“BONG
BÓNG TÀI CHÍNH” VÀ SỰ ĐỔ VỠ ĐƯỢC BÁO TRƯỚC
CỦA
HỆ THỐNG KINH TẾ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA
Sự xuất hiện của tư bản tài chính đánh dấu bước phát triển vượt bậc của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Quan hệ xã hội đặc biệt này cho phép tập trung và phân bổ các nguồn lực kinh tế hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ hơn bất kỳ phương thức sản xuất nào trước đó. Tuy nhiên, chính quan hệ xã hội này đã đẩy các nhà tư bản ngày càng tách xa quá trình sản xuất, bộc lộ đầy đủ tính chất thao túng, lũng đoạn và ăn bám.
1.
Lý luận của V.I. Lênin về tư bản tài chính và “đầu sỏ tài chính”
Theo V.I. Lênin, “Tư
bản tài chính là kết quả của sự hợp nhất giữa tư bản ngân hàng của một số ít
ngân hàng độc quyền lớn nhất với tư bản của những liên minh độc quyền của các
nhà công nghiệp” [1]. Quan hệ độc quyền tất yếu dẫn
tới sự hình thành tư bản tài chính và sự phát triển của tư bản tài chính làm xuất
hiện những chủ ngân hàng và chủ xí nghiệp sản xuất công nghiệp độc quyền kếch
xù, chi phối toàn bộ đời sống kinh tế và chính trị trong một nước, V. I. Lênin
gọi họ là “đầu sỏ tài chính” (hay “trùm tài chính”, “tài phiệt”).
Về kinh tế, “đầu sỏ
tài chính” thiết lập sự thống trị của mình thông qua “chế độ tham dự”. Thực chất
của chế độ tham dự là nhờ có số cổ phiếu khống chế mà một nhà tài chính lớn hoặc
một tập đoàn tài chính chi phối được hoạt động của một công ty cổ phần, thông
qua công ty cổ phần đó (công ty mẹ) tiếp tục mua cổ phần với tỷ lệ cổ phiếu khống
chế và chi phối hoạt động của các công ty khác (công ty con F1). Các công ty tiếp
tục chi phối các công ty con F2... Cứ như vậy, các “đầu sỏ tài chính” có thể khống
chế và sử dụng được một lượng tài chính lớn gấp nhiều lần số vốn ban đầu. Từ
công cụ tài chính này, họ khống chế và chi phối các lĩnh vực chiến lược, then
chốt của toàn bộ nền kinh tế.
Về
chính trị, các “đầu sỏ tài chính” tìm cách chi phối hoạt động của các cơ quan
nhà nước cả về đường lối đối nội và đường lối đối ngoại, bằng cách đưa người
vào thao túng bộ máy nhà nước, biến nhà nước trở thành công cụ phục vụ lợi ích
của họ. Lênin chỉ rõ hiện tượng: “Hôm nay là bộ trưởng, ngày mai là chủ ngân
hàng; hôm nay là chủ ngân hàng, ngày mai là bộ trưởng” [2]. Sự thống trị về
kinh tế và chính trị của “đầu sỏ tài chính” đã làm nảy sinh chủ nghĩa phát xít,
chủ nghĩa quân phiệt và nhiều chính sách phản động như chạy đua vũ trang, gây
chiến tranh xâm lược để áp bức, bóc lột các nước đang phát triển và chậm phát
triển.
Cuộc
đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và nhân dân tiến bộ trên thế giới đã làm
tan rã “chủ nghĩa thực dân kiểu cũ”, nhưng chưa xoá bỏ được tư bản tài chính và
sức mạnh của “đầu sỏ tài chính”. Những thế lực này tiếp tục phát triển và bành
trướng sự thống trị của mình trên phạm vi toàn cầu dưới những hình thức mới.
2.
Biểu hiện mới của tư bản tài chính - “bong bóng tài chính”
Khi
mới ra đời, vận động của tư bản tài chính luôn bám sát vận động của tư bản sản
xuất (tư bản tồn tại dưới dạng hiện vật: nhà xưởng, máy móc, thiết bị, kho
tàng, nguyên nhiên vật liệu… ) nhưng đã hàm chứa sẵn khả năng tách khỏi tư bản
sản xuất. Từ khi xuất hiện thị trường chứng khoán thứ cấp, sự vận động của tư bản
tài chính đã thoát ly khỏi tư bản sản xuất và ngày nay, sự thoát ly này đã trở
nên quá xa, hình thành các “bong bóng tài chính”. Đây có thể coi là một biểu hiện
mới của tư bản tài chính, nó làm làm biến dạng quan hệ tài chính - tiền tệ truyền
thống, tạo lỗ hổng không thể khắc phục trong hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa
và chắc chắn sẽ đẩy hệ thống này tới sụp đổ hoàn toàn.
Tư
bản tài chính ra đời và sự xuất hiện của thị trường chứng khoán sơ cấp là một tất
yếu lịch sử, nó trở thành công cụ thần kỳ, giúp tập trung và phân bổ các nguồn
lực của sản xuất một cách hiệu quả nhất, đưa nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tăng
trưởng với tốc độ cao chưa từng thấy trong lịch sử. Trên thị trường sơ cấp, nơi
cổ phiếu, trái phiếu được phát hành lần đầu, mục đích của chúng là huy động nguồn
vốn đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tiền bán trái phiếu,
cổ phiếu sẽ thông qua chính phủ và doanh nghiệp, tạo thành dòng chảy đầu tư cho
sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống dân sinh. Tuy
nhiên, khi xuất hiện thị trường chứng khoán thứ cấp thì mọi chuyện đã hoàn toàn
khác. Ban đầu, việc giao dịch chứng khoán giữa các nhà đầu tư cũng giúp cho thị
trường sơ cấp phát triển khởi sắc hơn, nhờ vậy dòng tiền chảy vào sản xuất cũng
nhiều hơn. Tuy nhiên, sức cám dỗ của thị trường chứng khoán thứ cấp đã thu hút
ngày càng nhiều các nhà đầu tư. Sự xuất hiện các sản phẩm chứng khoán phái sinh
càng làm cho thị trường thứ cấp nở rộng bất thường. Hiện nay, quy mô thị trường
thứ cấp đã vượt xa thị trường sơ cấp hàng trăm lần. Tổng vốn hoá thị trường chứng
khoán thế giới năm 2018 đạt khoảng 68,65 nghìn tỷ USD [3] lớn gấp 343 lần thị
trường sơ cấp (khoảng 200 tỷ USD) [4]. Điều này có nghĩa, dòng tiền chạy từ tay
nhà đầu tư tài chính này sang tay nhà đầu tư tài chính khác là hơn 68 nghìn tỷ
USD, nhưng dòng tiền thực tế được huy động vào sản xuất chỉ chưa đầy 0,003% con
số đó! Thị trường chứng khoán giống như một canh bạc giữa các nhà đầu tư, và số
tiền họ ném vào canh bạc này đã gần chiếm trọn thu nhập của xã hội (GDP thế giới
năm 2018 là 86,46 nghìn tỷ USD). Trong cuộc chơi chứng khoán trên thị trường thứ
cấp, tiền chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác chứ không làm tăng tổng
thu nhập xã hội, nhưng các hệ thống thống kê tư bản chủ nghĩa đã “khéo léo” cộng
tất cả thu nhập từ mua bán chứng khoán vào GDP, tạo ra một “quả bóng GDP” ngày
càng lớn. Thị trường chứng khoán không còn đóng vai trò một kênh huy động vốn
hiệu quả cho sản xuất nữa, trái lại nó biến thành một chùm bong bóng tài chính
khổng lồ chỉ chờ ngày vỡ tan. Trên thực tế, những trái bóng nhỏ đã lần lượt vỡ,
những cụm bong bóng cũng có thời điểm vỡ đồng loạt và sự sụp đổ hoàn toàn của hệ
thống “bong bóng tài chính” này hoàn toàn có thể dự đoán trước.
3.
“Bong bóng tài chính” vỡ từng quả tới từng chùm
Từ đầu thập niên 2000 đến nay, hàng loạt các doanh nghiệp
lần lượt phá sản do bê bối tài chính, trong đó có nhiều doanh nghiệp tỷ USD, với
quy mô lao động lên tới hàng vạn người. Tiêu biểu trong số đó có thể kể tới:
Enron, Payless, Blockbuster, Borders Group, Sports Authority, Charming Charlie,
Gymboree, A&P, WOW Air, Henri Bendel, Toy “R” Us… Phân tích trường hợp sụp
đổ của Enron sẽ cho thấy lỗ hổng “bong bóng tài chính” trong doanh nghiệp lớn tới
mức nào.
Enron
được thành lập từ năm 1985 trên cơ sở sáp nhập hai công ty Houston Natural Gas
và Internorth of Omaha. Nhờ những quy định mới về tự do hóa thị trường năng lượng
Hoa Kỳ trong những năm 1990s, Enron đã phát triển thành một tập đoàn có thể
thay đổi sự cân bằng thị trường năng lượng Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng trên phạm vi
toàn cầu. Trên thực tế, Enron chỉ là nhà buôn, chuyên sắp xếp hợp đồng giữa người
mua và người bán để lấy tiền hoa hồng. Trong tay Enron, thị trường năng lượng trở
thành nơi đầu cơ tài chính. Enron xây dựng những nhà máy triệu USD khắp thế giới
và chỉ sở hữu chúng khi giá năng lượng lên ngôi, khi gặp khó khăn thì bán ngay
lập tức. Nhờ hoạt động tài chính thuận lợi, Enron đã vươn sang các mặt hàng như
giấy, nước, nhựa, kim loại và phương tiện viễn thông. Năm 2000, trên sổ sách kế
toán, Enron là một trong 7 công ty Hoa Kỳ có doanh số hơn 100 tỷ USD, lợi nhuận
lên tới 10 tỷ USD (!). Hệ thống thông tin đại chúng, điển hình là tạp chí
Fortune, luôn đánh bóng Enron là công ty có nhiều tiềm năng nhất, công ty đổi mới
sáng tạo bậc nhất Hoa Kỳ… Giá cổ phiếu của Enron nhờ vậy không ngừng tăng với tốc
độ chóng mặt, từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 1998 đã tăng 311%, vượt xa tỷ
lệ tăng trưởng của chỉ số S&P 500. Giá cổ phiếu Enron tiếp tục tăng 56% năm
1999 và 87% năm 2000, trong khi chỉ số S&P tăng 20% vào năm 1999 và giảm
10% vào năm 2000. Tới ngày 31-12-2000, vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc
60 tỷ USD, cao gấp 70 lần thu nhập và 6 lần giá trị sổ sách. [5]
Trên
thực tế, Enron làm ăn bết bát nhưng đã khéo léo che đậy các khoản thua lỗ, những
món nợ xấu bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó phải kể đến thủ đoạn “đóng
gói” các khoản nợ, các dự án thất bại bằng việc thành lập các công ty con và
làm giả sổ sách kế toán. Enron che đậy các báo cáo tài chính khống bằng cách
khéo léo mua chuộc công ty Arthur Andersen
(một trong 5 công ty Tư vấn kiểm toán lớn nhất thế giới lúc bấy giờ). Tính
riêng năm 2000, Enron đã trả cho Arthur Andersen 27 triệu USD phí tư vấn và 25
triệu USD phí kiểm toán. Khi thực trạng kinh doanh bị phanh phui, cổ phiếu của
Enron đã trượt giá không phanh, xuống còn dưới 1 USD/cổ phiếu và công ty này
chính thức phá sản vào ngày 02/12/2001. “Quả bóng tài chính” 63,4 tỷ USD mang
tên Enron phát nổ đã làm bốc hơi toàn bộ tài sản của các nhà đầu tư, trong đó
có tài sản tiết kiệm của 20.000 nhân viên dưới dạng cổ phiếu và đẩy họ vào cảnh
thất nghiệp. [5]
Trước
sự kiện Enron phá sản khoảng 30 năm, một loạt các doanh nghiệp lớn cũng đã lần
lượt đổ vỡ trong cuộc khủng hoảng Stagflation 1970s. Lạm phát đi kèm suy thoái
và thất nghiệp đã làm phá sản lý thuyết “Đường cong Phillips” của Alban William
Phillips. Nhiều nghiên cứu đổ lỗi cho hiện tượng giá dầu tăng, làm cho chi phí
tăng và giá cả hàng hoá tăng là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đại khủng hoảng
này. Tuy nhiên chính “bong bóng tài chính” lớn quá xa thực trạng sản xuất mới
là nguyên nhân sâu xa của tất cả những đổ vỡ.
Cùng
thời điểm Enron phá sản, một chùm bong bóng tài chính mang tên “dot-com” cũng đồng
loạt nổ, tạo thành làn sóng dẫn tới khủng hoảng tài chính năm 2008. Và gần đây,
“Đại khủng hoảng nghỉ việc” (The Great Resignation) 2021 được cho là do đại dịch
Covid-19, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đang chỉ ra nguyên nhân sâu xa hơn chính
là “bong bóng tài chính”. Covid-19 chỉ là chiếc ngòi nổ kích hoạt “chùm bong
bóng đã căng đầy không khí”, kinh tế thế giới rất có thể phải đối mặt với sự đổ
vỡ dây chuyền và suy thoái kéo dài, có thể còn trầm trọng hơn Stagflation
1970s.
4. “Bong bóng GDP” và lỗ hổng trong hệ thống kinh tế tư bản
chủ nghĩa
“Bong
bóng tài chính” từ thị trường chứng khoán thứ cấp đã tạo ra một thu nhập ảo
tách rời hoàn toàn tất cả các tài sản thực và khi thu nhập ảo này được tính vào
tổng GDP, nó hình thành một bong bóng GDP khổng lồ. Đây chính là lỗ hổng cực lớn
trong hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa dưới bàn tay chi phối của các “đầu sỏ
tài chính” Hoa Kỳ.
Tính
tới tháng 1/2023, giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết trên các sàn chứng
khoán Mỹ chiếm tới 42% tổng giá trị vốn hoá toàn cầu [6]. Toàn bộ giá trị ảo
này được hệ thống kế toán tư bản chủ nghĩa khéo léo tính vào “thu nhập thực” của
các nhà đầu tư và nó góp phần quan trọng tạo nên khoản GDP khổng lồ 25 nghìn tỷ
USD cho Hoa Kỳ [7]. Hệ thống lập pháp được đánh giá là đồ sộ, hiện đại, khoa học
và “dân chủ” nhất thế giới, lại không ngừng nới rộng trần nợ công. Kết quả là,
tính đến nay, nợ công của Hoa Kỳ đã vượt 31 nghìn tỷ USD [8]. Khoản nợ này
không hề có tài sản bảo đảm, nó là khoản vay tín chấp và thứ bảo đảm duy nhất
chính là quyền thu thuế của Chính phủ Hoa
Kỳ trong tương lai. Điều tài tình là, chính khoản nợ công này biến thành thứ
tài sản đảm bảo cho Cục dự trữ liên Bang (FED) phát hành đồng USD. Như vậy, FED
đã phát hành USD dựa trên thu nhập ảo, chứ hoàn toàn không dựa trên giá trị
hàng hoá và dịch vụ thực của Hoa Kỳ. Theo lý thuyết tiền tệ, khi USD được in ra
nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của sản xuất của Hoa Kỳ, lạm phát sẽ xảy ra, giá cả
hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ sẽ tăng nhanh, thậm chí không thể kiểm soát. Tuy
nhiên, hiện tượng nêu trên, cho tới thời điểm này, tại sao vẫn chưa xảy ra?
Những
cái đầu sành sỏi của FED đã khéo léo đẩy toàn bộ lượng USD “dư thừa” ra khỏi nước
Mỹ một cách ngoạn mục. Thông qua chính phủ Hoa Kỳ, FED áp đặt các quốc gia xuất
khẩu dầu mỏ bán dầu bằng USD và từ đây, USD chính thức trở thành “phương tiện
thanh toán quốc tế”. Một thứ tiền tệ quy ước, phát hành trên cơ sở một khoản
vay tín chấp bởi FED (một tổ chức có chức năng của ngân hàng trung ương, nhưng
thực chất là liên minh các ngân hàng tư nhân của từng bang) đã trở thành phương
tiện thanh toán toàn cầu. Thứ giấy vụn mà giới tài phiệt Hoa Kỳ tạo ra đã được
đổi lấy tài sản thực của thế giới, các “đầu sỏ tài chính” đã dùng USD để mua và
trở thành chủ nhân của những mỏ dầu, mỏ tài nguyên, đất đai, tập đoàn công nghiệp
và nhiều loại tài sản giá trị khác từ các quốc gia trên thế giới. Khi các quốc
gia “mơ hồ” nhận ra cú lừa ngoạn mục này, muốn thoát khỏi sự khống chế của đồng
USD thì ngay lập tức họng súng của quân đội nhà nghề Hoa Kỳ (nhân danh “hiệp sĩ
của hoà bình”) chĩa thẳng vào đầu họ. Những sự can thiệp quân sự vào các quốc
gia Trung Đông trong mấy thập niên trở lại đây, được hợp thức hoá bằng các nghị
quyết của Liên Hợp Quốc, núp dưới vỏ bọc chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt,
trừng phạt các quốc gia dung túng cho chủ nghĩa khủng bố, vi phạm nhân quyền,
vi phạm tự do tôn giáo… đằng sau đó chính là bảo vệ hệ thống Petrodollar.
5.
Sự đổ vỡ được báo trước
“Bong bóng GDP” Hoa Kỳ vẫn ngày càng phình đại, “bong bóng tài chính” được tạo ra bởi thị trường chứng khoán thứ cấp toàn cầu cũng ngày càng phình đại. Thu nhập vẫn đều đặn chảy về tay các “đầu sỏ tài chính” đang thao túng hệ thống kinh tế thế giới. Theo Oxfam, “1% dân số giàu nhất thế giới đã bỏ túi 82% tổng của cải được tạo ra trong năm vừa qua trong khi nửa dân số nghèo nhất của thế giới không được hưởng lợi gì” [9]. Đây là số liệu trong bản Báo cáo được công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/01/2018, phản ánh sự phân hoá giàu nghèo đã gần đạt tới ngưỡng không thể chấp nhận. Trong hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, tất cả những sản phẩm từ lương thực, quần áo, nhà ở, phương tiện đi lại… đều được sản xuất bởi các doanh nghiệp và thuộc quyền sở hữu của các chủ doanh nghiệp. Và điều gì xảy ra khi 1% tỷ phú vừa là chủ sở hữu của kho sản phẩm hàng hoá khổng lồ, vừa nắm trong tay 82% thu nhập xã hội? Họ không thể bán hết số hàng hoá mà doanh nghiệp của họ đã sản xuất ra, vì 99% dân số còn lại (những người có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm) chỉ đủ khả năng mua 18% lượng sản phẩm kia. Không bán được hàng, đồng nghĩa với mục đích thu lợi nhuận của chủ doanh nghiệp không đạt được. Với tư cách là người sở hữu tư liệu sản xuất, người quyết định quá trình tổ chức sản xuất, họ sẽ quyết định dừng việc sản xuất những hàng hoá thông thường. Thay vì quyết định sản xuất những tư liệu sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đông đảo dân chúng, các chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách sản xuất cao lương mỹ vị, hàng hiệu cao cấp, căn hộ cao cấp, siêu xe, du thuyền, chuyên cơ… để phục vụ giới thượng lưu, vì chỉ giới thượng lưu mới đủ khả năng thanh toán cho các sản phẩm này. Nhưng giới thượng lưu chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ dân số và để đáp ứng nhu cầu của nhóm người này, chỉ sử dụng hết một phần rất nhỏ năng lực sản xuất của xã hội. Kết quả là, một bộ phận to lớn nguồn lực kinh tế của xã hội sẽ không được huy động sử dụng, trong khi nhu cầu thiết yếu của đông đảo dân cư chưa được đáp ứng đầy đủ. Khủng hoảng sản xuất thừa vẫn nổ ra theo chu kỳ; nhà máy, xí nghiệp vẫn không ngừng bị đóng cửa, phá sản; công nhân vẫn luân phiên thất nghiệp và phần lớn dân số vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Nguyên nhân của thực trạng trên đơn giản vì mục đích làm giàu cho chủ doanh nghiệp là động lực của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa và khi mục đích này không đạt được, thì hệ thống kinh tế ấy tất yếu không vận hành ổn định và hiệu quả được. Nguyên nhân này không thể được tháo gỡ, chừng nào giai cấp tư sản vẫn độc chiếm các tư liệu sản xuất chủ yếu và do đó, toàn quyền quyết định việc tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm. Như vậy, chủ nghĩa tư bản không thể tự mình hoá giải mâu thuẫn đang kìm hãm sức sản xuất của xã hội, mà lịch sử loài người đã chứng minh, lực lượng sản xuất xã hội sẽ phá vỡ tất cả những quan hệ sản xuất nào, hệ thống tổ chức xã hội nào kìm hãm sự phát triển của nó.
Thao
túng tài chính đạt tới đỉnh điểm đã cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất,
khiến hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa đang đổ vỡ từng phần và có xu hướng sụp
đổ hoàn toàn. Thực tiễn vận động của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhìn từ
biểu hiện mới của tư bản tài chính, đang minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn của
học thuyết kinh tế Mác - Lênin. Hệ thống lý luận khoa học và cách mạng này vẫn
giữ nguyên giá trị, đóng vai trò nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động
của Đảng và cách mạng Việt Nam. Nhận thức được điều này, chúng ta càng thêm củng
cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, tin tưởng
vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nhận
thức được “bong bóng tài chính” trên thị trường chứng khoán thứ cấp và bản chất
vận hành của đồng USD, để tránh những hậu quả nặng nề khi hệ thống tài chính tư
bản chủ nghĩa đổ vỡ hoàn toàn, chính phủ cần có những chính sách đối phó phù hợp:
(1)
Ban hành quy định giới hạn giá trần cho các giao dịch chứng khoán trên thị trường
thứ cấp, đảm bảo giá chứng khoán không thoát ly quá xa giá niêm yết trên thị
trường sơ cấp. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng kiểm toán, tránh tình trạng
gian lận báo cáo tài chính hòng đánh bóng kết quả sản xuất kinh doanh của các
doanh nghiệp.
(2)
Đa dạng hoá dự trữ ngoại hối, hạn chế dự trữ USD. Đẩy mạnh truyền thông, khuyến
cáo doanh nghiệp và người dân hạn chế dự trữ USD, chỉ duy trì mức dự trữ giới hạn,
đủ thực hiện các giao dịch xuất - nhập khẩu trong ngắn hạn.
Đinh Thế Thuận
#SQCT
Tài liệu tham khảo
1.
V.I.Lênin, Toàn tập, tập 27, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 489.
2.
V.I.Lênin, Toàn tập, tập 31, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 275
3.
Toàn cảnh chứng khoán thế giới năm 2018, https://nfsc.gov.vn/vi/dinh-che-tai-che/toan-canh-chung-khoan-the-gioi-nam-2018/
4.
The World Bank, Annual Report 2018, https://thedocs.worldbank.org/en
5. Vụ Bê bối tài chính Enron: Trạng chết chúa cũng băng
hà, https://cand.com.vn/
6.
Ngọc Trang, Thị trường chứng khoán Mỹ lớn cỡ nào?, https://vneconomy.vn/
7. Ngọc Trang, Những nền kinh tế lớn nhất thế giới năm
2022, https://vneconomy.vn/
8. Đức Anh, Nợ công Mỹ lần đầu vượt 31 nghìn tỷ USD, https://vneconomy.vn/
9. Oxfam, 1% người giàu nhất chiếm 82% của cải được tạo ra vào năm ngoái - một nửa nhân loại nghèo nhất không nhận được gì, https://www.oxfam.org/en
Chủ nghĩa tư bản sẽ sớm tan dã thôi
Trả lờiXóa