giá đúng đội ngũ cán bộ, giúp Đảng loại bỏ những cán bộ tha hóa, biến chất, lựa chọn được những cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. “Công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch hơn; đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được không ít vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, “thân quen”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn” [8].

Mặt khác, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh đã bảo vệ được các tổ chức, các cán bộ, đảng viên có đức, có tài, có khát vọng cống hiến, loại bỏ được những phần tử cơ hội, thực dụng; khơi dậy, phát huy được xu hướng tích cực, ngăn chặn, đẩy lùi được xu hướng tiêu cực trong hệ thống tổ chức. Công tác phòng, chống tham nhũng góp phần làm trong sạch bộ máy, tạo ra môi trường học tập, công tác thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng rèn luyện, phấn đấu. Từ tác động tổng hợp như trên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tăng cường nội lực của đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế

Đối với mỗi quốc gia, dân tộc để phát triển rất cần ngoại lực, song việc khơi dậy động lực bên trong lại mang tính quyết định. Tuy nhiên, ở nước ta chính tham nhũng, tiêu cực đã trở thành lực cản lớn cho việc khơi dậy động lực đó. Tham nhũng, tiêu cực trực tiếp ngăn cản xu thế phát triển nội tại của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tham nhũng, tiêu cực trước hết là của những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, người đứng đầu làm cho việc triển khai, tổ chức thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng gặp nhiều khó khăn, kìm hãm dân chủ, kìm hãm những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung, dễ dẫn đến tình trạng bè phái, cục bộ trong Đảng. Tham nhũng, tiêu cực làm các nguồn lực của đất nước bị thất thoát, không phục vụ cho sự phát triển chung mà phục vụ cho lợi ích của nhóm, cá nhân. Tham nhũng, tiêu cực luôn đồng hành với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn sẽ làm cho những cán bộ, đảng viên, quần chúng chân chính bất mãn, chán nản không còn niềm tin, động cơ để rèn luyện, phấn đấu. Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã “khơi thông dòng chảy”, triệt tiêu lực cản, củng cố, gia tăng động lực cho cán bộ, đảng viên, quần chúng cống hiến, đổi mới, sáng tạo. Góp phần mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, tập trung nguồn lực vào sự phát triển chung của đất nước.

Với truyền thống tốt đẹp, nền văn hóa đặc sắc cùng với đường lối ngoại giao đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế và khu vực ngày càng được khẳng định, tăng cường. Tuy nhiên, nước ta vẫn được coi là nước có tình trạng tham nhũng cao. Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam vẫn là quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng cao, năm 2012 đạt 31/100 điểm, xếp hạng 119/175 toàn cầu. Thứ hạng này trong 3 năm (2012, 2013, 2014) không thay đổi. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay chỉ số, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Năm 2016, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 113/176 toàn cầu, đến năm 2017 Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. Từ năm 2018 đến năm 2022, Việt Nam là một trong năm nước có những cải thiện xếp hạng tích cực mạnh mẽ nhất trên thế giới, với mức tăng 9 điểm. Từ năm 2021 đến năm 2022 Việt Nam đã tiến 10 bậc, năm 2021 xếp hạng 87/180 toàn cầu với 39 điểm lên hạng 77/180 đạt 42 điểm [9]. Điều này khẳng định nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự ghi nhận của  quốc tế. Cùng với sự phát triển toàn diện, đường lối đối ngoại đúng đắn, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trực tiếp góp phần nâng cao giá trị quốc gia, dân tộc, tăng thêm chỉ số niềm tin của các đối tác, các nước, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên thế giới đối với nước ta. Qua đó, tạo thời cơ mới để phát triển toàn diện đất nước và tiếp tục hội nhập quốc tế.

Như vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta có tầm vóc, ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang ra sức xuyên tạc, phủ nhận kết quả, ý nghĩa của công tác này, tập trung vào một số điểm cần nhận diện, đấu tranh phê phán.

Một là, tham nhũng, tiêu cực chỉ có ở chế độ một đảng lãnh đạo, do vậy cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện tam quyền phân lập trong cơ quan nhà nước ở Việt Nam

Thực chất đây là luận điểm hoàn toàn sai lầm và vẫn với mục đích chống phá không hề thay đổi, mang tính quy luật của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đó là chúng tìm mọi cách để đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Từ khi Đảng ra đời, nhất là từ khi đổi mới đến nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của ta sau đó quy kết thành nguyên nhân (theo chúng) có tính bản chất là do chế độ một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tất cả những hạn chế, khuyết điểm trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thậm chí những ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu chúng đều khẳng định nguyên nhân xuất phát từ vấn đề một Đảng Cộng sản lãnh đạo và giải pháp mà chúng đưa ra là thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện tam quyền phân lập theo mô hình nhà nước tư sản, thay chế độ chủ nghĩa xã hội bằng chế độ chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam. Và lần này cũng vậy, tham nhũng, tiêu cực ở nước ta cũng được chúng quy về nguyên nhân là do chế độ một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều đó đã đủ khẳng định tính chất xuyên tạc, tráo trở, ngụy biện, cố tình quy kết vô căn cứ của chúng.

Thực tiễn khẳng định, tham nhũng là vấn đề của mọi quốc gia, mọi chế độ chính trị trong lịch sử, cũng như hiện tại. Tham nhũng nảy sinh từ sự tha hóa quyền lực và sự biến chất của những người có chức, có quyền trong bộ máy công quyền. Từ khi giai cấp, nhà nước ra đời hiện tượng tham nhũng cũng nảy sinh và luôn song hành với nó. Bởi lẽ, nhà nước là cơ quan đại diện quyền lực của giai cấp thống trị, song hệ thống bộ máy của nó luôn được trao cho các cá nhân, những nhóm người đại diện dưới các hình thức khác nhau. Điều này tạo điều kiện cho các cá nhân, các nhóm đại diện trong bộ máy lợi dụng, lạm dụng quyền lực để vụ lợi, nhất là khi hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ, việc kiểm soát quyền lực lỏng lẻo, cùng với sự tha hóa, biến chất của những người có chức, có quyền, những người được giao nhiệm vụ trong hệ thống bộ máy. Họ tìm mọi cách để lấy của công làm của tư, đề cao, tuyệt đối hóa, chạy theo lợi ích cá nhân. Do vậy, tham nhũng không loại trừ bất cứ một quốc gia, dân tộc, một chế độ chính trị nào (dù một đảng hay đa đảng lãnh đạo). Bởi lẽ, mầm mống nảy sinh nó không phụ thuộc vào chế độ chính trị, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Ý chí, quyết tâm, hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của giai cấp, đảng, nhà nước cầm quyền; tổ chức bộ máy, cơ chế pháp luật, chính sách phòng ngừa, ngăn chặn, chống tham nhũng, tiêu cực; chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân mà trực tiếp là đội ngũ thực thi công vụ;.... Trong lịch sử chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến đều xảy ra tham nhũng, có nhiều vụ án tham nhũng mang tính điển hình trong lịch sử. Chế độ tư bản trong suốt quá trình ra đời, phát triển của nó cũng gắn liền với tham nhũng, tiêu cực. Hiện nay, tham nhũng vẫn là một vấn nạn quốc tế. Nó diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới, xảy ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tham nhũng là trở ngại lớn đối với sự phát triển. Vì vậy, tháng 12 năm 2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp ở Mexico để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Theo nghiên cứu ở các nước thực hiện đa đảng tham nhũng vẫn xảy ra, thậm chí rất nghiêm trọng như các nước ở Châu Phi, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ucraina, Benarut, Braxin, Cottarica, Hàn Quốc,…

Hai là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ là “bình phong” cho đấu đá quyền lực nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam

Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm nhằm trực tiếp xuyên tạc mục đích tốt đẹp, ý nghĩa xã hội của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đồng thời tạo ra sự hoài nghi cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục đích công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó kéo theo sự hoài nghi của cán bộ, đảng viên, nhân dân về con đường, mục tiêu, lý tưởng cách mạng và mọi đường lối, quan điểm của Đảng. Mặt khác, xuyên tạc mục đích tốt đẹp công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn nhằm chia rẽ nội bộ, gây tư tưởng nghi ngờ lẫn nhau giữa các cán bộ, đảng viên. Như chúng ta đã biết, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài vì dân, vì nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng vậy, mục đích là vì sự trong sạch của Đảng, sự phát triển của đất nước, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì sự tồn, vong của chế độ. Thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không hề như các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị rêu rao. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian qua được tiến hành minh bạch, công khai, rộng khắp, có chiều sâu, chắc chắn, quyết liệt, thực sự “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không ngừng”, “không nghỉ”. Đã có rất nhiều vụ án lớn, nhỏ được điều tra, xét xử, truy tố, đã có hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên ở các cấp, các lĩnh vực (từ cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đến cán bộ ở các tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc quản lý) bị xử lý kỷ luật, bị truy tố với các mức độ, hình thức khác nhau. Điều đó bác bỏ mọi luận điệu cho rằng: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ là “bình phong” cho đấu đá quyền lực nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ba là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam sẽ không đem lại hiệu quả, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm chậm quá trình phát triển của đất nước

Đây là quan điểm hoàn toàn xảo trá, ngụy biện nhằm tạo trở lực trong nhận thức, quyết tâm và hành động của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong chính công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang trở thành xu thế, thành phong trào mạnh mẽ ở nước ta. Cũng giống như mọi sự chống phá trước đây đã mang tính quy luật của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Khi Đảng, Nhà nước ta thực hiện bất kỳ một chủ trương, giải pháp nào để phát triển chúng đều có ý kiến ở dạng phản biện xã hội, góp ý cho rằng chủ trương, giải pháp đó là không phù hợp, không vì sự phát triển của đất nước, cần phải thay đổi, cần phải điều chỉnh, phải thực hiện ngược lại. Chẳng hạn các kỳ đại hội Đảng, kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương diễn ra, khi những Nghị quyết mới được ban hành, hay là khi Quốc hội thông qua dự thảo các luật thì trên các trang mạng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại có hàng loạt bài viết, video phê phán, chỉ trích, xuyên tạc những điều luật đó. Tất cả những hành vi trên của chúng đều xuất phát từ mục đích không muốn dân tộc ta, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển, vươn lên. Chúng chỉ muốn nội bộ mâu thuẫn, xã hội rối ren, đất nước, dân tộc tụt lùi để từ đó có thể xuất hiện tình thế cho mưu đồ lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa giống như ở Liên Xô và Đông Âu trước đây.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng cần nhận thức sâu sắc rằng, tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta; thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn; “đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”, thiếu quyết liệt”[10]. Từ đó xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong quán triệt, thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của các tổ chức đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, góp phần đưa đất nước, dân tộc ta ngày càng phát triển, phồn vinh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2022), Tài liệu hỏi - đáp về các văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập 1, tập 2.

3. Nguyễn Bích Lâm (2023), Tăng trưởng lập kỳ tích và “nét khác biệt đáng tự hào” của kinh tế Việt Nam, Petro Times, Tạp chí của Hội dầu khí Việt Nam Onile, 16.45, 29/12/2022.

4. Hoài Phương (2023), Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2022: Những điểm nổi bật, Tạp chí Điện tử Pháp lý online, https://phaply.net.vn, 8:31, 09/02/2023.

5. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, Hà Nội.

6. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập 2, tr.8.

[2] Nguyễn Bích Lâm (2023), Tăng trưởng lập kỳ tích và “nét khác biệt đáng tự hào” của kinh tế Việt Nam, Petro Times, Tạp chí của Hội dầu khí Việt Nam Onile, 16.45, 29/12/2022.

[3] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr. 126.

[4] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr. 126.

[5] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.117 - 118.

[6] Sđd, tr.120.

[7] Sđd, tr.116.

[8] Sđd, tr.122.

[9] Hoài Phương (2023), Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2022: Những điểm nổi bật, Tạp chí Điện tử Pháp lý online, https://phaply.net.vn, 8:31, 09/02/2023.

[10] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.104.

 

1 nhận xét:

  1. Mọi người dân phải tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa